Cuộc đời và tư tưởng của Thiền sư Hương Hải (1628-1715)

Tư tưởng của Thiền sư Hương Hải phong phú trên nhiều phương diện. Các khái niệm về tâm, chân, vọng, tâm thể, vô tâm,… được thiền sư làm rõ với những câu từ, văn phong rất dễ tiếp cận. Điều đó khiến cho người học Phật có thể lĩnh hội một cách dễ dàng.

Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền ThS. Nguyễn Thị Thu Hương - Viện Sử học

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

Tóm tắt: Bài viết làm rõ cuộc đời sự nghiệp và tư tưởng của Thiền sư Hương Hải trong bối cảnh đất nước đương thời. Thông qua tác phẩm của Hương Hải, nêu rõ những đóng góp của ông về phương diện Phật học.

Hương Hải đã để lại kho tàng tác phẩm phong phú, giúp thế hệ đương thời và sau này có thể tiếp cận được giáo lý nhà Phật theo tư tưởng của Thiền sư Hương Hải.

Từ khóa: cuộc đời, thiền sư, Hương Hải, đóng góp, tư tưởng.

1. Vài nét về Thiền sư Hương Hải (1628-1715)

Thiền sư Hương Hải sinh năm 1628, người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lai lịch của Hương Hải được chép như sau: “Thuộc dòng thế phiệt, tổ tiên ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc. Tổ năm đời của Hương Hải làm Quản chu tượng, coi sóc thợ đóng thuyền cho triều đình vua Lê. Ông sinh được hai con trai. Con trưởng trông coi khóa Lãng Danh, tức Hùng quận công, quản đốc 300 lính thợ. Con thứ làm phó cai, tức Trung Lộc hầu, là ông tổ bốn đời của Hương Hải. Khoảng niên hiệu Chính Trị (1558-1571) đời Lê Anh Tông, Trung Lộc hầu theo Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Quảng Nam. Trung Lộc hầu được chúa Nguyễn tin dùng, cho thăng chính cai, quản lãnh thợ đóng thuyền. Nguyễn Hoàng lại dâng biểu về triều nhà Lê, kể rõ công trạng.

Hầu lại được vua Lê phong cho là Khởi Nghĩa Kiệt Tiết công thần, cấp cho 30 mẫu ruộng và con cháu được hưởng thế tập”(1). Hương Hải thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh tài giỏi, sau khi đỗ Cử nhân đã được chọn vào phủ chúa Nguyễn (Đàng Trong). Tiếp đến, năm 1652, Hương Hải được bổ chức Tri phủ huyện Triệu Phong, (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Cũng chính thời gian ở Quảng Trị, ông đã nhiều lần đàm luận với các Thiền sư Trung Hoa đang tu tập ở đây.

Vào năm 1655, Hương Hải đã từ quan, xuất gia để tu học. Ông đã được Thiền sư Viên Cảnh đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Thiền sư đã ra đảo lập am để tu thiền.

Sách “Thiền sư Việt Nam” cho biết về quá trình ông sinh sống và tu tập: “Sư từ quan xin xuất gia, rồi dong thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh ở tu. Ở đây, Sư chuyên tu thiền định và gìn giữ giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng. Gần đó có biển tên là Ngọa Long Hải và Cù lao Đại Lãnh, hai nơi này ít người đi đến, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến làm ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động”(2). Sau thời gian này ông được chúa Nguyễn mời vào đất liền để lập Thiền Tĩnh Viện nhằm phát triển đạo Phật ở Đàng Trong.

Tuy nhiên vì sự đối đãi của chúa Nguyễn cùng với sự nghi kỵ đối với ông, thiền sư quyết định trở ra Bắc. Năm 1700, Thiền sư Hương Hải đã rời chùa Trấn Thủ Sơn Nam về chùa Nguyệt Đường, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để tu hành.

Thiền sư rất được vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài trọng thị. Ngoài việc cấp đất, phong chức cho sư, thì Vua Lê Dụ Tông đã có lần đón ông về kinh thuyết pháp, lập đàn cầu tự và còn hỏi sư về phương pháp tu hành.

Năm 1714, chúa Trịnh Căn đã đến chùa Nguyệt Đường tham bái và làm thơ, chứng tỏ sự quan tâm của ông đối với thiền sư.

Thiền sư Hương Hải có hơn 30 tác phẩm vừa là sáng tác, chú giải và phiên dịch. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện số tác phẩm đã bị thất lạc, chưa thể tìm lại được. Trong đó có các tác phẩm như: Giải Pháp Hoa kinh, Giải Kim Cương kinh lý nghĩa, Giải Sa Di giới luật, Giải Phật Tổ tam kinh, Giải A Di Đà kinh, Giải Vô Lượng Thọ kinh, Giải Địa Tạng kinh, Giải Tâm kinh đại điển, Giải Tâm kinh ngũ chỉ, Giải Chân Tâm trực thuyết, Phổ khuyến tu hành, ...

Khi Thiền sư Hương Hải viên tịch vào năm Ất Mùi (1715), các môn đệ của ông còn phát triển tông phái lâu dài về sau. Tác giả Thanh Từ đã viết về ông: “Môn đệ xây ngôi tháp ba từng thờ. Sư Tông phong của Sư còn thịnh mãi mấy đời về sau. Chùa Nguyệt Đường là một thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư là người gây âm hưởng của dòng Thiền Trúc Lâm được vang lên trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng”(3). Hương Hải được ví như cây đuốc sáng rực của thiền tông thế kỷ XVII. Điều này cũng bởi có nhiều nguyên do, trước hết thể hiện ở tư tưởng của ông.

2. Tư tưởng của Thiền sư Hương Hải

Các tác phẩm của Hương Hải bao gồm thơ và kệ, trong đó chứa đựng nhiều tư tưởng sâu sắc của thiền sư. Lời văn sáng rõ, dễ hiểu song cũng chứa đựng nhiều tư tưởng đích thực, có tác dụng nhập thế đối với thời cuộc. Hương Hải không chú trọng nhiều vào lý thuyết mà đề cao vấn đề thực hành. Tác phẩm Hương Hải thiền sư ngữ lục là minh chứng điển hình cho trường hợp này.

Theo ông: “Ngộ được tự tính của mình thì chúng sinh là Phật, mê tự tính của mình thì Phật là chúng sinh. Giữ được tự tính của mình bình đẳng thì chúng sinh là Phật, để tự tính mình gian hiểm thì Phật là chúng sinh. Tâm ta sẵn có Phật, còn tìm Phật nơi nào? Nên kinh nói: “Tâm sinh thì các pháp sinh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Phàm phu tức là Phật, phiền não tức bồ đề”(4). Cũng như trong kinh Phật, vấn đề tâm luôn được đề lên hàng đầu. Phật giáo cho rằng muôn tội trạng đều từ tâm và khi tâm diệt thì phiền não cũng không sinh.

“Tâm” và “cảnh” là yếu tố đại diện cho nội tâm bên trong con người và hoàn cảnh bên ngoài. Theo quan niệm của Hương Hải, “tâm” là yếu tố quyết định ngoại cảnh chứ không phải ngược lại. Ông viết:

Cảnh, duyên, xấu tốt không nhằm,

Những điều xấu tốt do tâm tạo thành

Tâm không mong gượng lấy danh,

Thì đâu lại có vọng tình nảy ra?(5)

Hương Hải cho rằng yếu tố tâm là chủ chốt, quyết định sự vắng lặng hay động của cảnh:

Tâm, nhân sự vật hiện ra,

Nếu không sự vật tâm đà hư không.

Mọi phần vướng mắc, lưu thông,

Chân tâm thấu suốt quyết không sót nào.

Nếu dùng trí, dựa vào phân tích,

Sẽ tạo thành một cảnh đảo điên.

Vô tâm đối cảnh thường yên,

Mới hay trước mặt hiện nên bồ đề(6).

Dù “tâm” là xuyên suốt, chủ đạo, quyết định ngoại cảnh, nhưng trong chừng mực nhất định thì ‘tâm” và “cảnh” cũng có sự liên hệ với nhau. Ông cho rằng:

Cảnh lập tâm hiện hữu,

Tâm vô cảnh bất sinh.

Cảnh hư tâm tịch tịch,

Tâm chiếu cảnh linh tinh.

Dịch nghĩa:

Cảnh lập tâm liền có,

Tâm không cảnh chẳng sinh.

Cảnh hư tâm lặng lẽ,

Tâm chiếu cảnh vắng im(7).

Thiền sư Hương Hải (nguồn: Internet)

Thiền sư Hương Hải (nguồn: Internet)

Điều đó nghĩa là tâm khi nhìn cảnh mà thấy đẹp xấu nghĩa là tâm đã dấy niệm, cũng là cơ sở để phiền não xuất hiện. Vậy nên, không khởi tâm thì không sinh cảnh, hay cảnh cũng như không và không bị phiền não.

Hương Hải khẳng định khi tâm không lay động thì cảnh cũng không. Ông viết: “Người phàm phần nhiều ở nơi sự làm ngại lý, nơi cảnh làm ngại tâm, nên thường muốn trốn cảnh để an tâm, bỏ sự để giữ lý. Song chẳng biết, chính tâm ấy làm ngại cảnh, lý làm ngại sự. Chỉ cần tâm không thì cảnh tự không, lý lặng thì sự tự lặng, chợt liền trở ngược lại tự tâm”(8). Quan điểm này chính là sự phát triển quan niệm giác ngộ của Phật giáo Đại thừa. Đó là chủ trương chuyển hóa hoàn cảnh, chuyển hóa phiền não để đạt tới Niết Bàn chứ không hề trốn chạy thực tại.

Bên cạnh việc đề cao chữ Tâm, Hương Hải cũng đề ra tư tưởng “vô tâm”. Hai từ “vô tâm” không phải là vô tình, bàng quan trước hiện tượng, cuộc sống mà thực chất là không khởi tâm, hoặc không trụ tâm ở sự việc, hiện tượng.

Hiểu theo nghĩa này thì “vô tâm là sự thấy biết sáng suốt, không để tư kiến và tư dục điều khiển, không kỳ thị phân biệt. Sự thấy biết ấy không phân biệt chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, mê và ngộ, có và không. Mở mắt mà nhìn thực tại với cái tâm “vô tâm” ấy thì giây phút nào cũng là giây phút giác ngộ”(9). Hương Hải khẳng định:

Tầm ngưu tu phỏng tích

Học đạo quý vô tâm

Tích tại ngưu hoàn tại

Vô tâm đạo dị tầm.

Dịch nghĩa:

Tìm trâu phải noi dấu

Học đạo quý vô tâm

Dấu còn trâu nào mất

Vô tâm đạo dễ tầm.

Hoặc là bài kệ khá nổi tiếng như sau:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch nghĩa:

Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không để ý dấu

Nước không tâm lưu bóng(10).

Thiền sư Hương Hải đưa ra hai sự vật “nhạn không để ý dấu” và “nước không tâm lưu bóng” để chỉ cả hai đối tượng đều không trụ tâm vào hoàn cảnh đang diễn ra. Ý tưởng đặc biệt này của Hương Hải đã ẩn chứa con đường giải thoát cho nhân sinh.

Thế giới con người đang sống, vì khởi tâm loạn với những ý nghĩ điên đảo hoặc giả trụ tâm quá nhiều ở các sự vật, hiện tượng nên tâm của mỗi người không còn được an yên. Để có chân tâm thật, theo Hương Hải, phải có sự giác ngộ thì “bụi trần lắng sạch tâm thể trong ngần; dứt hết mối manh danh tướng của ngoại cảnh”, nếu còn trong vòng phiền não thì tâm cũng bị mê loạn. Ông cho rằng tâm bị vọng động sẽ khiến cho “chân tâm bị dời đổi, căn tính bị sai lạc, chấp vào tướng, đuổi theo danh, chứa mãi những vọng trần ứ đọng, kết mãi những sóng thức liên miên… Làm mù lòa con mắt trí ở trong ngõ tối”(11). Vì vậy, “học đạo quý vô tâm” của Hương Hải không chỉ đóng góp cho triết học Phật giáo đương thời mà còn có ý nghĩa sâu sắc.

Bên cạnh vấn đề “tâm”, khái niệm vọng - chân cũng được Hương Hải đề xuất một cách cụ thể:

Bỏ vọng về chơn muôn lụy không

Thánh phàm ức triệu xưa nay đồng

Mê đi cả thảy ngài vào lửa

Ngộ lại mới hay hạc sổ lòng(12).

Theo Hương Hải, an tâm chính là thiền, và để có được an tâm thì nhất định phải kiểm soát được nội tâm của bản thân mình. Kiểm soát nội tâm xuất phát từ việc hàng ngày phải quán chiếu lại chính bản thân mình:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh

Trong mộng tìm chi người tri thức

Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình(13).

Quán lại chính nơi mình là cách để kiểm soát nội tâm. Điều này cũng có nét tương đồng với tư tưởng của Nho giáo: Khắc kỷ phục lễ; tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước sự việc phải xét ở bản thân trước đã, sau đó mới xét đến ngoại cảnh. Tư tưởng này không chỉ đúng đối với xã hội Đại Việt thời Hương Hải đang sống mà còn có giá trị với hiện tại, khi xem xét bản thân trong mối quan hệ giữa người với người, để tránh những sai sót, mâu thuẫn hoặc để đạt tới sự hài hòa trong cuộc sống.

Ngoài ra, Thiền sư Hương Hải cũng đã đề cập đến khái niệm “Không” trong Phật giáo:

Giác không không giác, không không giác,

Giác dĩ không không không bất không.

Dục thức vô cùng hảo tiêu tức,

Đô lô chỉ tại thử hiên trung.

Dịch nghĩa:

Giác không, không giác, không không giác,

Giác đã không không, không chẳng không.

Muốn biết vô cùng tin tức tốt,

Thảy đều chỉ ở trong hiên này(14).

Giác là sự giác ngộ, hay cũng có nghĩa là góc nhìn. Đối với Hương Hải, ông cho rằng ngay cả góc nhìn cũng mang tính không, nên khi đối chiếu vào sự vật hiện tượng cũng mang tính không. Tìm hiểu kệ của thiền sư, có thể thấy được con đường giác ngộ. Vì khi đã nhận thức được cái “không” thì chẳng có cơ sở nào để phiền não có thể xuất hiện nữa.

Ông viết: “Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí làm mờ ám, ngoại cảnh làm ngăn trở, khiến ta tự mê đi. Nếu trong lòng ta được vô tâm là Phật quá khứ. Trong lặng lẽ mà khởi tác dụng là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật là Phật hiện tại. Ta thanh tịnh không nhiễm ô lục trần là Phật Ly Cấu. Ta biến hóa vô cùng chỉ do một chân tính mà thôi”(15). Chính vì cho rằng trong mỗi người có Phật mà người ta cho rằng Phật tại tâm, cho nên tu thân thì phải tu tâm của mình trước.

Nội dung thiền của thiền sư Hương Hải không rập khuôn theo phái thiền của Trung Hoa mà có những nét riêng. Ở ông, có sự nhất quán trong các pháp tu, xuất phát từ truyền thống Thiền tông Việt Nam trước đó nhiều thế kỷ. Hương Hải chủ trương tiệm tu, tiệm cận với sự giác ngộ chứ không phải là đốn ngộ như nhiều trường phái Phật giáo khác.

Thời gian giữ chức trong chính quyền đương thời đã cung cấp cho Hương Hải những kiến thức và kinh nghiệm xử thế của một nhà Nho. Chính vì vậy, trong tư tưởng của ông đã có sự hòa trộn giữa Nho giáo với Phật giáo.

Xưa nay tam giáo cùng một gốc,

Có bao giờ vận hành thiên lệch bên nào.

Hay là:

Vào nguồn Nho bát ngát càng thấy rộng,

Biển Phật thấy mênh mông khi chuyển nhập vào sâu(16)….

Đây là nét khá đặc biệt ở một thiền sư như Hương Hải. Điều này cũng cho thấy những yếu tố hỗn dung của Tam giáo đồng nguyên ở thế kỷ XVIII, sự dung hòa giữa ba yếu tố Nho - Phật - Lão vốn đã hiện diện ở giai đoạn lịch sử trước đó, nay lại được tiếp tục phát triển dưới thời của Thiền sư Hương Hải.

Tháp Tịnh Mãn an trí Xá lỵ nhục thân Thiền sư Hương Hải. Ảnh: Sưu tầm

Tháp Tịnh Mãn an trí Xá lỵ nhục thân Thiền sư Hương Hải. Ảnh: Sưu tầm

Thông qua các bài kệ do ông sáng tác, có thể thấy tư tưởng của Hương Hải mang tính thiền học sâu sắc:

Kiến vật tiện kiến tâm,

Vô vật tâm bất hiện.

Thập phần thông tắc trung,

Chân tâm vô bất biến.

Nhược sinh tri thức giải,

Khước thành điên đảo kiến.

Đồ cảnh năng vô tâm,

Thủy kiến Bồ đề diện.

Dịch nghĩa:

Thấy vật liền thấy tâm,

Không vật tâm chẳng hiện.

Mười phần trong bít thông,

Chân tâm thảy biến khắp.

Nếu sinh tình thức hiểu,

Lại thành thấy điên đảo.

Đối cảnh hay không tâm,

Mới giáp mặt Bồ đề.

Tính thiền đó thể hiện qua tính vô tâm khi nhìn sự vật:

Không thủ bả sừ đầu,

Bộ hành kỵ thủy ngưu.

Nhãn tùng kiều thượng quá,

Kiều lưu thủy bất lưu.

Dịch nghĩa:

Tay không cầm cán cuốc,

Đi bộ ngồi lưng trâu.

Người đi qua trên cầu,

Cầu trôi nước chẳng trôi(17).

Lại một lần nữa, yếu tố vô tâm khi quán sát cảnh được Hương Hải đề cập đến trong bài kệ trên. Theo ông, để đạt được con đường giải thoát, cần phải dùng trí tuệ, hay tuệ giác để chặt đứt những vô minh, chấp niệm vào cảnh của con người. Ông cho rằng: “Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. Ta phải lấy lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy ra tâm châu trong những mối dây quấn chặt. Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp trong trần cảnh”(18). Tuệ giác nghĩa là thanh gươm của trí tuệ, dùng để chặt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kì thị của con người. Nhưng có được tuệ giác không hề giản đơn mà con người phải trải qua quá trình thiền định để đạt tới sự định tâm.

Phải đặt tư tưởng của Thiền sư Hương Hải vào bối cảnh đất nước ở thế kỷ XVII, khi Việt Nam bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhất là khi Phật giáo thời điểm đó cũng có nhiều sự biến động. Thời điểm Hương Hải sinh sống, Phật giáo ở Đàng Ngoài chịu sự tác động từ những chính sách của chính quyền Lê - Trịnh. Trước đó vào thế kỷ XVI, Phật giáo bị suy thoái nghiêm trọng do những ảnh hưởng từ hoàn cảnh đất nước, các cuộc chiến tranh và chính sách của nhà Hậu Lê. Sang thế kỷ XVII, Phật giáo được phục hưng trở lại. Những người đứng đầu cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều có những chính sách tích cực đối với Phật giáo như tạo lập, tu bổ chùa chiền. Trong bối cảnh như vậy, những quan điểm của Thiền sư Hương Hải đã góp thêm tiếng nói quan trọng vào việc phục hưng Phật giáo. Sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” đã nói đến những công lao của thiền sư cũng như tư tưởng của ông như sau: “Ngoài hai yếu tố Tịnh và Mật, tư tưởng thiền của Hương Hải là tư tưởng thiền của lục tổ Huệ Năng, chủ yếu dựa vào tư tưởng kinh Kim Cương Bát Nhã và kinh Pháp Bảo Đàn. Đó là tư tưởng phá vỡ tất cả mọi tâm niệm phân biệt, cố chấp của tư tưởng nhị nguyên, nhập vào tư tưởng bất nhị trong tinh thần Đại thừa Phật giáo”(19).

3. Nhận xét

Vào thế kỷ XVII, con đường làm quan và quá trình tu học của Thiền sư Hương Hải trải qua thời gian dài với nhiều thăng trầm. Ông là một trong những số ít thiền sư của Việt Nam có cuộc đời hoạt động ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trước khi trở thành một thiền sư, Hương Hải đã uyên thâm Nho học, tham chính trong chính quyền nhà nước, do vậy ông khá rõ về thời cuộc và những vấn đề xã hội. Cũng chính vì xuất phát từ chốn quan trường mà thiền sư đã nhận thức, tìm ra con đường đi thực sự phù hợp với mình là xuất gia, tu thiền học đạo.

Tư tưởng của Thiền sư Hương Hải phong phú trên nhiều phương diện. Các khái niệm về tâm, chân, vọng, tâm thể, vô tâm,… được thiền sư làm rõ với những câu từ, văn phong rất dễ tiếp cận. Điều đó khiến cho người học Phật có thể lĩnh hội một cách dễ dàng.

Thiền sư đã góp phần duy trì, phát triển các khái niệm Phật học, dịch kinh, viết sách phổ biến đến dân chúng. Khối lượng tác phẩm như đã nêu cho thấy nỗ lực tu thiền, học Phật của ông không hề mỏi mệt. Trên phương diện này, Hương Hải đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp phục hưng Phật giáo ở Đàng Ngoài cũng như phát triển Phật giáo ở Đàng Trong thời bấy giờ.

Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền ThS. Nguyễn Thị Thu Hương - Viện Sử học

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

***

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư Phạm, Hà Nội, 2021, tr. 265.

(2) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 272.

(3) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 293.

(4) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 283.

(5) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007, tr. 495.

(6) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007, tr. 499.

(7) Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, tr. 128.

(8) Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, tr. 15.

(9) Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2022, tr. 255.

(10) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 277, 280.

(11) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 284.

(12) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 292.

(13) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 276.

(14) Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, tr. 10.

(15) Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 286.

(16) Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư Phạm, Hà Nội, 2021, tr. 270.

(17) Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, tr. 28-29.

(18) Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, tr. 15.

(19) Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư Phạm, Hà Nội, 2021, tr. 269.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý - Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

[2]. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007.

[3]. Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải.

[4]. Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973.

[5]. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 2000.

[6]. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2022.

[7]. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2021.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cuoc-doi-va-tu-tuong-cua-thien-su-huong-hai-1628-1715.html