Bài tập cải thiện chức năng hô hấp cho người bệnh áp xe phổi

Bên cạnh việc chăm sóc, điều trị y khoa, các bài tập sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh áp xe phổi trong việc cải thiện tình trạng bệnh, giảm các triệu chứng khó chịu, giảm tắc nghẽn đường hô hấp.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh áp xe phổi

Nội dung

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh áp xe phổi

2. Các bài tập tốt cho người bệnh áp xe phổi

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người bệnh áp xe phổi

Áp xe phổi là một tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong mô phổi, thường xuất hiện sau khi người bệnh mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính như viêm phổi, tắc mạch phổi nhiễm khuẩn…

Khi mắc bệnh, mô phổi của người bệnh sẽ bị hoại tử, tạo điều kiện cho sự hình thành của dịch mủ và các ổ áp xe chứa mủ, tế bào bạch cầu chết và vi sinh vật gây bệnh.

Bệnh áp xe phổi có những biểu hiện lâm sàng sốt, mệt mỏi, sút cân và dấu hiệu của viêm phổi. Bệnh nhân thường có sốt từ 38,5°C đến 39°C hoặc cao hơn, có thể kèm theo cảm giác rét run. Đau ngực thường xuất hiện ở vị trí tổn thương, đôi khi kèm theo đau bụng ở những bệnh nhân áp xe phổi thùy dưới. Ho khạc đờm có mủ, thường có mùi hôi hoặc thối, có thể khạc ra mủ lẫn máu hoặc thậm chí có ho máu nhiều.

Hình ảnh minh họa áp xe phổi.

Hình ảnh minh họa áp xe phổi.

Người bệnh cũng có thể gặp khó thở, biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, tím môi và đầu ngón tay, cùng với giảm PaO2 và SaO2. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, áp xe phổi có thể tiến triển tốt và bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau một thời gian, mặc dù có thể để lại sẹo xơ phổi.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách hoặc không đáp ứng tốt, bệnh có thể tiến triển thành áp xe mạn tính hoặc để lại những hậu quả nguy hiểm như giãn phế quản quanh ổ áp xe, nhiễm trùng huyết, áp xe não, ho ra máu nặng, suy kiệt cơ thể, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

Bên cạnh những chăm sóc, điều trị y khoa, các bài tập đặc biệt là các bài tập thở sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh, bao gồm:

Cải thiện tình trạng bệnh.
Giảm các triệu chứng khó chịu.
Hỗ trợ thải đờm và dịch.
Giảm tắc nghẽn đường hô hấp.
Kích thích hệ thần kinh hoạt động tốt hơn, tăng cường chất lượng giấc ngủ và không gặp những triệu chứng như mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm trí nhớ…

Tập luyện giúp người bệnh áp xe phổi tăng cường sức khỏe và cải thiện chức năng hô hấp.

Tập luyện giúp người bệnh áp xe phổi tăng cường sức khỏe và cải thiện chức năng hô hấp.

2. Các bài tập tốt cho người bệnh áp xe phổi

2.1 Bài tập thở

- Thở cơ hoành

Thở bằng cơ hoành là một kỹ thuật quan trọng trong phục hồi chức năng phổi, giúp tăng cường sức mạnh của cơ hoành và các cơ bụng; giúp cải thiện lượng không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi, cải thiện lưu thông khí và tăng trao đổi oxy, từ đó giúp họ giảm thiểu triệu chứng khó thở một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu sự mệt mỏi của các cơ hô hấp ngực.

Đặc biệt, đối với người bệnh áp xe phổi, thở cơ hoành còn hỗ trợ người bệnh trong việc tăng cường tống thải đờm và dịch.

Cách thực hiện:Ngồi hoặc nằm ở vị trí thoải mái.
Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng.
Hít vào sâu qua mũi, để bụng phồng lên.
Thở ra chậm qua miệng, cảm nhận bụng xẹp xuống.

Lưu ý: Trong giai đoạn đầu tập vật lý trị liệu, người bệnh không nên thở cơ hoành ở tư thế nằm vì sẽ gây tình trạng ứ đọng khí trong ổ áp xe, đồng thời cũng không áp dụng thở vào sâu mà nên tập trung vào việc thở ra dài.

Thở cơ hoành tốt cho người bệnh áp xe phổi.

Thở cơ hoành tốt cho người bệnh áp xe phổi.

- Thở mím môi

Thở mím môi là kỹ thuật thở được khuyên dùng bất cứ khi nào bệnh nhân cảm thấy khó thở. Thở mím môi thông qua việc kéo dài sức thở ra, có thể tạo ra một chút áp lực ngược, được gọi là áp lực dương cuối kỳ thở ra, từ đó giúp cải thiện hệ thống thông khí và tăng lượng oxy trong máu, giúp người bệnh kiểm soát được nhịp thở.

Đây cũng là phương pháp thở được khuyên dùng phối hợp khi bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động.

Cách thực hiện:Hít vào từ từ qua mũi trong 2 giây.
Mím môi như khi thổi nến, thở ra từ từ qua miệng trong 4-6 giây. Người bệnh có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ trong quá trình thực hiện bài tập thở mím môi.
Lặp lại cách thở này cho đến khi kiểm soát được nhịp thở.

Cách thực hiện thở mím môi.

Cách thực hiện thở mím môi.

- Ho có kiểm soát

Ho có kiểm soát là phương pháp giúp làm sạch phổi bằng cách làm lỏng chất nhầy dư thừa trong phổi, đưa lên đường thở và thải ra ngoài.

Ho là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ chất lạ hoặc độc hại, tuy nhiên, ho quá nhiều hoặc quá mạnh có thể gây mệt mỏi, thậm chí khiến đường thở bị co thắt.

Ho có kiểm soát là phương pháp vừa làm sạch phổi lại vừa giúp giảm thiểu những rủi ro do ho quá nhiều hoặc quá mạnh. Với bệnh nhân áp xe phổi, ho có kiểm soát là phương pháp rất tốt giúp làm sạch đờm và giảm tắc nghẽn trong đường hô hấp.

Cách thực hiện:Hít thở sâu, giữ hơi thở trong vài giây.
Ho mạnh và ngắn hai lần liên tiếp mà không hít vào giữa các lần ho.

Ho có kiểm soát giúp làm long đờm và dễ tống ra ngoài.

Ho có kiểm soát giúp làm long đờm và dễ tống ra ngoài.

2.2 Các bài tập vận động

Tập vận động là nền tảng của các chương trình phục hồi chức năng phổi. Mặc dù việc tập vận động không trực tiếp cải thiện chức năng phổi, nhưng sẽ tạo ra một số thích ứng sinh lý với việc vận động, qua đó có thể cải thiện tình trạng thể chất.

Có ba loại bài tập cơ bản mà bệnh nhân áp xe phổi có thể tham khảo:

- Bài tập aerobic: Những bài tập aerobic sẽ giúp cải thiện khả năng sử dụng oxy của cơ thể thông qua việc giảm nhịp tim và huyết áp.

- Bài tập tăng cường hoặc có kháng lực: Những bài tập tăng cường hoặc có kháng lực có thể giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ hô hấp.

- Bài tập kéo giãn và linh hoạt: Những bài tập kéo giãn và linh hoạt như trong yoga và Pilates có thể tăng cường sự phối hợp khi thở.

Các bài tập kéo giãn giúp tăng cường sự phối hợp khi thở cho người bệnh áp xe phổi.

Các bài tập kéo giãn giúp tăng cường sự phối hợp khi thở cho người bệnh áp xe phổi.

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người bệnh áp xe phổi

Người bệnh áp xe phổi nên tập luyện đều đặn hàng ngày, mỗi ngày từ 30-40 phút. Thời gian tập tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn ít nhất 2 tiếng.

Trong giai đoạn bệnh cấp tính, người bệnh cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bản thân để lựa chọn hình thức cũng như thời gian tập luyện. Có thể ngừng vận động để cơ thể được nghỉ ngơi hoặc nếu có tập luyện thì nên giảm cường độ và thời gian.

Bên cạnh đó, người bệnh áp xe phổi nên khởi động kỹ trước khi tập luyện, thực hiện các bài tập một cách từ từ, chậm rãi, không quá sức và lựa chọn quần áo phù hợp.

Cần lưu ý việc tập vận động có thể gây khó thở cho người bệnh, vì vậy bệnh nhân áp xe phổi nên tăng dần mức độ tập luyện dưới sự giám sát của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, kỹ thuật thở mím môi có thể được sử dụng để tăng mức oxy trong cơ thể bệnh nhân.

Mời bạn xem tiếp video:

Người phụ nữ bị áp xe phổi vì căn bệnh quen thuộc | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cai-thien-chuc-nang-ho-hap-cho-nguoi-benh-ap-xe-phoi-169240624162347123.htm