Bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị: Quyết tâm và nỗ lực không ngừng của Việt Nam

Nỗ lực thực thi các nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Việt Nam thể hiện sự nghiêm túc trong thực thi các nghĩa vụ quốc tế, khẳng định quyết tâm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11/2024 tại Hà Nam. (Nguồn: BTC)

Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11/2024 tại Hà Nam. (Nguồn: BTC)

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Sự nghiêm túc và tinh thần quyết tâm thực hiện

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) là một trong hai công ước cốt lõi trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người, cùng với Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới hợp thành Bộ luật Nhân quyền quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước ICCPR, Việt Nam đã gia nhập Công ước vào ngày 24/9/1982. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước ICCPR được 43 năm.

Với mức độ phổ quát của Công ước ICCPR, việc triển khai thực hiện Công ước này đòi hỏi phải tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các ngành và nhân dân.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước này. Điều này được minh chứng rõ ràng thông qua công tác: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị với nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Công ước ICCPR ở cấp độ quốc gia; tăng cường thực thi pháp luật trong tất cả các lĩnh vực và thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia định kỳ thực thi Công ước ICCPR.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Kể từ khi tham gia Công ước ICCPR, Việt Nam đã xây dựng, nộp Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023. Việc nộp Báo cáo quốc gia đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ quốc tế, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị.

Đối với Báo cáo ICCPR lần thứ 4 (giai đoạn 2019-2022), sau khi nộp Báo cáo quốc gia vào năm 2023, Việt Nam đã nộp Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề vào năm 2024 và sắp tiến hành Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 7-8/7.

Những nỗ lực thực thi các nghĩa vụ theo Công ước của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị.

Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Đào Quý Lộc chia sẻ về Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc sắp tới. (Ảnh: Thu Trang)

Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Đào Quý Lộc chia sẻ về Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc sắp tới. (Ảnh: Thu Trang)

5 nội dung truyền tải

Là thành viên đoàn dự Phiên đối thoại sắp tới, Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Đào Quý Lộc chia sẻ việc tham gia và đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm truyền tải 5 nội dung chính:

Một là, việc hiện thực hóa và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc góp phần thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, cũng như tăng cường hòa bình và sự hiểu biết quốc tế.

Hai là, Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân.

Ba là, thực hiện chủ trương nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền dân sự và chính trị nói riêng, Việt Nam đã nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước ICCPR cũng như các khuyến nghị mà Ủy ban Nhân quyền đưa ra vào năm 2019. Đáng chú ý là, công tác cải cách thể chế, pháp luật; thực thi các chính sách, quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị cũng như (như sửa đổi Bộ luật hình sự với việc bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, ban hành Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi…)

Bốn là, việc thực hiện Công ước ICCPR có bước đi và lộ trình phù hợp với quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và đặc biệt là bám sát thực tiễn và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Năm là, mặc dù vẫn phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng tới việc thực hiện Công ước, nhưng Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với bước đi, lộ trình phù hợp trong thời gian tới đây.

Thực tiễn đã chứng minh, từ khi gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cho công dân và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các mặt. Đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm thành viên của Công ước, mà còn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.

Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất, tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. Ảnh minh họa. (Nguồn: Crystalbay)

Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất, tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. Ảnh minh họa. (Nguồn: Crystalbay)

Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976.

Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của các quốc gia (hiện có 174 quốc gia là thành viên của Công ước này) và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người.

Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ quan giám sát thực hiện Công ước ICCPR và quốc gia thành viên trong việc bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định của Công ước.

Kể từ khi tham gia Công ước ICCPR, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước này, đã chủ trì xây dựng 2 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR vào các năm 1989 và 2001.

Từ năm 2014, với mục tiêu gắn chặt hơn việc tham gia Công ước ICCPR với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam, đề cao hiệu quả thực thi Công ước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phân công làm cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam đối với Công ước ICCPR.

Huyền Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-dam-va-thuc-day-cac-quyen-dan-su-chinh-tri-quyet-tam-va-no-luc-khong-ngung-cua-viet-nam-319497.html