Cần cơ chế 'giữ chân' người tài
Chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, ngoài cơ chế 'vượt trội' đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, thì các cơ quan có thẩm quyến cần nghiên cứu phương án giữ chân người tài nhằm đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ.
Sẽ có chính sách nổi trội với cán bộ dôi dư
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã kêu gọi mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hy sinh vì lợi ích chung, vì tương lai phát triển của đất nước. Cho đến nay, dưới sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã phần nào cho thấy tinh thần, tâm thế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng ủng hộ và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách đã được cấp có thẩm quyền đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích chung, thì những lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân người lao động cũng cần được bảo vệ. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ vượt trội, đủ mạnh, trở thành một điểm tựa để người lao động cảm thấy yên tâm và sẵn sàng tâm thế trước sự thay đổi quá lớn trong công việc và cuộc sống.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Chủ tịch nước Lương Cường đã phát biểu: "Sắp xếp bộ máy làm có lý, có tình vì liên quan đến con người; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách...". Tại Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/12, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10, tháng 11/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần làm tốt hơn, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và Nhân dân cả nước liên quan việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, một nội dung rất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế; đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động. “Trước đây, khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng có một phần rất quan trọng là chế độ, chính sách. Trong bối cảnh hiện nay với quy mô nền kinh tế và ngân sách đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, cần quan tâm chăm lo chính sách cho người lao động” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nói về giải pháp để giải bài toán cán bộ dôi dư sau khi tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho rằng, để có cơ sở tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp tinh giản đội ngũ cán bộ công chức. “Quá trình sắp xếp phải bảo đảm nguyên tắc "sự đồng thuận của 2 bên". Tức là cán bộ, công chức có nhu cầu nghỉ theo chính sách sẽ phải có nguyện vọng và được đồng thuận, thống nhất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị” - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Ông Vũ Đăng Minh cũng thông tin, trong khi chờ đợi chính sách đủ mạnh, vượt trội gắn với đợt tinh gọn lần này, trước đó Bộ Nội vụ cũng đã có Dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, lao động nghỉ hưu trước tuổi. Dự thảo này đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, lao động nếu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 20 năm trở lên, nếu nghỉ hưu sớm sẽ được hưởng nguyên lương hưu; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho tổng số 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội...
Cần tính toán phương án để giữ chân người thực sự có năng lực
Về chính sách hỗ trợ người lao động dôi dư sau khi tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào nhóm cận hưu, có thể xác định bao gồm những người còn thời gian làm việc dưới 5 năm để đến tuổi nghỉ hưu. Các phương án hỗ trợ tài chính vượt trội sẽ có thể gia tăng khả năng thuyết phục nhóm cận hưu tự nguyện xin nghỉ sớm, để nhường lại vị trí cho những người còn nhiều thời gian làm việc, mỗi đơn vị cũng thuận lợi hơn trong việc giải quyết vấn đề dôi dư lao động sau khi sáp nhập tổ chức. Và vấn đề này cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10, tháng 11/2024, là: Cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống.
Ngoài ra, một trong những yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là phải cải thiện rõ rệt về chất lượng hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị. Vì thế, tiến trình sắp xếp lại đội ngũ nhân sự cần đặc biệt lưu ý "giữ chân" những người thuộc nhóm thực sự có năng lực, để họ tiếp tục gắn bó với các cơ quan nhà nước. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần có chính sách vượt trội cho cán bộ, công chức dôi dư mà cả chính sách vượt trội cho những người có năng lực, tránh tình trạng bối cảnh hiện nay tác động đến tâm lý của những người thuộc nhóm này, khiến có những người nghĩ đến việc rời công việc nhà nước, chuyển sang khu vực tư nhân. Chúng ta cần coi các phương án sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy phải là những phương án phát triển nguồn nhân lực, nghĩa là không chỉ tinh giản một cách cơ học, cào bằng mà còn phải đặc biệt chú trọng giữ người tài.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là tập trung vào việc sắp xếp con người nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ, vừa bảo đảm tính ổn định của bộ máy để phát triển. Đồng thời, phải quan tâm đến tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ công chức, viên chức. Theo đó, chính sách này được triển khai phải đảm bảo một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu của bộ máy mới sau khi sắp xếp.
Tinh thần là sẽ ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội, những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác, có bề dày, uy tín nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn, kiến thức về ngành và lĩnh vực đặc biệt, đặc thù để giữ chân người tài. "Cần có cơ chế giải quyết các cán bộ công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác, không nằm trong cơ quan Nhà nước. Song phải có cơ chế giữ chân người tài, qua đó đảm bảo nguyên tắc xây dựng hệ thống công vụ thực tài, thu hút được người tài năng để làm công vụ. Do đó, chính sách phải đặt ra được các vấn đề căn cơ, đánh giá đúng tác động, từ đó có cơ sở chính trị, pháp lý để thực hiện sắp xếp" - ông Minh nhấn mạnh.
Nói về việc nghiên cứu cơ chế vượt trội, đủ mạnh để vừa giữ chân người tài, vừa giải quyết hợp lý lao động dôi dư, nhiều chuyên gia bày tỏ, đây là chính sách rất nhân văn, rất đúng và để thỏa mãn cho cả người lao động cũng như biên chế nhà nước, vì nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề thừa biên chế, vấn đề phình to bộ máy, tinh giản bộ máy. Do đó, Nhà nước cần tìm ra nguồn ngân sách để dự phòng, có thể giải quyết được ngay số biên chế thừa nhằm sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-co-che-giu-chan-nguoi-tai-37024.html