Cần tập trung tuyên truyền về di sản truyền thuyết 'Cẩu chủa cheng vùa'
Truyền thuyết 'Cẩu chủa cheng vùa' (Chín chúa tranh vua) được nhà Dân tộc học Lã Văn Lô phát hiện, sưu tầm và biên dịch từ năm 1963. Vào thời điểm đó, truyền thuyết được nhiều học giả trong nước đón nhận như một luồng gió mới có sức lan tỏa trong nhân dân các dân tộc Tày - Nùng tại Khu tự trị Việt Bắc. Không những thế truyền thuyết còn có sức thu hút sự quan tâm của các giới sử học, dân tộc học trong và ngoài nước.
Cao Bằng - một tỉnh ở miền núi phía Bắc Việt Nam, nơi phát tích của truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” một tỉnh mà bao đời nay trong nhân dân, các dân tộc thiểu số trong tỉnh từ vùng đồng đến vùng núi xa xôi hẻo lánh vẫn còn nhớ từng chi tiết nhỏ của truyền thuyết, thời gian cứ trôi đi nhưng những địa danh tên địa phương mà đồng bào các dân tộc vẫn gọi đến ngày hôm nay đúng các vị trí như xưa mà truyền thuyết đã nhắc đến các địa danh: Phiêng Pha, Tổng Lằn, Tổng Chúp, Khau Lừa… mà truyền thuyết đã nhắc đến và ngày nay người dân vẫn gọi hằng ngày.
Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” đã đề cao và ca ngợi vai trò của Thục Phán vừa thông minh, vừa tài thao lược chiến thắng 9 chúa xứ Mường để giành được ngôi vị cao nhất làm vua nước Nam Cương. Đã là truyền thuyết khi chuyện xảy ra từ rất lâu được người dân trong cộng đồng truyền lại bằng miệng từ đời này qua đời khác. Tại tỉnh Cao Bằng những truyền thuyết thường được nhắc đến là lời người cao tuổi, qua 2 năm chúng tôi đi khảo sát, nghiên cứu thực địa những người còn biết nắm được tích truyện “Cẩu chủa cheng vùa” ở Cao Bằng là những cụ già từ 70 tuổi trở lên, điều này đặt ra muốn phát huy được giá trị lịch sử của truyền thuyết tồn tại mãi cho các thế hệ sau này cần phải có người kể lại, ghi chép lưu giữ một cách hệ thống thông qua các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành do nhà nước lập ra làm nhiệm vụ gìn giữ - lưu giữ, phát huy những di sản văn hóa, trong đó có cả gìn giữ phát huy văn hóa vật thể - phi vật thể?. Đó là Bảo tàng tại địa phương, như vậy truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” sẽ được trưng bày 1 cách hệ thống thông qua lời kể của các bậc cao niên còn nhớ, hình dung khá đầy đủ về truyền thuyết, không những thế trong bảo tàng còn thể hiện bằng sưu tập hình ảnh minh họa các địa điểm đã xảy ra sự kiện khi 9 chúa mường thi tài tranh ngôi vua nhưng không ai thắng và cuối cùng Thục Phán vẫn là người giữ được ngôi vị làm vua cai quản đất Nam Cương.
Một việc cũng rất quan trọng để lưu giữ ký ức của truyền thuyết nhằm truyền lại cho các thế hệ đời sau bằng việc xây dựng những tấm bia có tính bền vững ở các nơi thuận tiện cho phát huy di sản, tôn vinh những giá trị của truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”. Những tấm bia lịch sử có thể đặt ở các địa điểm sau: Một là tấm bia xây dựng đặt ở vị trí đèo Tổng Lằn trên tuyến quốc lộ 3 Thái Nguyên - Cao Bằng (đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Kạn (cũ) - Cao Bằng). Trong cuộc thi tài của chúa Nông Quang Thạc cai quản vùng đất Bảo Lạc với nội dung tìm mua những chiếc trống đồng cực to khi tiếng trống đánh lên cả vùng kinh thành Nam Cương đều nghe được tiếng trống, trống được mua từ rất xa mang về, đến đèo Tổng Lằn đoàn người nghỉ lại dùng bữa cơm tối được chủ quán là một cô gái xinh đẹp mời rượu chuyện trò vui vẻ với thức ăn ngon lạ đoàn tùy tùng say sưa với gái đẹp đêm ấy đã ngủ lại tại Tổng Lằn. Sáng sớm thức dậy cô chủ quán biến mất, chiếc trống đồng to buộc dây đã bị cắt đứt lăn xuống khe suối Tổng Lằn, tiếng dân tộc Tày Tổng Lằn nghĩa là trống lăn, hiện nay tại khe suối Tổng Lằn còn những tảng đá tròn hình mặt trống tên Tổng Lằn có từ thời ấy đến ngày nay.
Dọc đường từ trung tâm phường Thục Phán đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó có rất nhiều địa điểm liên quan đến truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, nếu các địa điểm này đều có những tấm bia khắc ghi nội dung của những cuộc thi tài của chín chúa do Thục Phán là người khởi xướng. Các địa điểm có thể xây dựng được những tấm bia xung quanh nội dung của các cuộc thi tài, đó là cánh đồng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng (nay là phường Thục Phán), địa điểm rất đẹp bên đầu cầu Sông Mãng; tiếp đến là đầu phố Cao Bình trên đường đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó có đôi guốc đá đẽo dở chưa kịp xỏ quai của Chúa Lục Văn Thắng; tiếp theo là Khau Lừa, Nà Pja - nơi Chúa Lương Ngọc Tặng đóng thuyền chưa kịp lật thuộc xã Bế Triều, huyện Hòa An (nay là xã Hòa An)...

Địa điểm Khau Lừa, Nà Pja - nơi chúa Lương Ngọc Tặng đóng thuyền, nay thuộc xã Hòa An. Ảnh Thế Vĩnh
Một hình thức tuyên truyền được công chúng biết đến nhiều về nội dung truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” cần tập hợp đầy đủ tập hồ sơ về truyện kể của các cụ cao niên tại Cao Bằng, nắm chắc được truyền thuyết, xây dựng 1 bản đồ ghi rõ các địa phương trong tỉnh mà truyền thuyết nhắc đến, đến nay nhân dân vẫn thường gọi; một sưu tập ảnh các địa phương trong tỉnh có nội dung truyền thuyết, đặc biệt lưu ý đến vị trí thành Bản Phủ, phường Thục Phán - nơi đóng đô của nước Nam Cương, về cấu trúc các vòng thành với thành Cổ Loa (Hà Nội) - nơi Thục Phán - An Dương Vương rời đô từ vùng núi xa xôi hiểm trở Cao Bằng về đồng bằng Sông Hồng - nơi dân cư đông đúc có khả năng phát triển kinh tế cũng như chống giắc ngoại xâm phương Bắc.
Truyền thuyết “Cẩu của cheng vùa” của người Tày tại Cao Bằng, vào thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (khoảng thế kỉ thứ II trước công nguyên), lịch sử Việt Nam cùng các nhà học giả hàng đầu của Việt Nam và thế giới đã nói rõ quan điểm: thành Nam Bình là thành Bản Phủ thuộc đất Cao Bằng, nay là phường Thục Phán, tỉnh Cao Bằng. Cha đẻ của Thục Phán là Thục Chế đã đóng đô ở đất Nam Cương trên 60 năm, đây là dấu mốc lịch sử rất quan trọng ghi nhận quê hương Cao Bằng có thời kỳ là kinh đô của một triều đại phong kiến dân tộc Việt Nam trong buổi bình minh của đất nước. Vì vậy, tại phường Thục Phán cần xây dựng trung tâm nghiên cứu toàn diện về truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” qua các truyện kể về chín chúa bằng những hình ảnh tại các nơi trong tỉnh có đề cập tới truyền thuyết, thông qua sưu tập ảnh có mô hình sa bàn minh họa. Đồng thời xây dựng đền thờ Thục Phán - An Dương Vương, bên cạnh đó đã có khu tâm linh chùa Đà Quận với bảo vật quốc gia là đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều. Đền thờ Thục Phán - An Dương Vương do thế hệ sau dựng lên là điểm ghi nhận một cách vĩnh viễn nhân dân các dân tộc quê hương cách mạng luôn hướng về cội nguồn những người anh hùng của bao đời nay đã có công xây dựng và phát triển để Cao Bằng tươi đẹp như ngày nay.
Hiện nay, tỉnh đang vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc sáp nhập phường, xã để mỗi địa phương đều có thế mạnh đặc thù về lịch sử, văn hóa, xã hội nhằm hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế. Phường trung tâm thành phố Cao Bằng trước đây tên là phường Hợp Giang nay là phường Thục Phán; còn một số phường khác lấy tên là phường Nùng Chí Cao. Việc đặt tên các phường, xã trong tỉnh mang tên các anh hùng tiền bối từ thời kỳ mở nước đến giai đoạn bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào dịp Trung ương có chủ trương xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn hiệu lực, hiệu quả đối với tỉnh Cao Bằng là một chủ trương có đặc thù riêng với ý nghĩa sâu xa về cội nguồn lịch sử, cách mạng, nhằm khẳng định nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn ghi nhớ công ơn sâu nặng của các bậc anh hùng tiên liệt. Từ nay, nhân dân Cao Bằng ngày càng hiểu sâu sắc thêm lịch sử của quê hương, cùng nhau ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển phồn vinh, giàu đẹp, xứng đáng với lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh khi lên thăm Cao Bằng mùa xuân năm 1961 “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm thành tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.