Bún để qua đêm có vị chua nhẹ: Ăn được hay nên bỏ?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, không nên sử dụng bún có vị chua, trắng sáng bất thường vì có thể chứa hóa chất độc gây hại cho sức khỏe.
Chị Nguyễn Thu Hường (22 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ rằng sau bữa tối hôm trước, phần bún còn thừa được chị bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, khi lấy ra sử dụng, chị nhận thấy sợi bún có vị chua nhẹ bất thường. Lo ngại bún đã hỏng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Hường thắc mắc rằng: Bún để qua đêm có vị chua nhẹ, ăn vào liệu có sao không?

Người dân khi đi mua bún cần kiểm tra màu sắc, mùi vị của bún. Ảnh: NVCC.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, bún là sản phẩm được làm từ gạo ngâm và lên men, do đó rất dễ bị chua nếu không được bảo quản đúng cách.
“Bún để qua đêm, dù trong tủ lạnh, vẫn có khả năng nhiễm khuẩn nếu không đảm bảo vệ sinh từ khâu sản xuất đến bảo quản. Việc thấy bún có mùi chua nhẹ chứng tỏ đã có quá trình lên men tiếp diễn. Ăn bún này có thể gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí rối loạn tiêu hóa,” PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Theo chuyên gia, nhiều người thường dùng nước sôi để trụng bún nhằm khử mùi chua, tuy nhiên cách làm này không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Ngoài ra, bún đã biến chất sẽ không còn giữ được độ ngon, sợi dễ đứt và có vị lạ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên phân biệt rõ giữa mùi đặc trưng của bún tươi với mùi chua do hỏng. Bún an toàn thường có màu trắng đục, không bóng loáng, sợi mềm nhưng không bở, sờ tay thấy hơi dính. Nếu thấy bún có mùi nồng, vị chua gắt hoặc bất thường, tốt nhất nên bỏ đi để tránh ngộ độc”.
Về thói quen cất thực phẩm qua đêm, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Không nên lạm dụng việc bảo quản thực phẩm quá lâu, nhất là với các món ăn chế biến thủ công, dễ ôi thiu như bún. Ăn vào vừa không ngon miệng, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe”.
Bún có hàn the: Sợi dai, khó đứt
Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng sử dụng hàn the, đây là phụ gia bị cấm trong sản xuất bún. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hàn the giúp bún giữ được độ dai, lâu ôi thiu, trắng và giòn bất thường. Những loại bún để được 2 - 3 ngày, không mùi, khi nhai không cảm thấy vị gạo đặc trưng, cần đặc biệt cảnh giác. Việc dùng hàn the lâu dài có thể gây tổn thương gan, thận, hệ tiêu hóa, và làm tăng nguy cơ ung thư. Với trẻ nhỏ, hàn the gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ.

Những loại bún để được 2 - 3 ngày, không mùi, khi nhai không cảm thấy vị gạo đặc trưng, cần đặc biệt cảnh giác. Ảnh minh họa.
Một thủ đoạn tinh vi hơn là sử dụng chất huỳnh quang để làm bún trông trắng và tươi lâu. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, loại chất này có thể phát sáng nhẹ trong bóng tối.
“Chất huỳnh quang có thể nhận biết bằng mắt thường. Nếu sợi bún có màu trắng sáng lạ, hơi phát ánh sáng khi đặt trong bóng tối, người tiêu dùng nên ngừng sử dụng ngay lập tức”, chuyên gia cảnh báo.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người dân không nên sử dụng bún đã có dấu hiệu chua, đặc biệt là loại bảo quản quá một ngày. Mua bún tại cơ sở uy tín, có kiểm định chất lượng, tránh chọn loại trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không sử dụng bún trắng sáng bất thường, đặc biệt nếu phát hiện có ánh sáng nhẹ trong bóng tối.