Bài học dân số từ thế giới: Cái giá của sự chậm trễ
Từ các nước giàu đến những nước đang phát triển, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học: tỷ lệ sinh liên tục giảm ở nhiều nơi. Ở đa số quốc gia, mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số ổn định. Hệ quả không chỉ là già hóa dân số mà còn là những tác động lâu dài về mọi mặt.

Nhật Bản đang phải chung sống với mô hình xã hội “siêu già”. Ảnh: Getty Images
Từ Bắc Âu đến Đông Á: Một bức tranh ảm đạm
Hàn Quốc là quốc gia có mức sinh thấp nhất thế giới. Tính đến năm 2024, mỗi phụ nữ Hàn Quốc trung bình chỉ sinh 0,75 con, chưa bằng một nửa mức sinh thay thế (2,1 con). Tại Thủ đô Seoul, con số này chỉ là 0,55 con/phụ nữ.
Dù Chính phủ nước này đã chi nguồn ngân sách lớn để khuyến khích sinh con nhưng vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng này. Tiến sĩ Lee Sang-lim, một chuyên gia dân số từ Đại học Quốc gia Seoul, đã cảnh báo rằng Hàn Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh do các xu hướng nhân khẩu học đáng báo động.
Nếu tỷ lệ sinh vẫn duy trì ở mức hiện tại, 100 người Hàn Quốc ngày nay sẽ chỉ có 36 người con, sau đó là 13 người cháu và chỉ còn 5 người chắt trong vòng 4 thế hệ.
Tại Trung Quốc, năm 2024 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp dân số giảm, chấm dứt hơn nửa thế kỷ tăng trưởng dân số. Tỷ lệ sinh phục hồi nhẹ năm 2024 nhờ các chính sách hỗ trợ nhưng vẫn không đủ để bù đắp đà suy giảm.
Dự báo của Liên hợp quốc cho thấy, dân số Trung Quốc có thể chỉ còn 633 triệu người vào cuối thế kỷ 21, chưa bằng một nửa hiện tại.

Một người mẹ chăm sóc con tại nhà riêng ở Seoul, Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Khi xét đến tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử, dân số Nhật Bản đang sụt giảm gần 2 người mỗi phút. Dù là một trong những quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và đã chấp nhận sống chung với mô hình xã hội "siêu già", quốc gia này vẫn chịu những áp lực nặng nề đối với hệ thống tài chính công và tình trạng thiếu hụt lao động.

Kết quả cuộc khảo sát của UNFPA được tiến hành trên 14.000 người cho thấy, cứ 5 người thì có 1 người cho biết họ chưa có số con mà họ mong muốn. Ảnh: Getty Images
Các nước châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Đức ghi nhận mức sinh trung bình 1,46 con/phụ nữ năm 2022. Con số này ở Ý và Tây Ban Nha thậm chí thấp hơn, lần lượt là 1,24 và 1,16 - thuộc nhóm thấp nhất châu Âu.
Tình trạng tương tự diễn ra trên khắp lục địa, từ Tây Âu đến Đông Âu, ngay cả khi các quốc gia này có hệ thống phúc lợi phát triển. Chỉ một vài nước trong khu vực được xem là "ngoại lệ".
Pháp có mức sinh khoảng 1,8 con/phụ nữ, cao nhất Tây Âu, nhờ những chính sách hỗ trợ sinh con và nuôi dạy trẻ, từ trợ cấp tiền mặt đến chăm sóc miễn phí. Tại Bắc Âu, Thụy Điển và Na Uy duy trì mức sinh trung bình xấp xỉ 1,7-1,8 con/phụ nữ nhờ chính sách nghỉ phép linh hoạt và khuyến khích chia sẻ việc chăm sóc con giữa cha và mẹ.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, ngay cả những mô hình này cũng khó đưa mức sinh trở lại ngưỡng 2,1 con/phụ nữ, mức cần thiết để ổn định dân số tự nhiên.
Một điểm đáng chú ý là tại nhiều quốc gia đang phát triển, mức sinh cũng giảm nhanh chóng. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, hiện có mức sinh trung bình 2,0, tức đã dưới mức thay thế.
Brazil, Thái Lan, Iran hay Malaysia cũng chứng kiến mức sinh giảm mạnh trong một thập kỷ qua. Các nước này đối mặt với một vòng xoáy mà các chuyên gia gọi là "già trước khi kịp giàu".
Không chỉ là lựa chọn cá nhân
Tại sao người dân lại sinh ít con hơn? Nhiều chính phủ cho rằng đây là kết quả của thay đổi văn hóa, khi phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp, giới trẻ muốn sống tự do hơn. Nhưng có thể nguyên nhân thực tế lại sâu xa và phức tạp hơn.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), phần lớn người trẻ vẫn muốn có từ 2 con trở lên. Tuy nhiên, họ gặp nhiều rào cản: chi phí sống quá cao, nhà ở đắt đỏ, công việc không ổn định và thiếu dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ.
Ở các đô thị lớn, chỉ riêng tiền nhà và học phí mầm non đã chiếm phần lớn thu nhập của một gia đình trẻ. Sinh con, thay vì là niềm vui, đang trở thành gánh nặng kinh tế. Ngoài ra, phụ nữ vẫn gánh phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Việc thiếu các chính sách chia sẻ nghĩa vụ giữa cha mẹ khiến người phụ nữ buộc phải chọn giữa sự nghiệp và gia đình. Ở nhiều nơi, nghỉ thai sản đồng nghĩa với tụt hậu trong công việc, khiến không ít phụ nữ quyết định trì hoãn hoặc từ chối làm mẹ.
Tâm lý bất an về tương lai cũng là một yếu tố quan trọng. Biến đổi khí hậu, xung đột toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, tất cả tạo ra cảm giác thiếu chắc chắn khiến nhiều người không muốn sinh con. Ở một số khu vực tại châu Á, người trẻ thường xuyên rơi vào xung đột giữa kỳ vọng của gia đình và mong muốn cá nhân.
Các chuyên gia khẳng định, mức sinh thấp không thể cải thiện chỉ bằng các khoản trợ cấp nhỏ hay chiến dịch tuyên truyền. Chỉ khi việc sinh con không còn là một hy sinh quá lớn, xã hội mới có thể duy trì động lực sinh sản.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam không phải là ngoại lệ trong xu hướng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo Bộ Y tế, năm 2023, tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam chỉ còn 0,84%.
Dự báo của Liên hợp quốc cho thấy nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, dân số Việt Nam có thể giảm còn 46 triệu người vào năm 2200, chỉ bằng một nửa hiện nay. Ở nhiều tỉnh, thành phố của nước ta hiện nay ghi nhận mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà nước đã yêu cầu rà soát chính sách dân số toàn diện.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, chính sách không thể chỉ tập trung vào khuyến khích sinh mà cần đầu tư vào nhà ở, giảm chi phí giáo dục - y tế, cải thiện phúc lợi thai sản và hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ. Đồng thời, cần thay đổi cách nhìn về vai trò giới trong gia đình, thúc đẩy môi trường làm việc linh hoạt và thân thiện với gia đình trẻ.
Việt Nam chưa phải là nước giàu nhưng thời gian chuẩn bị cho một xã hội già hóa không còn nhiều. Bài học từ thế giới cho thấy, nếu không hành động sớm và quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là sụt giảm dân số.