Bộ Công Thương là đơn vị chính thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Từ ngày 5/5, Bộ Công thương là cơ quan duy nhất có chức năng cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất cấp chứng chỉ C/O cho doanh nghiệp từ hôm nay 5/5/2025

Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất cấp chứng chỉ C/O cho doanh nghiệp từ hôm nay 5/5/2025

Từ hôm nay, 5/5/2025, toàn bộ hoạt động cấp C/O không ưu đãi, cấp CNM và tiếp nhận đăng ký mã REX sẽ do các cơ quan cấp C/O trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện.

Như vậy, thay vì phải làm việc với nhiều tổ chức khác nhau, doanh nghiệp nay chỉ cần tiếp cận một đầu mối duy nhất để được cấp các loại C/O – cả ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và không ưu đãi.

Đây là động thái quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các cam kết thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Trước đó, ngày 21/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT nhằm triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2025.

Theo đó, Bộ Công Thương chính thức thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ và quyền tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Na Uy và Thụy Sỹ đối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 Quyết định 1103/QĐ-BCT Thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Quyết định 1103/QĐ-BCT Thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đáng chú ý, đối với các loại C/O không ưu đãi như mẫu B, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo khẩn trương số hóa thủ tục trên Hệ thống eCoSys. Đây là nền tảng cấp C/O điện tử mà Bộ đã phát triển nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi sang cấp C/O điện tử không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, mà còn giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tính minh bạch, hạn chế các hành vi gian lận trong khai báo xuất xứ.

Thông báo số 619/TB-XNK ngày 28/4/2025 của Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, việc điện tử hóa quy trình cấp C/O sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn. Qua đó, củng cố niềm tin của đối tác quốc tế vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh mục tiêu cải thiện thủ tục hành chính, việc siết chặt quản lý xuất xứ còn nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp – một vấn đề ngày càng phức tạp trong bối cảnh các quốc gia tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Cấp C/O qua hệ thống điện tử không chỉ giúp cơ quan quản lý giám sát tốt hơn mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu minh bạch, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nhanh chóng khi có yêu cầu từ các đối tác thương mại hoặc trong quá trình điều tra.

Có thể nói, việc Bộ Công Thương thống nhất đầu mối quản lý và đẩy mạnh số hóa công tác cấp C/O là một bước tiến quan trọng trong lộ trình cải cách thể chế kinh tế, hướng đến một nền kinh tế số, hiện đại và minh bạch hơn. Những cải cách này không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà còn thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Hương Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-cong-thuong-la-don-vi-chinh-thuc-cap-giay-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-post729821.html