Bộ GD&ĐT: Đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích

Theo Bộ GD&ĐT, đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% cho thấy việc đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích.

Báo cáo năm học 2023-2024 cho thấy, toàn quốc có hơn 8,9 triệu học sinh tiểu học, tỉ lệ trung bình học sinh/lớp là 32.

Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc. Việc đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17%. (ảnh: Trọng Quân)

Hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17%. (ảnh: Trọng Quân)

Cơ bản các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.

Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động cho học sinh sau giờ học chính thức trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Các nhà trường cũng đã tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để học sinh vui chơi, giải trí; việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra còn nhiều hạn chế đó là, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới ở cấp tiểu học.

Một số địa phương thực hiện việc dồn dịch trường, điểm trường chưa hợp lí nên sau khi sắp xếp, sáp nhập, tại một số địa bàn ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, quy mô một số trường có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt quá quy định.

Các khó khăn được cho là do việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT là vấn đề lớn, lần đầu tiên xây dựng chương trình một cách tổng thể, đồng bộ tất cả các môn học, ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới ở cấp tiểu học và yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày nên việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất đều thiếu. Một số địa phương đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên; có nơi khó khăn về nguồn tuyển dụng giáo viên.

Số lượng các trường phổ thông thực hiện chương trình rất lớn, trải rộng khắp cả nước có vùng thuận lợi, khó khăn, đặc thù vùng dân tộc… dẫn đến một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện rất thuận lợi, có nơi lại rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-gddt-danh-gia-hoc-sinh-dan-di-vao-thuc-chat-khong-vi-thanh-tich-post1664831.tpo