'Biến hóa' hương vị bánh chưng truyền thống

'Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ/ Nhành mai vàng bên cành đào tươi'…, những hình ảnh đó từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào trong tâm thức của người Việt khi Tết đến xuân về. Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh, là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Bánh chưng với nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, được gói với lá dong là chiếc bánh truyền thống đã vô cùng quen thuộc. Cùng với thời gian, với sự sáng tạo cùng chút khéo léo của người Việt, bánh chưng “biến hóa” thành nhiều loại khác nhau nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Độc đáo bánh chưng gói bằng lá mía

Bánh chưng lá mía trong mâm cỗ của người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội

Bánh chưng lá mía trong mâm cỗ của người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội

Những ngày cuối năm, đến với người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, nơi có truyền thống gói bánh chưng bằng lá mía để trải nghiệm sự mới lạ vô cùng thú vị và độc đáo. Theo người dân nơi đây kể lại thì bánh chưng lá mía là một món ăn truyền thống có từ rất lâu đời. Từ thời các cụ truyền lại cho đến ngày nay, các gia đình ở xã Phú Sơn vẫn duy trì đến đời các con cháu của họ. Bánh chưng bằng lá mía vẫn tuân thủ theo công thức gói bánh chưng truyền thống, dùng gạo nếp trộn với nước lá giềng làm vỏ bánh, nhân bánh đậu xanh và thịt lợn. Tuy nhiên, để gói những chiếc bánh chưng người dân Phú Sơn đã sử dụng lá mía, tạo nên một hương vị đặc biệt riêng, bởi nó lưu giữ được hương thơm ngọt mát của vị lá mía.

Với đặc trưng của lá mía là dài, bản nhỏ nên quá trình gói bánh cần sự khéo léo. Khác với bánh chưng gói bằng các loại lá khác, bánh chưng lá mía sau khi luộc không cần ép mà bánh vẫn dền, ngon. Chỉ cần để bánh nguội 2 giờ đồng hồ sau khi luộc là có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, mềm ngọt của loại bánh chưng này.

Bánh chưng ngan độc nhất vô nhị

Thịt ngan làm nhân bánh chưng rất thơm, ít mỡ ăn không bị ngấy

Thịt ngan làm nhân bánh chưng rất thơm, ít mỡ ăn không bị ngấy

Với mong muốn tìm tòi, làm mới các sản phẩm truyền thống, tại Hà Nội, một thương hiệu gia truyền hơn 30 năm chuyên về các món ngan đã sáng tạo ra món bánh chưng ngan độc nhất vô nhị.

Cũng giống như bánh chưng truyền thống, bánh chưng ngan cũng cần nhiều loại nguyên liệu cơ bản từ gạo nếp cái hoa vàng, đến đậu xanh, lá dong, cho đến các nguyên liệu đi kèm như muối tinh, hạt tiêu sọ hay hạt nêm. Điểm khác biệt duy nhất đó chính là phần nhân thịt ngan. Thịt ngan làm nhân bánh chưng rất thơm, ít mỡ ăn không bị ngấy rất ngon và lạ. Những con ngan được chọn để lấy thịt gói bánh phải từ 3,5kg đến 4kg và đủ già ngan thì thịt mới ngon. Hương vị khác lạ so với bánh chưng truyền thống đã làm cho món bánh độc nhất vô nhị này thu hút rất nhiều người mua.

Sáng tạo hương vị mới với bánh chưng nhân cá hồi

Bánh chưng nhân cá hồi ăn kèm với gừng hồng

Bánh chưng nhân cá hồi ăn kèm với gừng hồng

Cùng với bánh chưng ngan, bánh chưng nhân cá hồi cũng là một sự sáng tạo độc đáo không kém. Khi ý tưởng lấy cá làm nhân bánh thì nhiều người cảm thấy không thể vì cá sẽ làm cho bánh tanh. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là khi cá hồi được ninh cùng với bánh chưng trong khoảng thời gian từ 8-12 tiếng thì mùi tanh của cá không còn, mà vẫn giữ được mùi thơm của cá, mang lại cho bánh chưng hương vị rất lạ.

Cá hồi được lựa chọn làm nhân bánh từ 10kg trở lên, trước khi gói cần làm sạch cá, rút xương và tẩm ướp gia vị cho bánh đậm đà hơn. Một điểm đặc biệt nữa là khi bánh chưng truyền thống ăn kèm với giò mỡ, dưa hành muối thì bánh chưng nhân cá hồi lại ăn kèm với gừng hồng tạo nên hương vị đặc biệt riêng của bánh.

Bánh chưng nhân cá chép đồng

Cá chép nhỏ được lấy làm nhân bánh chưng

Cá chép nhỏ được lấy làm nhân bánh chưng

Ở Bắc Kạn, có một món ngon khiến ai lần đầu nghe tên cũng không khỏi ngạc nhiên. Đúng dịp Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, bà con dân tộc Tày lại làm món bánh chưng nhân cá chép đồng (người địa phương còn gọi là pẻng ho) để dâng lên thờ cúng tổ tiên.

Nguyên liệu chính để làm món bánh này gồm gạo nếp nương, thịt mỡ, cá chép đồng tẩm ướp thêm rau răm hoặc lá gừng thái nhỏ và chút gia vị để khử mùi tanh và tăng độ đậm đà. Loại cá này có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng hai ngón tay nhưng được nuôi thả tự nhiên nên có vị thơm ngon đặc trưng, khi nấu sẽ mềm nhừ, ăn lạ miệng. Món bánh chưng nhân cá chép được nhận xét khá kén người ăn nhưng nếu ăn quen sẽ thấy thích thú bởi hương vị khác biệt, khó tìm thấy ở bất cứ đâu.

Bánh chưng chay thanh đạm cho ngày Tết

Nấm và hạt sen làm cho bánh chưng thêm thanh đạm cho ngày Tết

Nấm và hạt sen làm cho bánh chưng thêm thanh đạm cho ngày Tết

Bánh chưng chay lại không kèm theo nhân thịt, cá mà thêm vào đó là những gia vị tự nhiên như nấm, rong biển, hạt sen, hạt dẻ... Tùy vào sở thích và khẩu vị của từng người, bánh được nêm những gia vị khác nhau. Bánh còn được gói với những loại lá như lá rong, lá chuối, lá sen... rất đa dạng. Cách làm món bánh chưng chay không khác nhiều với bánh chưng thịt, chỉ khác ở khâu chế biến nhân, nhưng chính sự khác biệt này lại đem đến sự thanh đạm, nhẹ nhàng cho ngày đầu xuân.

Bánh chưng đa màu rực rỡ

5 màu biểu trưng cho sự trọn vẹn, bình an, may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc

5 màu biểu trưng cho sự trọn vẹn, bình an, may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc

Ngoài những loại bánh chưng có phần nhân độc lạ khác biệt thì màu của bánh chưng khi bóc lớp lá ra cũng gây sự chú ý, làm nổi bật hơn cho mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới. Ngoài màu xanh của bánh chưng truyền thống, ngày nay, bánh chưng còn có màu tím, màu đỏ, màu đen hay ngũ sắc nhiều màu. Để làm bánh chưng ngũ sắc, cần sự tỉ mỉ và khéo léo từ việc ngâm gạo, chuẩn bị màu sắc từ nguyên liệu tự nhiên như nghệ tươi, lá dứa, gấc, gạo nếp cẩm đến việc gói bánh sao cho các màu không bị trộn lẫn vào nhau. Bánh chưng ngũ sắc dâng lên mâm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới vừa đẹp lại mang nhiều ý nghĩa.

Thay vì giống như thông thường, gạo nếp sẽ được trộn với gấc tươi tạo cho bánh màu đỏ tươi đẹp mắt. Bánh mềm dẻo, vị ngọt ngậy của gấc kết hợp với đậu xanh và thịt lợn thơm béo ngậy tạo nên hương vị bánh chưng rất riêng. Bánh chưng lại có nguyên liệu từ tro của thân cây núc nác, cây muối hoặc rơm nếp là phong tục làm bánh của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh... đều đặc biệt mang đậm phong vị vùng cao.

Thanh Nga

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bien-hoa-huong-vi-banh-chung-truyen-thong-post601515.antd