Cách đơn giản bảo quản bánh chưng không bị mốc

Bánh chưng thường được gói với số lượng nhiều để ăn vào dịp Tết. Vì vậy, cách bảo quản để bánh không bị mốc và có thời hạn sử dụng dài được nhiều người quan tâm.

Cách bảo quản bánh chưng để được lâu

Trong khi luộc bánh

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Bánh chưng được nấu từ gạo nếp nên khi để lâu trong những ngày Tết hay có hiện tượng “lại gạo” (phần gạo nếp sống lại, cứng và không dính với phần nhân bánh).

Vậy nên cần chú ý khi gói bánh, không nên gói quá chặt tay vì dễ khiến cho gạo không nở, nhanh bị lại gạo, cứng bánh. Cũng không nên gói bánh quá lỏng tay khiến gạo nở bung, bánh bị mềm và nhanh bị mốc.

Trong quá trình nấu bánh nên luộc bánh trong thời gian dài sao cho bánh chín thật kỹ, đạt được độ mềm, ngon và giữ bánh được lâu hơn. Sau khi luộc xong, lấy bánh ra để hơi nguội sau đó đem bánh rửa trong một chậu nước sạch để gột trôi hết nhớt bám trên lá bánh.

Sau khi luộc bánh

Bánh chưng sau khi được luộc và rửa sạch, để cho bánh ráo nước ở nơi khô thoáng, tốt nhất là lót bánh bằng một tấm ván khô hoặc một tấm bìa dày. Xếp bánh thành nhiều lớp rồi dùng vật nặng ép chặt trong vài giờ để bánh ráo hết nước bên trong, phẳng đều và chắc mịn.

Nếu bỏ qua công đoạn này, bánh sẽ bị nhão và rất dễ thiu do lượng nước dư trong bánh khi luộc không được thoát ra ngoài.

Bảo quản bánh trong tủ lạnh

Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh là cách tốt nhất giúp bánh lâu hư trong suốt những ngày Tết vì thời gian này thời tiết thường nóng, ẩm, dễ khiến bánh bị mốc, thiu khi để bên ngoài. Tuy nhiên, cách bảo quản này sẽ làm cho bánh chưng nhanh bị lại gạo hơn.

Bạn có thể bảo quản bánh chưng ngày Tết trong ngăn mát tủ lạnh vào khoảng 5 – 10 độ C. Nếu không thể ăn hết một cái bánh, bạn chỉ nên bóc vỏ phần bánh có thể ăn, phần còn lại bọc kĩ bằng màng bọc thực phẩm.

Tránh bóc hết bánh mà không ăn hết, để bánh trần như thế sẽ nhanh cứng lại và bị ám mùi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bánh chưng lấy ra từ tủ lạnh nên hấp lại trước khi ăn để bánh nóng, mềm và ngon hơn.

Bảo quản ngoài trời

Bạn hoàn toàn có thể bảo quản bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng mát khi thời tiết lạnh trong suốt nhiều ngày Tết. Bạn có thể xếp bánh trên bàn, dùng một lớp giấy báo bọc bên ngoài từng chiếc bánh giúp bánh để được lâu và không bị mốc.

Nếu không, đơn giản bạn chỉ cần treo bánh lên cao ở nơi không ẩm ướt để bảo quản. Với nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C và việc bảo quản đúng cách, bánh chưng hoàn toàn có thể để được 7 ngày, đủ cho bạn ăn một cái Tết sung túc và đầm ấm.

Cách bảo quản bánh chưng hút chân không

Việc hút chân không sẽ hạn chế oxy, ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, kéo dài được thời hạn sử dụng. Nên người ta dùng phương pháp này để bảo quản bánh chưng được lâu giữ được màu lá tự nhiên, hương vị đặc trưng ban đầu và vỏ bánh sạch sẽ hạn chế được ruồi, kiến,… đến gần.

Cần để bánh nguội hẳn trước khi cho vào túi để hút nhé! Với cách bảo quản này, bánh chưng có thể để ở nhiệt độ phòng, bảo quản được 5 – 10 ngày, tùy vào thời tiết tại khu vực.

Một số lưu ý khi bảo quản bánh chưng dùng được lâu, an toàn

Nếu bạn tự tay làm bánh thì trước khi gói, bạn nên lau sạch hay trụng sơ lá qua nước sôi rồi mang đi để ráo, nhờ vậy mà vừa giúp bạn được thơm ngon mà không sợ phần nếp bên ngoài bị bám bụi, các loại vi khuẩn.

Dùng dây thừng sạch hoặc dao sạch để cắt bánh. Vì khi dùng dùng cụ đã cắt sẽ dễ làm cho các phần thức ăn khác bám vào mặt cắt của bánh, dễ gây ẩm mốc, ôi thiu.

Kiểm tra bánh thường xuyên, nếu thấy có dấu hiệu bánh bắt đầu bị mốc ở bên ngoài lá gói, bạn chỉ cần đem đi hơ với lửa rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, tiếp tục bảo quản.

Bánh cần được luộc chín kĩ và sau khi chín bạn nhớ dùng tấm bìa để ép hết nước ra bên ngoài, giúp bánh khô ráo, từ đó mà sẽ bảo quản lâu hơn.

Ngoài ra, nếu thấy phần nếp bị khô, cứng (hay còn gọi là bị lại gạo) thì bạn mang bánh đi luộc lại lần nữa hoặc mang đi hấp.

Hải Đường (tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cach-don-gian-bao-quan-banh-chung-khong-bi-moc.html