Bí quyết thành công của các nữ CEO người Việt
Khi gặp gỡ các giám đốc điều hành (CEO) người Việt trong doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay DN Việt, ở họ thường toát lên vẻ tự tin, khéo léo, lôi cuốn. Tuy nhiên, đằng sau sự thành đạt của các nữ CEO này là cả câu chuyện dài. Để đảm nhận vai trò CEO, họ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.

Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam Nguyễn Thị Đoan Thanh (trái) trao đổi về sản phẩm của công ty. Ảnh: Ngọc Liên
Hiếm khi được ngủ trước 1 giờ đêm
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng, chị Nguyễn Thị Đoan Thanh đã vào làm việc ở một số ngân hàng, DN FDI để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2018, chị Thanh về đầu quân cho Công ty TNHH UPM Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa). Công ty này thuộc Tập đoàn UPM của Hà Lan chuyên cung cấp các giải pháp và tem nhãn cho các DN trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, các nữ người Việt làm CEO trong DN FDI, DN trong nước không còn quá hiếm hoi. Thế nhưng, để trụ vững ở vị trí trên, họ đã phải nỗ lực, chấp nhận áp lực từng ngày.
Năm 2019, chị Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam. Ở vị trí CEO của một DN FDI tại Việt Nam, chị Thanh phải chịu áp lực rất lớn về doanh số bán hàng. Bởi vì, DN có bán được hàng thì mới duy trì được sản xuất và phát triển. Để DN hoạt động hiệu quả, chị Thanh phải lên kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh, quản lý nhân sự. Với khối lượng công việc khá lớn, chị Thanh hiếm khi được đi ngủ trước 1 giờ đêm. Đồng thời, làm CEO trong DN FDI chị phải thường xuyên đi công tác nước ngoài, có khi 2-3 lần/tháng. Là nữ, phải thường xuyên di chuyển quãng đường xa, qua các nước để gặp gỡ, đàm phán, ký kết hợp đồng với khách hàng là việc không dễ dàng. Ngoài áp lực về công việc thì còn phải thích nghi với thời tiết, thay đổi múi giờ, văn hóa, món ăn… Vì vậy, nếu các CEO người Việt trong các công ty FDI không có sức khỏe rất khó trụ vững ở vị trí này.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nữ CEO nhanh chóng bắt nhịp với các công nghệ hiện đại để ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh, quản lý đem lại kết quả cao. Nếu chậm chân, DN hoạt động kém, các CEO sẽ bị thay thế.
Chị Thanh cho hay, bên cạnh những áp lực trên, một số nữ CEO còn gặp trở ngại khi tham gia các bữa tiệc với những khách hàng có thói quen vừa uống rượu, bia, vừa đàm phán. “Tôi là người không uống được rượu, bia nên khi gặp những trường hợp này đều phải tìm cách khéo léo để từ chối. Sau đó, tôi đưa ra những giải pháp hợp tác để hai bên cùng có lợi và có thể liên kết lâu dài” - chị Thanh chia sẻ.
Tập đoàn UPM có nhiều công ty tại các nước, chị Thanh là CEO nữ trẻ khu vực Đông Nam Á. Công ty TNHH UPM Việt Nam là DN có doanh thu tốt nhất khu vực Đông Nam Á và được tập đoàn đánh giá rất cao.
Nổi danh trong làng du lịch sinh thái
Bà Dương Thị Ngọc Phương là doanh nhân trực tiếp điều hành Cat Tien Jungle Lodge, tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú.

Bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã, làm món thực dưỡng phục vụ khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Ngọc Liên
Công ty TNHH Thế giới hoang dã là một trong những DN tiên phong đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp ngay cửa rừng Vườn quốc gia Cát Tiên từ 13 năm trước. Khi đó, đường xá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhân sự tại xã Nam Cát Tiên không được thuận lợi như hiện nay. Các chi phí cho việc đầu tư, vận hành đều khó khăn và đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng phục vụ với du khách.
Là nhà điều hành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản trị từ các tập đoàn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, trong quá trình đầu tư dự án, bà Phương được nhiều người biết đến với vai trò là nữ CEO của DN du lịch sinh thái của vùng rừng núi.
Chia sẻ lý do vì sao bà chọn khởi nghiệp nghề du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên, bà Phương cho biết, ngay từ đầu bà chọn đây là điểm đến của “du lịch bền vững” cho du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là cơ hội phát triển kinh tế, mà còn là trách nhiệm truyền cảm hứng đối với việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Mỗi chuyến đi và lưu trú tại Cat Tien Jungle Lodge được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng đa dạng sinh học, giảm thiểu rác thải, nâng cao sức khỏe và nhận thức cộng đồng, đổi mới tư duy qua việc áp dụng công nghệ số theo sự khuyến khích của Chính phủ Việt Nam.
Thuận lợi lớn nhất mà bà có được trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình là sự đồng cảm. Bà tâm sự: “Bản thân tôi chủ động kết nối với chính quyền địa phương để được hỗ trợ như: phòng cháy chữa cháy, an toàn an ninh, y tế… và người dân bản địa để tạo công ăn việc làm cho họ, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương như: vận chuyển, lương thực, thực phẩm và các dịch vụ khác, tạo một hệ sinh thái kinh tế địa phương”.
Khó khăn lớn nhất bà gặp phải là định kiến rằng “Du lịch sinh thái rất vất vả, sẽ khó cho phụ nữ đảm đương”. Nhưng chính những khó khăn này đã giúp bà trưởng thành và chứng minh phụ nữ không những làm được, mà còn mang lại góc nhìn tinh tế về bảo tồn và phát triển.
Đến nay, Cat Tien Jungle Lodge là một trong số những điểm đến hấp dẫn và thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Chia sẻ về những kinh nghiệm để thành công, bà Phương cho rằng, hành trình xây dựng Cat Tien Jungle Lodge đã trải qua nhiều giai đoạn, từ khó khăn hạ tầng đến cách thuyết phục cộng đồng chính là bài học sống động về lãnh đạo bền vững, đặc biệt đó lại là phụ nữ. Với những kinh nghiệm rút ra từ thành công của mình, theo bà Phương, đó là tầm nhìn dài hạn, không đánh đổi những giá trị bền vững để lấy lợi nhuận ngắn hạn.