Cần luật hóa việc cấm dạy thêm, học thêm tự phát
LTS: Báo Quân đội nhân dân mở Chuyên mục 'Góc nhìn nghị trường' trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV để có những góc nhìn đa chiều đối với các vấn đề đang được Quốc hội thảo luận, xem xét, cho ý kiến. Bài cộng tác cho chuyên mục xin gửi về: Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: kinhtebqd@gmail.com.
Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định liên quan đến dạy thêm của nhà giáo. Dự thảo luật có quy định về việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét vấn đề này dưới góc độ nhu cầu xã hội để có quy định phù hợp.

Giờ học của học sinh Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Ảnh minh họa: qdnd.vn
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, học sinh và phụ huynh, chứ không hẳn quy cho việc giáo viên ép buộc. Học sinh tự nguyện ra các trung tâm học tiếng Anh, học văn hóa, âm nhạc, mỹ thuật và các môn học khác là nguyện vọng chính đáng. Khi có nhu cầu của học sinh và gia đình thì giáo viên cũng mong muốn và có nhu cầu dạy thêm, họ chọn cách đi dạy thêm là để có thêm thu nhập. Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, điều này hoàn toàn chính đáng và phù hợp, sau các tiết dạy ở nhà trường, giáo viên có thể bỏ công sức để dạy thêm. Vấn đề quan trọng là cần chống lại khía cạnh tiêu cực, đó là việc lợi dụng để ép buộc sinh viên, học sinh đi học thêm. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm một cách chính thống như các loại hình dịch vụ khác và có nền nếp, quy định, nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu vấn đề, với lượng kiến thức trong chương trình học nếu học và cách dạy ở trường mà học sinh có thể nắm được ngay trên lớp và tự học khi về nhà thì không có nhu cầu học thêm. Theo đại biểu Tô Văn Tám, vấn đề ở đây có phải do chương trình và lượng kiến thức nặng quá không. Đại biểu đề nghị cần rà soát lại chương trình, lượng kiến thức trong chương trình cho hợp lý.
Từ các vấn đề được đại biểu Quốc hội thảo luận có thể thấy, không thể phủ nhận hoàn toàn nhu cầu xã hội đối với học thêm, dạy thêm. Đây cũng là điều kiện quan trọng giúp học sinh được truyền thụ tốt hơn các kiến thức từ nhà giáo. Để quản lý hiệu quả hoạt động này, cần thiết luật hóa quy định về cấm dạy thêm, học thêm tự phát. Giáo viên khi có nhu cầu dạy thêm cần phải ra các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục để đăng ký, được quản lý và đóng thuế thu nhập theo quy định. Cần xây dựng quy chế, quy chuẩn, giúp công khai, minh bạch hoạt động dạy thêm, học thêm.