Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng

Bối cảnh bình thường mới đã và đang mở ra những thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều quyền lợi của người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, với tính năng ưu việt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, số người sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng rất mạnh trong 2 năm gần đây. Sự phát triển của các kênh thương mại điện tử đã mang đến nhiều tiện lợi song cũng bộc lộ những mặt trái. Các quy định về thương mại điện tử, nghị định hướng dẫn không “phủ sóng” hết. Trong khi đó, những đối tượng kinh doanh gian lận cũng ngày một phát triển với các phương thức lừa đảo người tiêu dùng rất tinh vi.

 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là vấn đề cấp thiết

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là vấn đề cấp thiết

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam; không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… Điều này dẫn đến việc người mua nhận phải hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, còn có tình trạng các đối tượng khởi tạo gian hàng trên kênh thương mại điện tử và chỉ chạy trong một đợt, với nhiều chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng…, bán những sản phẩm chất lượng kém rồi biến mất. Nhiều người tiêu dùng đã bị thiệt hại do những hành vi lợi dụng giao dịch trên không gian ảo để lừa dối, trục lợi. “Nhà nước đã ban hành luật về thương mại điện tử. Chính phủ cũng có các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, pháp luật không “phủ sóng” hết được. Những người kinh doanh gian lận họ tìm mọi kẽ hở để khai thác. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường” - ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập. Đơn cử, đến nay, vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có hai tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động, nhưng do khó khăn nhiều mặt, trong đó có vấn đề kinh phí, đã phải xin giải thể.

 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chính thức đưa vào sử dụng tổng đài hỗ trợ người tiêu dùng theo số điện thoại 18006838

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chính thức đưa vào sử dụng tổng đài hỗ trợ người tiêu dùng theo số điện thoại 18006838

Bên cạnh đó, có một nghịch lý là Hội Bảo vệ người tiêu dùng được giao trách nhiệm, nhưng không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, đến nay, trong 7 nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo khoản 1, điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn một số nội dung rất khó thực hiện. Chẳng hạn, luật quy định “Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng”. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ kinh phí để thực hiện. Như kinh phí điều tra, thu thập, giám định chứng cứ, thuê luật sư, bồi thường trong trường hợp thua kiện...

Hay, theo khoản 3, điều 25, Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nghĩa vụ chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Tuy nhiên, Hội là tổ chức phi lợi nhuận, không được ngân sách hỗ trợ, vì vậy, không có nguồn kinh phí. Nếu thắng kiện, tiền bồi thường cũng không thuộc về Hội…

Ngoài ra, Nghị quyết số 82 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ban hành ngày 26/5/2020 đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trong chính bộ, ngành, lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ người tiêu dùng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản triển khai, nên chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương do hạn chế về nhân lực và tài chính nên hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn.

Nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện chính sách

Từ khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sau 10 năm thực hiện, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là luật đến các văn bản dưới luật, như: Nghị định, chỉ thị, thông tư, đã được nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò. Với những nội dung còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó thực hiện, hiện nay, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội để sửa đổi. Hoạt động này được đánh giá là kịp thời.

Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 với đa dạng các hoạt động hướng tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đưa ra sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng trong giai đoạn bình thường mới.

Bùi Huyền

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-som-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-173275.html