Bỏ room tín dụng: Tạo điều kiện cho ngân hàng cạnh tranh sòng phẳng
Chuyên gia cho rằng việc bỏ room tín dụng được đánh giá là cần thiết, bởi loại trừ cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho các ngân hàng cạnh tranh sòng phẳng với nhau.

Chuyên gia đánh giá việc bỏ room là cần thiết
Bỏ room tín dụng, các ngân hàng sẽ cạnh tranh sòng phẳng
Được triển khai từ năm 2011, trần tín dụng (hay còn gọi là "room" tín dụng) là công cụ hữu hiệu để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiềm chế lạm phát phi mã trong bối cảnh tín dụng tăng hàng chục % trong giai đoạn 2007 - 2011.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi nền kinh tế trở lại bình thường, room tín dụng ngày càng bộc lộ sự bất cập, phát sinh rủi ro cơ chế xin - cho, gây ách tắc dòng vốn, làm méo mó thị trường.
Thực tế cho thấy, có những ngân hàng không sử dụng hết room, phải cố cho vay trong giai đoạn cuối năm để đạt chỉ tiêu, nhằm bảo đảm điều kiện được cấp room tín dụng năm sau ngang bằng hoặc cao hơn năm trước. Trong khi đó, có ngân hàng lại thiếu room để cho vay.
Tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra" này là nguyên do chính khiến giới chuyên gia liên tục kêu gọi NHNN bỏ cơ chế room tín dụng.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hồi đầu tháng 7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức yêu cầu NHNN khẩn trương gỡ bỏ cơ chế room tín dụng cho ngân hàng thương mại, thay vào đó là sử dụng cơ chế thị trường với bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng rõ ràng.
Thông tin về vấn đề xóa bỏ room" tín dụng tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 hôm 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ chế trần tín dụng (hay còn gọi là "room" tín dụng) thu đã được áp dụng nhiều từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng, tốc độ tăng trưởng tín dụng từng có năm vượt 54%. Điều này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản, buộc NHNN phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh nhằm xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, từ đó ngăn ngừa rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng thẳng thắn nhận định rằng, không có một công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Và thời gian qua, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế.
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá việc bỏ room là cần thiết và chắc chắn phải diễn ra.
"Room tín dụng có mặt lợi là như một lằn ranh hạn chế tình trạng chính sách tiền tệ bị đẩy đi quá xa hay không kiểm soát được. Ví dụ năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 16% thì chỉ được đến thế, không thể hơn, điều này giúp kiểm soát cung tiền. Room tín dụng giúp chống việc cung tiền tăng quá mạnh, dẫn tới lạm phát lớn.
Nhưng nhược điểm của room tín dụng là cơ chế xin - cho, điều hành chính sách không theo thị trường. Điều này khiến Việt Nam gặp khó khi muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường", ông Huân phân tích.
Ông Huân cho hay nếu bỏ room tín dụng, các ngân hàng sẽ thoát khỏi cơ chế xin - cho, được cạnh tranh một cách sòng phẳng. Dẫu có rủi ro là các ngân hàng chạy theo tăng trưởng tín dụng, dẫn tới nguy cơ nợ xấu, nhưng chỉ cần NHNN kiểm soát tốt về cung tiền thì vấn đề đó không đáng ngại.
"Nếu các ngân hàng thương mại cho vay quá đà, NHNN sử dụng công cụ hút tiền về như: tăng lãi suất thị trường mở, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất chiết khấu. Nếu sử dụng công cụ thị trường hiệu quả thì vẫn điều hành được", ông nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, UEH
"Để bỏ room tín dụng, công cụ dự báo phải tốt"
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng để có thể bỏ room cần phải xem lại hiệu quả của chính sách tiền tệ, bởi hiện nay độ trễ của chính sách tiền tệ là khá lớn, khoảng 3 - 6 tháng.
"Để bỏ được room tín dụng, công cụ dự báo phải tốt, không thể để tình trạng lạm phát xảy ra rồi mới đi hút tiền về. Với độ trễ hiện nay, hút được tiền về cũng phải mất 3 tháng, mà đôi khi sau 3 tháng lại không cần hút nữa, thậm chí phải nới lỏng.
Chúng ta hãy quan sát nước Mỹ, trước khi lạm phát xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã can thiệp rồi. Như vậy, dự báo phải chính xác mới có thể sử dụng công cụ thị trường được", ông Huân bình luận.
Mặt khác, ông Huân cũng đánh giá rằng các công cụ thị trường hiện chưa ở mức độ sẵn sàng cho việc bỏ room tín dụng. "NHNN đang dùng nghiệp vụ thị trường mở là chính, mà công cụ này cũng có độ trễ".
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, suy cho cùng, room tín dụng cũng chỉ là công cụ, không thể kỳ vọng rằng bỏ đi thì mọi thứ đều tốt. Điều cốt lõi để bảo đảm nền tảng tốt là mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Hiện nay, chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát, vừa ổn định tỷ giá. Việc đa mục tiêu khiến Việt Nam luôn phải đánh đổi, ví dụ muốn tăng trưởng thì phải hi sinh lạm phát và tỷ giá.
Ông cho rằng chính sách tiền tệ không nên đặt mục tiêu tăng trưởng mà xem kiểm soát lạm phát là đích ngắm. Tại các nước châu Âu, Mỹ, chính sách tiền tệ chỉ có một mục tiêu là kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng trung ương không quan tâm tăng trưởng kinh tế thế nào, bởi đó là nhiệm vụ của chính sách tài khóa. Ngân hàng trung ương chỉ bảo đảm ổn định cung tiền, bảo đảm nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế, theo nguyên tắc cung cầu hàng hóa bằng cung cầu tiền tệ.
"Đơn cử ở Mỹ, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 2%, khi lạm phát có nguy cơ vượt 2% thì FED thắt chặt, bất chấp nền kinh tế có thể suy thoái trong ngắn hạn. Tất nhiên, FED sẽ phải tìm cách để kiểm soát mà không tạo ra suy thoái - điều mà chúng ta vẫn thường nhắc tới bằng thuật ngữ "hạ cánh mềm", ông Huân dẫn chứng.