Cải cách tiền lương - Chìa khóa giữ người tài trong chính quyền số

Đề xuất tăng gấp đôi lương cho cán bộ công nghệ thông tin (CNTT) của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc là bước khởi đầu quan trọng để thực thi các định hướng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; hệ thống luật về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Muốn chính quyền địa phương hai cấp vận hành hiệu quả, cần đột phá thể chế về thu nhập, lương thưởng cho đội ngũ cán bộ KHCN từ trung ương đến địa phương.

Không có chế độ đãi ngộ đặc thù, rất khó giữ được cán bộ giỏi

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã nêu một đề xuất rất đáng chú ý: cần tăng gấp đôi lương cho cán bộ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, ít nhất tương đương cơ chế thu hút theo Nghị định 140. Theo ông, nếu không có chế độ đãi ngộ đặc thù, rất khó giữ được cán bộ giỏi, nhất là trong bối cảnh xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và chính quyền địa phương hai cấp.

Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, không còn là nguy cơ tiềm tàng mà đã thành thực trạng rõ rệt. Ảnh tư liệu

Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, không còn là nguy cơ tiềm tàng mà đã thành thực trạng rõ rệt. Ảnh tư liệu

Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách trong Nghị quyết 57/NQ-TW (về phát triển khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030) và Nghị quyết 68/NQ-CP (về phát triển doanh nghiệp khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo). Đồng thời, nó cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải cụ thể hóa các nội dung của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp, Luật Chuyển đổi số bằng chính sách lương, thu nhập đủ mạnh để giữ chân người tài trong khu vực công.

Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, không còn là nguy cơ tiềm tàng mà đã thành thực trạng rõ rệt. Lương công chức trong lĩnh vực CNTT ở cấp xã - tỉnh hiện chỉ dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, trong khi mức thu nhập khởi điểm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân hoặc FDI là 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Không ai có thể cống hiến lâu dài nếu thu nhập không đủ sống và càng không thể đòi hỏi đổi mới sáng tạo từ những người cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau. Điều đáng lo hơn, như Phó Thủ tướng Phớc chỉ ra, nhiều cán bộ CNTT giỏi trong các cơ quan nhà nước đã âm thầm chuyển sang doanh nghiệp, một dạng “chảy máu chất xám nội địa”, âm thầm nhưng khó đảo ngược.

Trong khi đó, các yêu cầu về vận hành hệ thống chính quyền số, số hóa dữ liệu dân cư, xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, điều hành đô thị thông minh… lại đòi hỏi đội ngũ kỹ sư CNTT chuyên nghiệp, có kỹ năng và am hiểu cả công nghệ lẫn thể chế. Nếu không giữ được họ trong hệ thống công vụ, mọi nỗ lực về chuyển đổi số sẽ trở thành hình thức.

Việc tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh - xã) nhằm tinh gọn biên chế, tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho cấp xã, nơi đang cần nhiều nhất đội ngũ cán bộ CNTT, bị thu hẹp biên chế, dẫn tới gánh nặng dồn lên vai ít người với thu nhập không tương xứng.

Chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh hay chính phủ dữ liệu: tất cả đều không thể vận hành nếu thiếu nhân lực khoa học công nghệ đủ trình độ, tâm huyết và có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Thực tế, cán bộ CNTT cấp xã hiện nay vừa vận hành hệ thống phần mềm hành chính, vừa hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, vừa kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác như quản lý dữ liệu dân cư, hỗ trợ tuyển sinh, tiêm chủng, dịch vụ công…

Nếu không có chính sách đặc thù về lương và thu nhập, họ sẽ tiếp tục rút lui, âm thầm nhưng tất yếu. Đó là mất mát không chỉ về nhân lực mà cả niềm tin vào chính sách thu hút người tài.

Đã có "kim chỉ nam" áp dụng cơ chế khuyến khích cán bộ khoa học công nghệ

Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh phải phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để phát triển đất nước. Nghị quyết 68/NQ-CP thì chỉ rõ: cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là cơ chế tài chính và nhân sự, để thúc đẩy KHCN trong khu vực công và doanh nghiệp.

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp và Luật Chuyển đổi số đều trao quyền cho Nhà nước trong việc ban hành các cơ chế tiền lương, thu nhập và khuyến khích riêng đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng. Từ đó, có thể kiến nghị các định hướng sau:

Áp dụng “trần lương linh hoạt” cho cán bộ khoa học - công nghệ tại các sở, ban ngành và đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ số, dữ liệu, công nghiệp 4.0;

Thiết lập Quỹ phát triển nguồn nhân lực KHCN cấp tỉnh, cho phép sử dụng để trả lương cao, chi trả theo sản phẩm nghiên cứu, hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc nhiệm vụ đổi mới sáng tạo;

Cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm ký hợp đồng cá nhân với các chuyên gia KHCN, CNTT, dữ liệu, không phụ thuộc vào biên chế, với mức lương theo giá trị thị trường;

Công khai bảng lương, thu nhập và KPI đánh giá đầu ra cho cán bộ KHCN trong khu vực công, để tạo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nỗ lực cá nhân.

Singapore là một ví dụ điển hình, đó là công chức cấp cao, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, quản lý số đều được trả lương tương đương khu vực tư nhân để thu hút người giỏi vào bộ máy công vụ, giảm tham nhũng, tăng hiệu quả quản trị.

Israel, quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng, cho phép các bộ, ngành thuê chuyên gia khoa học, công nghệ, dữ liệu theo hợp đồng cá nhân với mức thù lao tương xứng thị trường. Trung Quốc thiết lập các khu tự do thí điểm về thể chế nhân sự trong khu vực công, cho phép thưởng sáng chế, chia sẻ lợi ích từ dự án đổi mới công nghệ.

Chính sách tiền lương cho cán bộ KHCN hiện vẫn đang bị trói buộc bởi khung ngạch bậc cứng nhắc. Ảnh tư liệu

Chính sách tiền lương cho cán bộ KHCN hiện vẫn đang bị trói buộc bởi khung ngạch bậc cứng nhắc. Ảnh tư liệu

Việt Nam cần học hỏi và điều chỉnh: việc trả lương cao cho cán bộ KHCN trong khu vực công không phải là “phá vỡ nguyên tắc công bằng”, mà là bảo vệ chính sách đầu tư cho tương lai đất nước.

Chính sách tiền lương cho cán bộ KHCN hiện vẫn đang bị trói buộc bởi khung ngạch bậc cứng nhắc, không khuyến khích đổi mới, sáng tạo hay tạo ra giá trị tăng thêm. Nhiều địa phương có ngân sách nhưng không thể chi trả lương cao vì vướng quy định. Trong khi đó, theo Nghị quyết 57, cần phải “hoàn thiện thể chế để nhà khoa học sống được bằng nghề, giàu được bằng nghề”.

Cải cách tiền lương phải đi đôi với cải cách thể chế tài chính, nhân sự trong khu vực công, bao gồm: (1) Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị KHCN công lập theo đúng Luật KHCN, Luật ĐMST; (2) Cho phép chi lương, thưởng, phụ cấp theo sản phẩm nghiên cứu- triển khai; (3) Ban hành khung lương riêng cho cán bộ KHCN cấp địa phương, tương tự như chế độ đặc thù ngành y tế, giáo dục, quốc phòng; (4) Miễn thuế thu nhập cá nhân một phần cho cán bộ KHCN làm việc trong khu vực công, để tăng thu nhập thực tế.

Tăng gấp đôi lương cho cán bộ CNTT không phải là quyết định ngẫu hứng, mà là bước đi cần thiết trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 57, 68 và các đạo luật nền tảng về khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp và chuyển đổi số.

Không có thu nhập xứng đáng thì không thể đòi hỏi người tài làm việc hết mình cho bộ máy nhà nước. Và không giữ được người tài trong khu vực công, thì mọi mục tiêu số hóa, đổi mới thể chế hay xây dựng chính quyền địa phương hai cấp cũng sẽ gặp trở lực từ bên trong.

Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, và bắt đầu cải cách từ chính sách lương, thu nhập như một bước đi tiên phong, không chỉ để giữ người tài, mà để thúc đẩy một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và xứng tầm với kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Lê Thọ Bình

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-tien-luong-chia-khoa-giu-nguoi-tai-trong-chinh-quyen-so-179831.html