Cân nhắc tăng thuế đối với xe ô tô pick - up chở hàng cabin kép theo lộ trình

Lưu ý nếu quy định tăng thuế cao đối với xe ô tô pick - up chở hàng cabin kép ngay trong một lần như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ gây tác động tới tâm lý khách hàng, làm giảm lượng tiêu thụ xe, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định lộ trình tăng thuế trong vòng 3 năm, từ năm 2027 - 2030, mức tăng thêm 3%/năm tương đương với việc chia đều mức tăng 9% trong 3 năm, áp dụng từ năm 2027.

Thuế suất cao sẽ làm giảm lượng tiêu thụ xe

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô pick - up chở hàng cabin kép theo lộ trình.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu, xe ô tô pick - up chở hàng cabin kép là dòng xe sử dụng chủ yếu ngoài đô thị, với công năng chính là chở hàng, nhiều hộ gia đình và nhiều đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ, thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển. “Pick - up” trong tiếng Việt là xe tải nhẹ hoặc xe bán tải được sử dụng với mục đích đa dạng, đi làm kết hợp chở nông cụ và hàng hóa khác. Dòng xe này có tính phù hợp với nhóm sản phẩm được ưu tiên theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đó là: Chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, xe pick - up chở hàng cabin kép đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15 - 25%. Nếu áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như dự thảo Luật, thì thuế suất sẽ áp bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe con chở người cùng dung tích xi lanh, tức là có thể tăng lên ít nhất 9% hoặc có loại tăng lên gấp đôi.

“Việc tăng thuế suất cao ngay trong một lần sẽ tác động tới tâm lý khách hàng, làm giảm lượng tiêu thụ xe, dẫn đến giảm doanh số bán hàng của dòng xe này, kéo theo hàng trăm người mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các dòng thuế có liên quan như thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển, thuế giá trị gia tăng của xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Xuất phát từ kiến nghị của cử tri và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trên cơ sở xem xét đầy đủ, thấu đáo nguyện vọng của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo nguồn thu ngân sách, việc làm của người lao động, phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, Quốc hội cân nhắc quy định có lộ trình tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải pick - up chở hàng cabin kép trong vòng 3 năm, từ năm 2027 - 2030. Mức tăng thêm 3%/năm tương đương với việc chia đều mức tăng 9% trong 3 năm, áp dụng từ năm 2027, thay vì tăng một lần 9% đến hơn 20% như hiện nay.

Mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn phải điều tiết

Quan tâm đến đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là xăng các loại, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, xăng là mặt hàng thiết yếu, không thể hạn chế sử dụng. Trong khi đó, xăng vừa là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường thì đã đúng bản chất hay chưa? Đại biểu đề nghị, nếu xác định xăng gây ảnh hưởng đến môi trường thì tăng thuế bảo vệ môi trường, chứ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tương tự, với đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, đây cũng là mặt hàng thiết yếu. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị không đánh thuế mặt hàng này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, mục tiêu của đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng để hạn chế việc tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe hoặc có ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng để người tiêu dùng phải chuyển hành vi đó sang một sản phẩm tiêu dùng thay thế có lợi hơn. Trong khi đó, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là sản phẩm tiêu dùng phổ biến và không có gì thay thế. Đánh thuế cao bao nhiêu, người dân cũng phải dùng điều hòa nhiệt độ. Do đó, không nên quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Giải trình tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ, điều hòa nhiệt độ đã không còn là mặt hàng xa xỉ, nhưng chúng ta vẫn phải điều tiết và điều chỉnh hành vi tiêu dùng với mặt hàng này. Với nhiều ý kiến cho rằng, đối với điều hòa nhiệt độ loại phổ thông, thông dụng, các gia đình đều phải dùng, Chính phủ đang nghiên cứu, rà soát và có phương án đưa đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ từ trên 18.000 BTU đến dưới 90.000 BTU.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Đối với xăng các loại, đây là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995, đến nay đã 30 năm. Các nước như Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào vẫn thu thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

“Chúng ta thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, nhưng với xăng sinh học như E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90%, xăng Ron 92 là 5%, 10% cồn sinh học thì đưa về mức E5 là 8%, E10 là 7%, thấp hơn mặt hàng xăng khoáng là 10% để khuyến khích sử dụng xăng sinh học”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

Đối với ý kiến tăng thuế đột ngột với xe ô tô pick - up chở hàng cabin kép, qua ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho biết đang nghiên cứu, đưa ra phương án tăng thuế trong 3 năm, theo đó bằng 50%, 55%, 60% thuế suất của xe xăng tương ứng với từng loại.

“Cụ thể, đối với xe từ 1.500 phân khối trở xuống, hiện nay xe pick - up đang là 15%, còn xe xăng là 35%; thì năm đầu tiên thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe pick - up là 17,5%, năm thứ hai là 19,25% và năm thứ ba là 21%, tăng ở mức nhất định và cũng phù hợp”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-nhac-tang-thue-doi-voi-xe-o-to-pick-up-cho-hang-cabin-kep-theo-lo-trinh-post408514.html