Bé trai 6 tuổi co giật, tím tái vì cúm A
Co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân, bé được gia đình đưa đến viện, xét nghiệm cho thấy dương tính với cúm A.
Sốt cao kéo dài 24 giờ, bé trai 6 tuổi ở Hà Nội co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân. Trong cơn hoảng loạn, người mẹ cho tay vào miệng để tránh việc con cắn vào lưỡi, sau đó gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.
Trẻ sốt cao 40 độ, được xử lý bằng cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhi mắc viêm phế quản phổi do cúm A biến chứng sốt cao co giật.
![Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng cúm tại một hệ thống tiêm chủng. (Ảnh minh họa: P.Lan)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_83_51463683/fb139b7aab34426a1b25.jpg)
Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng cúm tại một hệ thống tiêm chủng. (Ảnh minh họa: P.Lan)
Theo ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc, phòng khám Medlatec số 2 (Hà Nội), từ trường hợp trên, phụ huynh cần lưu ý, sốt cao co giật có thể là biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tổn thương não, não bộ có thể bị thiếu oxy, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thần kinh.
Trẻ cũng có nguy cơ sặc hoặc ngạt thở, trong lúc co giật, trẻ có thể bị sặc đờm dãi, sữa hoặc thức ăn nếu không được đặt nằm đúng tư thế, gây tắc đường thở.
Một số trường hợp co giật đi kèm với khó thở, tím tái, có thể tiến triển thành suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để tránh bị co giật khi sốt cha mẹ cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng, cách ly và vệ sinh phòng bệnh, dự phòng thuốc chống co giật ở những trẻ có tiền sử sốt cao co giật.
Trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ cần bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc, nới lỏng quần áo, không ghì chặt cơ thể trẻ, ghi nhận thời gian và đặc điểm cơn co giật (thời gian bắt đầu, thời gian kéo dài, dạng co giật toàn thân hay khu trú) để cung cấp thông tin cho bác sĩ.
Khi trẻ sốt từ 38°C trở lên, hạ sốt ngay lập tức bằng thuốc đặt hậu môn kèm chườm bằng nước ấm, gọi cấp cứu, hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút, trẻ không tỉnh lại sau co giật, xuất hiện tím tái, khó thở.
Cũng gặp biến chứng nặng do cúm A, bé gái 2 tuổi (Hà Nội) ban đầu sốt nhẹ từng cơn, ho nhiều, phụ huynh test cúm A tại nhà dương tính. Gia đình sử dụng thuốc hạ sốt, long đờm, hút đờm dãi 3 ngày nhưng không cải thiện.
![BSCKII Trần Văn Bàn thông tin về ca bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_83_51463683/0a3e63575319ba47e308.jpg)
BSCKII Trần Văn Bàn thông tin về ca bệnh.
Những ngày sau đó trẻ ho tăng lên kèm nôn trớ thức ăn, mũi đặc đờm xanh, khó thở và có biểu hiện rút lõm lồng ngực. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ mắc cúm A bội nhiễm viêm phổi và viêm tai giữa cấp.
Trẻ nhập viện điều trị, may mắn đến ngày thứ 2 cắt sốt, ăn ngon miệng. Ngày thứ 4, sức khỏe trẻ cải thiện, thở tốt, giảm ho đáng kể.
Theo BSCKII Trần Văn Bàn, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh, trường hợp này cúm A không chỉ gây viêm phổi mà còn dẫn đến xẹp thùy trên phổi phải, xuất hiện các đám tổn thương rải rác ở nhu mô phổi hai bên, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hô hấp của trẻ.
Virus cúm A có khả năng tấn công trực tiếp đường hô hấp dưới, phá hủy lớp bảo vệ phế nang, gây viêm phổi. Đồng thời, khi trẻ bị cúm hệ miễn dịch vốn non nay lại càng yếu hơn, kèm theo dịch nhầy ứ đọng trong đường hô hấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu xâm nhập, dẫn đến bội nhiễm.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/be-trai-6-tuoi-co-giat-tim-tai-vi-cum-a-ar925271.html