Bộ Y tế đề xuất danh mục sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế xử lý một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cùng với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã liên tục xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến thực phẩm bổ sung, sữa bột và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mạo, với quy mô lớn và hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát toàn diện các quy định hiện hành, xác định những điểm chưa phù hợp để kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi ở cấp thẩm quyền cao hơn nếu vượt quá phạm vi xử lý của các bộ, ngành.
Qua rà soát thực tế, Bộ Y tế nhận định rằng cả Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong các quy định liên quan đến cơ chế tự công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố cũng như hoạt động quảng cáo thực phẩm.
Đây là những vấn đề cấp thiết, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.

Trên cơ sở thống nhất với các bộ, ngành liên quan, Bộ Y tế xác định hai vấn đề nổi cộm gây vướng mắc trong hoạt động công bố sản phẩm là: quy trình xác định mức độ rủi ro và việc áp dụng sai thủ tục công bố do chưa có hướng dẫn phân loại cụ thể.
Trong khi Luật An toàn thực phẩm hiện hành yêu cầu thực phẩm chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến cũng như bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, thì Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi, bổ sung năm 2025 lại tiếp cận theo hướng phân loại rủi ro để quản lý chất lượng sản phẩm.
Theo nguyên tắc quản lý rủi ro quốc tế, sản phẩm có mức độ rủi ro thấp chỉ cần tự công bố tiêu chuẩn áp dụng; sản phẩm có mức rủi ro trung bình phải tự công bố đồng thời thực hiện tự đánh giá hoặc được tổ chức chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; còn sản phẩm có mức độ rủi ro cao bắt buộc phải trải qua quy trình chứng nhận bởi tổ chức được chỉ định.
Cách tiếp cận này cho phép giảm thiểu thủ tục không cần thiết đối với sản phẩm ít rủi ro, trong khi vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ với nhóm sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao, phù hợp với thực tiễn sản xuất - kinh doanh hiện nay.
Căn cứ theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi năm 2025, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ lần này xác lập tiêu chí rõ ràng để xác định trường hợp nào được áp dụng hình thức công bố tiêu chuẩn áp dụng, và trường hợp nào buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.
Cách tiếp cận này nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp tùy tiện phân loại sản phẩm và lựa chọn thủ tục công bố không đúng với tính chất, mức độ rủi ro thực tế của sản phẩm.
Cụ thể, đối với nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến cũng như bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm nhưng không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc có quy chuẩn nhưng không quy định chỉ tiêu chất lượng và vi chất dinh dưỡng, doanh nghiệp sẽ thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Trong khi đó, các sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩmbảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi sẽ bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Đối với các loại sản phẩm và nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu mà chỉ dùng để phục vụ sản xuất xuất khẩu, gia công, hoặc sản xuất nội bộ trong doanh nghiệp, không tiêu thụ trong nước sẽ được miễn thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Tương tự, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu để phục vụ viện trợ nhân đạo cũng được miễn thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng cũng như đăng ký bản công bố sản phẩm.
Một điểm mới quan trọng của dự thảo Nghị quyết là việc đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm “bằng chứng khoa học” để làm cơ sở cho việc chứng minh công dụng của sản phẩm.
Theo đó, bằng chứng khoa học bao gồm các tài liệu, dữ liệu hoặc công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế có uy tín thuộc hệ thống ISI, SCOPUS hoặc các tài liệu y học cổ truyền, tài liệu chuyên ngành y học, dược học và thực phẩm đã được xuất bản chính thức.
Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học và đồng nhất trong việc đánh giá hiệu quả, công dụng mà doanh nghiệp công bố đối với sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng thiết lập quy định chi tiết về thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với từng nhóm hàng hóa cụ thể, bao gồm: thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Việc tiêu chuẩn hóa hồ sơ theo từng nhóm sản phẩm sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ trong quá trình xét duyệt và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.