Bảo vệ bản quyền báo chí

Mỗi tác phẩm báo chí không chỉ là nỗ lực sáng tạo, dành bao tâm sức của tác giả mà còn có sự đóng góp của cả tập thể tòa soạn và cơ quan báo chí. Thế nhưng tình trạng đánh cắp thông tin, hình ảnh, 'xào nấu' và thậm chí ngang nhiên đăng lại tác phẩm mà không được cơ quan báo chí chấp thuận bằng văn bản diễn ra phổ biến trong môi trường số, cần được ngăn chặn, bảo vệ tác quyền.

Nhà báo Đỗ Thành Nam, Trưởng phòng Nội chính - Xây dựng Đảng (Báo Bắc Giang) luôn tìm tòi, thường xuyên có những tác phẩm báo chí sâu sắc về lĩnh vực an ninh trật tự, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời trực tiếp biên tập, xử lý tin bài cho phóng viên lĩnh vực này bức xúc: Có rất nhiều tác phẩm vừa mới đăng tải trên báo điện tử đã bị “đánh cắp”, ngang nhiên đăng trên báo khác, tạp chí, các trang mạng xã hội khi chưa có thỏa thuận được phép dẫn nguồn hoặc đăng lại. Những tin, bài “nóng”, vấn đề được bạn đọc quan tâm Báo Bắc Giang vừa xuất bản đã bị sao chép, chỉnh sửa, lấy một đoạn tác phẩm hoặc “chế biến” lại với tên tác giả mới để đăng tải. Đáng lo ngại là nhiều bài viết bị cắt gọt, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin nhằm câu like, câu view… khiến dư luận “không biết đúng sai thế nào”!

 Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam ký thỏa thuận về thực thi bảo vệ bản quyền báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam ký thỏa thuận về thực thi bảo vệ bản quyền báo chí.

Tại nhiều diễn đàn về bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, mạng xã hội thì tác phẩm báo chí nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ đến với đông đảo công chúng, nhưng theo đó là tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Nhiều tác phẩm có chất lượng, được tác giả tâm huyết, lăn lộn ở cơ sở, đầu tư công phu từ ý tưởng sáng tạo đến triển khai nội dung mang giá trị tinh thần rất lớn, nhưng lại dễ dàng bị sao chép, chế biến, chia sẻ rất nhanh trên mạng.

Năm 2023, Báo Đại biểu Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số. Có ý kiến cho rằng, nhiều nhà báo tâm huyết, chân chính, luôn đau đáu bỏ bao công sức cho mỗi “đứa con tinh thần” đến với độc giả thì cũng không ít người chỉ ngồi phòng lạnh, "nhà báo sa lông" luôn chực chờ để nhanh chóng sao chép, “múa bàn phím”, “xào nấu”, “biến tấu” sản phẩm đó thành của mình.

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền, nhất là trên môi trường số do internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng, rộng rãi khiến kiểm soát việc sao chép, "ăn cắp" khó khăn. Cùng đó cũng khó xác định tác giả, tác phẩm ban đầu trên môi trường số bởi thông tin, bài báo có thể đã được chia sẻ rất nhiều lần và không rõ nguồn gốc trong khi chế tài bảo vệ bản quyền, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, các hình thức vi phạm bản quyền báo chí có thể bao gồm: Chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh các tờ báo hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền); phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.

Tại Bắc Giang, không ít trang mạng xã hội thường tự ý đăng tải tác phẩm của các cơ quan báo chí, hoặc lấy ảnh, cắt ghép, “trộn” đoạn tin, chỉnh sửa bài giật gân để đăng tải không đúng bản chất sự việc phục vụ cho mục đích cá nhân. Nhiều độc giả phản ánh đến Báo Bắc Giang cho rằng đã đưa thông tin về vụ việc X, Y… chưa chuẩn chỉnh nhưng thực tế bài viết đó không rõ nguồn, đồng thời giao diện của trang mạng đăng tải gần giống fanpage, "nhái" giao diện của cơ quan báo chí chính thống khiến độc giả nhầm lẫn, ảnh hưởng đến uy tín của Báo Bắc Giang.

Qua nghiên cứu, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, các hình thức vi phạm bản quyền báo chí có thể bao gồm: Chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh các tờ báo hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền). Hoặc phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.

Đáng lưu tâm là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền. Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hóa và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm. Rõ ràng, tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến ảnh hưởng trực tiếp tới tác giả có tác phẩm bị “đánh cắp” cũng như nhiệm vụ chính trị, uy tín, doanh thu của các cơ quan báo chí.

Trước vấn nạn vi phạm bản quyền đang diễn ra, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam… đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, trong đó có phối hợp với cơ quan báo chí đo, quét, phát hiện nội dung vi phạm và xử lý. Nhiều tác giả, cơ quan báo chí khi bị xâm phạm bản quyền cũng chủ động kiến nghị cơ quan quản lý hoặc khởi kiện để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Tại Báo Bắc Giang, bên cạnh nghiêm túc thực hiện các quy định về hợp tác cung cấp, trao đổi thông tin, cho phép đăng lại tác phẩm đối với một số cơ quan báo chí, đơn vị liên quan bảo đảm phù hợp quy định về quyền tác giả, pháp luật về báo chí… còn thường xuyên rà soát, xử lý nghiêm khắc tác giả có tác phẩm vi phạm bản quyền, có phóng viên đã bị kỷ luật vì “đạo văn”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Nguyễn Bình Dương, tại các diễn đàn về vi phạm bản quyền báo chí do T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thời gian qua, nhiều chuyên gia đề xuất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm. Ở Bắc Giang, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên, nhà báo; tích cực thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa để từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí, cùng góp phần làm lành mạnh môi trường báo chí.

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

“Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông”.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

“Các mạng xã hội lấy sản phẩm báo chí của chúng ta, nhưng trước tiên tôi thấy rằng bản thân các nhà báo cũng cần tôn trọng, phải tạo ra những sản phẩm “sạch” cho riêng mình... Mỗi người làm báo muốn tác phẩm báo chí của mình được bảo vệ, điều đầu tiên cần thực hiện các quy định mà pháp luật đã được ban hành, nếu xuề xòa, nghĩ rằng chỉ là báo nọ lấy của báo kia, cho rằng tất cả cũng là đồng nghiệp. Tuy nhiên nếu chúng ta không làm nó sẽ thành một thói quen trong việc vi phạm bản quyền mà không bị xử lý gì hết”.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh:

“Cần quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí; Hội Nhà báo Việt Nam cần thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí; bổ sung quy định về bản quyền báo chí trong Luật Sở hữu trí tuệ... Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, cần cả 3 “chân kiềng”: Sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; sự vào cuộc mạnh mẽ và hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; sự hỗ trợ của công nghệ”.

Bảo Khánh (ghi)

Cao Minh Ngọc

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-ve-ban-quyen-bao-chi-095411.bbg