Bộ Công Thương triển khai kế hoạch về tăng cường quản lý tín chỉ các-bon
Bộ Công Thương ban văn bản số 4107/KH-BCT về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện NDC, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường, ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 4107/KH-BCT về triển khai Chỉ thị. Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công Thương đối với hoạt động mua, bán trao đổi tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong thực hiện NDC và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Kế hoạch nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công Thương đối với hoạt động mua, bán trao đổi tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Công Thương là xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, hoàn thành trong quý III/2024.
Bộ Công Thương cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Nhiệm vụ của Bộ Công Thương:
Một là, xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô- dôn, hoàn thành trong quý III/2024.
Hai là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Ba là, đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường các-bon của một số lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương.
Bốn là, tiến hành rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý (nếu có).
Năm là, tuyên truyền sâu, rộng về các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ các-bon, tham gia thị trường các-bon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường các-bon tuân thủ cho các đối tượng của ngành Công Thương.
Phân giao nhiệm vụ cụ thể
Để triển khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, Bộ Công Thương giao các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung cụ thể:
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện: Xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9/2024.
Xây dựng báo cáo kết quả rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý (nếu có) hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường các-bon của một số lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương như sản xuất thép, sản xuất điện.
Bộ cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Công nghiệp, Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng, Viện Chiến lược, Chính sách Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch này.
Các đơn vị truyền thông thuộc Bộ gồm: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương (Văn phòng Bộ), Báo Công Thương, Tạp Chí Công Thương, Truyền hình Công Thương tổ chức các hoạt động tuyên truyền mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ các-bon, tham gia thị trường các-bon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường các-bon tuân thủ cho các đối tượng của ngành Công Thương.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững là đơn vị đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ban Chỉ đạo về Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương tại các kỳ họp Ban Chỉ đạo hoặc báo cáo Lãnh đạo Bộ bằng văn bản và các kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ trong kế hoạch này khẩn trương tổ chức, triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Xem chi tiết Kế hoạch tại đây.
Tại Việt Nam, từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ các-bon và trao đổi tín chỉ các-bon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các-bon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường.
Quản lý tín chỉ các-bon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường thế giới.
Việc trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện NDC, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Theo nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý (nếu có) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.