BRICS và sự 'bùng nổ' dầu mỏ mới gọi tên Nam Mỹ
Tại cuộc họp gần đây của các quốc gia BRICS tổ chức ở Brazil, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo đã đưa ra một quan điểm đáng chú ý khi cho rằng, họ thừa nhận sự cần thiết của quá trình chuyển đổi năng lượng, song cũng công nhận rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ảnh: FT
May mắn thay cho các thành viên BRICS, họ thường khá giàu tài nguyên nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều nền kinh tế đang phát triển này nằm ở Nam Mỹ - khu vực cũng sở hữu lượng tài nguyên dầu khí đáng kể, đặc biệt là nước chủ nhà BRICS năm nay - Brazil, hay thành viên Venezuela, cũng như điểm nóng dầu mỏ hiện nay là Guyana. Bên cạnh đó còn có Argentina, nơi được cho là sở hữu mỏ dầu đá phiến lớn thứ hai thế giới và đang háo hức khai thác nhằm phục vụ an ninh năng lượng và tăng cường xuất khẩu.
Brazil là quốc gia khai thác dầu lớn nhất ở Nam Mỹ, và từ lâu đã là điểm đến ưu tiên của các tập đoàn dầu khí quốc tế. Vùng đáy biển tiền muối (presalt) ngoài khơi nước này đã thu hút nhiều cuộc đấu thầu từ các "ông lớn" dầu mỏ, củng cố vị thế dẫn đầu của Brazil trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, Brazil đang gặp khó khăn trong việc mở rộng sản lượng khi nhiều mỏ lớn bắt đầu suy giảm do khai thác lâu năm. Vì vậy, mặc dù Tổng thống Lula da Silva thường xuyên lên tiếng ủng hộ năng lượng gió và mặt trời cùng quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng gần đây ông đã phê duyệt một chiến dịch khoan dầu gây tranh cãi về môi trường ở lưu vực Foz do Amazonas và một nhà máy lọc dầu mới.
Năm ngoái, Brazil đã cập nhật ước tính trữ lượng dầu, hiện ước tính đạt khoảng 16,8 tỷ thùng vào năm 2024, tăng 5,92% so với năm trước đó. Tỷ lệ thay thế trữ lượng tại quốc gia khai thác dầu lớn nhất Nam Mỹ này cũng ở mức ấn tượng - hơn 176%. Tuy nhiên, Brazil vẫn đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm lượng khí thải từ 59% đến 67% vào năm 2030 - nhưng không từ bỏ việc khai thác trữ lượng dầu hiện có.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng ở phía bắc của Brazil là Venezuela vẫn đang chật vật vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, dù sở hữu trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, thì quốc gia nhỏ bé ven biển Guyana lại đang phát triển mạnh nhờ phần của mình trong "chiếc bánh dầu mỏ toàn cầu". Từng là một trong những nước nghèo nhất châu lục, giờ đây Guyana đã trở thành một trong những quốc gia khai thác dầu lớn nhất khu vực và còn có thể tăng mạnh hơn nữa khi Exxon cùng các đối tác tại lô Stabroek đẩy mạnh hoạt động khai thác.
Guyana hiện khai thác hơn 630.000 thùng dầu thô mỗi ngày, với Exxon - đơn vị vận hành duy nhất tại lô đang khai thác - đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Trong khi đó, Guyana đã trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn thứ năm ở Mỹ Latinh, sau Brazil, Mexico, Venezuela và Colombia. Với việc Colombia kiên định trong lộ trình phi carbon hóa bằng cách hạn chế ngành công nghiệp dầu khí, nhiều khả năng Guyana sẽ không dừng lại ở vị trí thứ năm, nhất là khi chính phủ nước này tỏ ra rất sẵn lòng tận dụng tài nguyên thiên nhiên đang có.
Ngoài ra còn có Argentina, quê hương của mỏ đá phiến Vaca Muerta, nơi sản lượng dầu thô đã tăng 26% trong quý đầu tiên năm nay và sản lượng khí đốt tăng 16%. Tốc độ tăng trưởng sản lượng đó cho thấy nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch vẫn rất bền bỉ, bất chấp nhiều dự đoán gần đây về kịch bản "đỉnh dầu và khí" trong vòng năm năm tới. Nó cũng cho thấy quyết tâm của Argentina trong việc bắt kịp các nước láng giềng vốn đã là những nhà khai thác lớn.
Tính đến tháng 3, Vaca Muerta đạt sản lượng 447.000 thùng/ngày theo số liệu từ Rystad Energy - con số này dù vẫn thấp hơn sản lượng của Guyana nhưng vẫn rất khả quan và còn có thể tăng lên nữa khi ngày càng có nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đổ về Argentina. Mới nhất là tập đoàn Eni của Ý, đã ký thỏa thuận sơ bộ với công ty YPF của Argentina để phát triển dự án LNG, sử dụng khí đốt từ Vaca Muerta.
Nhìn chung, các "ông lớn" quốc tế có vẻ đang đặc biệt chú ý đến khu vực Nam Mỹ, theo báo cáo của Wall Street Journal trong tuần này. Điều này đặc biệt đúng với các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ vốn đã quen với các mỏ đá phiến, nay đang dần cạn kiệt. Do đó, việc Exxon và Chevron chuyển hướng sang Nam Mỹ là hoàn toàn hợp lý; WSJ cho biết khu vực này sẽ chiếm tới 80% mức tăng trưởng sản lượng dầu toàn cầu bên ngoài OPEC trong vòng 5 năm tới.
Đây là lý do khiến các tập đoàn Mỹ tham gia đấu thầu khu vực Foz do Amazonas của Brazil hồi đầu năm, và cũng là lý do tại sao Chevron muốn mua lại Hess Corp - đối tác của Exxon tại lô Stabroek - trong khi Exxon lại muốn giành lấy phần sở hữu của Hess trong lô này. Trong lúc đó, Exxon đã giành quyền khoan tại 10 lô trong đợt đấu thầu của Brazil vào tháng 6.
Có thể thấy, các nhà khai thác dầu ở Nam Mỹ sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và dòng vốn đầu tư, nhờ chi phí khai thác thấp hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới, theo WSJ. Và điều quan trọng hơn cả: khu vực này ít xung đột hơn, và dầu khai thác tại đây cũng phát thải ít hơn, yếu tố ngày càng có giá trị đối với các tập đoàn dầu khí phải quan tâm đến danh tiếng của mình trước các cổ đông theo đuổi mục tiêu khí hậu.