Bí mật đằng sau 'thủ phủ AI' tại Trung Quốc
Từ sân sau một ngôi nhà ở Hàng Châu, cộng đồng startup trẻ Trung Quốc đang âm thầm nuôi giấc mơ tạo ra thế hệ AI kế tiếp giữa bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Vào một chiều thứ bảy đầy nắng ở vùng ngoại ô Liangzhu thuộc thành phố Hàng Châu, hàng chục người trẻ tuổi tụ tập tại sân sau của một ngôi nhà, chăm chú theo dõi phần trình bày ý tưởng công nghệ. Khung cảnh này gợi nhớ đến các buổi thuyết trình tại Thung lũng Silicon nhưng nó đã trở thành bầu không khí quen thuộc tại nơi được mệnh danh "thủ phủ AI" tại Trung Quốc.
Felix Tao, cựu nhân viên của Facebook và Alibaba, là người tổ chức buổi gặp gỡ. Sau thời gian làm việc tại phòng nghiên cứu AI của Alibaba, anh rời đi và sáng lập startup Mindverse vào năm 2022. Giờ đây, ngôi nhà của anh là điểm đến quen thuộc của cộng đồng lập trình viên trẻ, những người tự gọi mình là “dân làng”.
Họ lập trình ở quán cà phê vào ban ngày và chơi game cùng nhau vào ban đêm, trong khi mơ về một sản phẩm AI có thể đưa họ thành nhà sáng lập tiếp theo của Trung Quốc.
Giấc mơ AI
Liangzhu đã trở thành một mô hình thu nhỏ của hệ sinh thái startup đang hình thành nhanh chóng tại Hàng Châu. Thành phố này không chỉ là nơi khai sinh của các tập đoàn lớn như Alibaba, NetEase, Hikvision mà còn đang là nơi khởi đầu của hàng trăm công ty AI non trẻ. Việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn và giá thuê rẻ đã giúp Liangzhu thu hút những người trẻ có tham vọng.
Không khí ở đây tạo nên một cộng đồng công nghệ mang đậm sắc thái sáng tạo bản địa. Lin Yuanlin, người sáng lập công ty Zeabur cho biết anh chọn định cư tại Liangzhu vì đây là “nơi thử nghiệm hoàn hảo” cho sản phẩm AI hướng tới người không biết lập trình. Anh có thể dễ dàng tiếp cận cộng đồng startup lân cận để lấy phản hồi, thậm chí ngay tại quán cà phê hoặc phòng khách của hàng xóm.

Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn quán cafe để trình bày ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: New York Times.
Trong bối cảnh Trung Quốc đối đầu với Mỹ về vị thế công nghệ toàn cầu, AI trở thành lĩnh vực chiến lược được ưu tiên phát triển. Tại Hàng Châu, các mô hình AI của DeepSeek và Alibaba đã nhanh chóng lọt vào nhóm các mô hình mã nguồn mở hiệu suất cao nhất thế giới, theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Tháng 1, DeepSeek gây chú ý khi công bố hệ thống AI tiên tiến với chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình ở phương Tây.
Nguồn lực nhân tài tại đây chủ yếu đến từ Đại học Chiết Giang, nơi nhiều nhà sáng lập và kỹ sư AI đã theo học. Việc tốt nghiệp từ ngôi trường này dường như là "giấy thông hành" vào các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc. Truyền thông trong nước từng đưa tin về việc Xiaomi tiếp cận và chiêu mộ một thành viên chủ chốt của nhóm DeepSeek, cho thấy sức hút ngày càng lớn của những kỹ sư từ hệ sinh thái Hàng Châu.
Một loạt startup nổi bật khác trong khu vực, được truyền thông gọi là “6 con hổ của Hàng Châu”, đang khẳng định vị trí tại thị trường trong và ngoài nước. Game Science, một trong sáu công ty này, đã phát hành tựa game “Black Myth: Wukong”, với kinh phí khổng lồ và thành công ở quy mô toàn cầu. Trong khi đó, công ty robot Unitree thu hút sự chú ý khi trình diễn màn robot nhảy múa trong buổi dạ tiệc mùa xuân trên sóng truyền hình trung ương.
Vùng đất khởi nghiệp mới
Mingming Zhu, nhà sáng lập công ty kính mắt tích hợp AI Rokid chia sẻ rằng ông đã từng nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.
“Khi mới bắt đầu, chúng tôi chỉ là những con cá nhỏ. Nhưng khi đó, chính phủ đã giúp đỡ rất nhiều”, Zhu nói. Đồng thời, ông tiết lộ rằng chính quyền đã giúp ông kết nối với nhiều nhà đầu tư đầu tiên, bao gồm cả Jack Ma, người sáng lập Alibaba.

Trụ sở của Alibaba tại thành phố Hàng Châu. Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà sáng lập đều tin rằng sự hỗ trợ của chính phủ là lợi thế tuyệt đối. Một số người giấu tên cho biết họ gặp khó khăn khi kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài do lo ngại về mức độ can thiệp từ chính quyền. Một số nhà sáng lập khác lại lo ngại rằng rủi ro sẽ tương tự như ByteDance khi bị chính phủ Mỹ điều tra về khả năng liên kết với chính quyền.
Một thách thức lớn đối với sự phát triển AI tại Trung Quốc là việc tiếp cận các chip máy tính tiên tiến, thành phần thiết yếu để huấn luyện các hệ thống AI hiện đại. Chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc, bao gồm việc chặn mua chip từ Nvidia và AMD. Các công ty như Huawei và SMIC đang nỗ lực đẩy nhanh sản xuất chip trong nước nhưng vẫn bị giới hạn về hiệu suất và quy mô.
Dù vậy, nhiều công ty Trung Quốc đã tích trữ lượng lớn chip Nvidia từ trước lệnh cấm. Một số ông lớn công nghệ như ByteDance vẫn có thể triển khai các sản phẩm AI trong nước. Tuy nhiên, khả năng duy trì nguồn cung trong trung và dài hạn vẫn là dấu hỏi lớn, khi khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ chưa được rút ngắn rõ rệt. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đang phải điều chỉnh chiến lược, từ mở rộng quốc tế sang tập trung vào thị trường nội địa.
Khó khăn đan xen
Tình thế tiến thoái lưỡng nan khiến các nhà sáng lập công nghệ phải lựa chọn giữa việc nhận vốn nhà nước hoặc cố gắng huy động vốn từ nước ngoài để mở văn phòng tại thị trường trung lập. Với đa số startup non trẻ tại Liangzhu, phương án đầu là lựa chọn duy nhất khả thi vào thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống AI có khả năng vận hành độc lập đang trở thành xu hướng phổ biến tại Hàng Châu. Qian Roy là một nhà sáng lập đang xây dựng ứng dụng AI tên All Time, sử dụng các mô hình từ DeepSeek, Alibaba và cả Anthropic của Mỹ. Sản phẩm của ông phản ứng theo cảm xúc người dùng, dựa trên bài trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs, vốn rất phổ biến với giới trẻ Trung Quốc.

Felix Tao, nhà sáng lập Mindverse. Ảnh: New York Times.
Trở lại với Mindverse, startup của Felix Tao đang phát triển một AI cá nhân hóa, giúp người dùng tối ưu các hoạt động hàng ngày như gửi email hay tin nhắn cho người thân mà không cần sự can thiệp trực tiếp.
“Tôi không muốn AI chỉ xử lý công việc. Mindverse có thể cung cấp nhiều không gian hơn để chúng ta sớm thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ”, Felix Tao nói.
Tại Liangzhu, tinh thần khám phá, thử nghiệm và cộng đồng đang là nền tảng của một làn sóng AI bản địa. Dù chịu nhiều rào cản, từ chính sách kiểm soát chip đến hạn chế về nguồn vốn, những người trẻ tại đây vẫn không ngừng tìm kiếm con đường để viết nên chương tiếp theo cho lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-mat-dang-sau-thu-phu-ai-tai-trung-quoc-post1566574.html