Bếp lửa của mẹ
Đối với người nghèo, nguyên liệu để nấu món ăn cho thật cầu kỳ thật khó mà có được. Nhưng có hai món ăn, nguyên liệu ít nhưng vẫn thơm ngon. Riêng đối với tôi, hai món ăn này ngon một phần là nhờ có bếp lửa ấm áp của mẹ.
1. Ngày xưa mẹ nấu cơm bằng củi nên lâu lâu tôi lại có dịp thưởng thức món cơm cháy. Cơm cháy là do đôi khi mẹ bận việc nhà nên không cơi than kịp dẫn đến việc cháy cơm dưới nồi. Lúc nào tôi cũng giành phần cơm cháy để ăn. Bởi cơm cháy giòn tan như ổ bánh mì nóng lại có vị thơm rất đặc trưng của hạt lúa chín vàng. Ăn cơm cháy không kèm với gì đã giòn ngon. Nhưng tôi thích nhất là ăn cơm cháy chấm với nước kho cá nục. Mùi thơm phức của cơm cháy quyện với mùi cay cay, mằn mặn, beo béo, tanh tanh của nước kho cá nục thật khiến cho vị giác reo vui.
Nếu không có nước kho cá nục thì chỉ cần một ít ớt tương, một ít nước mắm để chấm ăn với cơm cháy cũng đủ ngon và giòn.
Điều giản dị như thế đã trở thành một phần ký ức đẹp trong tôi.
2. Lúc trời đổ mưa xuống mái tôn nghe lộp độp cũng là lúc cái ướt át, sự lạnh lẽo tràn vào bên trong những ngôi nhà nhỏ nằm cạnh bờ sông. Mưa và lạnh kéo dài, con người thường có tâm lý muốn tìm đến những món ăn nóng hổi, cay nồng để cân bằng thân nhiệt cơ thể. Những ngày như thế, mẹ lại trổ tài làm món ăn có cái tên thật lạ: Món bánh mì "bộ đội".
Món ăn này chế biến thật đơn giản. Các nguyên liệu làm ra nó gồm bột mì, nước lạnh, mỡ heo, gạo. Đầu tiên, bột mì được đổ vào tô và sau đó thêm nước lạnh vào. Lượng nước chỉ vừa đủ để bột có thể nhào nặn, rồi lấy mỡ heo tẩm đều vào bột mì. Sau đó, lại lấy mỡ heo đổ vào dưới đáy nồi nấu cơm. Tiếp theo, phần bột mì đã nhào nặn được ép vào đáy nồi nấu cơm. Xong, đặt nồi cơm lên bếp lửa vài phút để bột mì được nướng. Tiếp đó là cho nước lạnh vào rồi cho gạo đã được rửa sạch vào, đậy kín nắp nồi như khi nấu cơm. Khi nấu món ăn này, cần lưu ý hai chi tiết: Chỉ được ép bột mì xung quanh đáy nồi còn phần ở giữa đáy nồi thì bỏ trống. Không được ép bột mì ở giữa, vì như thế cơm sẽ không chín cũng như phần bột mì dễ bị cháy. Món ăn này chỉ ngon khi nấu bằng củi, nấu bằng điện thì không thể chín đều bột mì được.
Không phải chờ đợi lâu để thưởng thức món ăn này. Khi cơm chín cũng là lúc bột mì chín. Cứ thế, sau khi ăn xong cơm thì gia đình tôi lại có dịp thưởng thức món bánh mì "bộ đội" lạ miệng này. Món ăn này được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt hoặc "cao sang" hơn là ăn với thịt, cá, tôm… đều ngon miệng. Bởi thế, đối với tôi, món bánh mì "bộ đội" của mẹ làm ngon không kém gì các món ăn đặc sản khác.
Nghe mẹ kể, thời đánh Mỹ mẹ tham gia du kích xã rồi tham gia bộ đội pháo binh huyện ở "vùng đất thép" Quảng Trị. Trong thời gian này, mẹ và các chị nuôi quân đã nhiều lần làm món ăn này để "thết đãi" các đồng đội của mình. Nó là sự kết hợp giữa việc nướng bánh mì và nấu cơm cùng một lúc để tiết kiệm thời gian của các chị nuôi quân thời đó...
Tiếc là ngày hôm nay, nhà tôi đã chuyển sang nấu cơm, nấu thức ăn bằng nồi cơm điện và bếp gas. Lúc mưa gió lạnh lẽo, thấy thèm thèm món bánh mì "bộ đội", tôi lại mua bột mì về nhào nặn để chiên bánh bằng dầu ăn nhưng ăn không thấy ngon. Có lẽ nào món bánh mì "bộ đội" với cảm giác dai giòn của bột mì khi được nướng chín đều, vị béo ngậy thơm phức của mỡ heo và lẫn trong đó là những hạt cơm ngọt lành chỉ còn trong hoài niệm? Chợt nhớ thương sao bếp lửa ngày nào của mẹ!
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bep-lua-cua-me-post278807.html