Cần có chính sách đủ mạnh để tiết kiệm điện trở thành văn hóa

Đó là ý kiến được chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm 'Thực hành tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống' do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/5.

Tọa đàm với sự thamdự của các vị khác mời là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia năng lượng, doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện...

Tọa đàm nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan, sinh động, toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong chỉ đạo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng; việc lan tỏa các chương trình tiết kiệm điện năng và làm thế nào để đưa các chính sách về sử dụng tiết kiệm điện vào thực thi hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội; các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trong sử dụng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng điện.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2024

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2024

Tiết kiệm điện- giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm “phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống” và đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ; banh hành nhiều văn bản, chỉ đạo phát động và đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả và gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp hết sức toàn diện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đây thực sự là những giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững ngành điện.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc EVNcho biết: 4 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và biến động khắc nghiệt của thời tiết, nắng nóng kéo dài, EVN đã bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Theo số liệu thống kế, trong tháng 4, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023, cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc EVN

Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc EVN

Còn tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua).

Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện của chúng ta có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện của chúng ta phải cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng cao điểm nắng nóng sắp tới.’- ông Võ Quang Lâm cho hay.

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian.

Nói về những kết quả nổi bật, thuận lợi, khó khăn hiện nay trong triển khai thực thi, thực hiện các chỉ đạo, giải pháp về tiết kiệm điện của Chính phủ và Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Năm 2024, nhận định đây là năm chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay. Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đầu năm 2024, ngày 1/3/2024, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20/2023 và Kế hoạch thực hiện năm 2024.

Song song với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững triển khai thực hiện từ rất sớm, ngay trong quý I và cố gắng sẽ hoàn thành vào quý II, đầu quý III năm nay để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

'Công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là một trong những công việc mà chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, để thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen", đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.'- ông Trịnh Quốc Vũ cho hay.

Kèm theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên môi trường internet ở trang tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc.

Tiết kiệm điện phải trở thành văn hóa tiêu dùng

Theo TS. Trần Đình Thiên- Chuyên gia kinh tế, Chỉ thị số 20 không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia. Chỉ thị có 2 cách tiếp cận, vừa là một chương trình hành động quyết liệt nhưng cũng có sự khuyến khích, phát động phong trào. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng buộc ta phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động.

TS. Trần Đình Thiên (bên trái) - Chuyên gia kinh tế

TS. Trần Đình Thiên (bên trái) - Chuyên gia kinh tế

"Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc khác như phân phối nguồn điện. Nhưng phần gắn với khía cạnh phong trào có lẽ phải bàn sâu hơn nữa, Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa"- TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam chia sẻ: Để thực hiện tiết kiệm điện, chúng tôi đã triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện như là tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên trong công ty tắt các thiết bị điện trong công ty khi không sử dụng cũng như ở gia đình; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty.

"Chúng tôi cũng đang tiến hành thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn LED tiết kiệm điện, tiến hành cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động để bật/ tắt trong các khung giờ có nhân viên sử dụng và không sử dụng, đồng thời rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất. Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu tiến tới Net Zero vào năm 2030"- ông Trần Anh Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh khẳng định: Câu chuyện đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen của chúng ta được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đấy cũng là lý do tại sao Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Bởi vì mỗi chúng ta không có thói quen tốt, không biến thành việc hằng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn.

"Đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng… để nhắc nhở. Gần đây chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Ít nhiều điều đó cũng phản ánh đây là câu chuyện của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. Trước mắt tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trước rồi, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới"- ông Hà Đăng Sơn nói

Ông Sơn đặt câu hỏi, những hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, liên quan đến tiết kiệm điện của chúng ta có từ rất lâu, hơn 20 năm. Phải chăng nhận thức của cộng đồng chúng ta đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi?

Ông Hà Đăng Sơn ( thứ 2 từ trái sang)- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

Ông Hà Đăng Sơn ( thứ 2 từ trái sang)- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

Theo ông Võ Quang Lâm, tuyên truyền, vận động chỉ là một trong những giải pháp nhưng chưa đủ. Trong năm vừa qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện.

"Nhìn lại toàn bộ mục tiêu của Chỉ thị 20, Tập đoàn Điện lực đang đặt ra mục tiêu năm nay tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024. Đây cũng là chỉ tiêu pháp lệnh mà Tập đoàn Điện lực đề nghị các nhóm khách hàng sử dụng điện thực hiện tốt, cùng chung tay chung sức để hoàn thành mục tiêu này"- ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-chinh-sach-du-manh-de-tiet-kiem-dien-tro-thanh-van-hoa-320316.html