Cảng Trần Đề có thể đáp ứng nhu cầu thông qua 32,5 triệu tấn hàng hóa
Bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 24,6 triệu tấn đến 32,5 triệu tấn.
Cảng Trần Đề có thể đón tàu tải trọng “siêu khủng” 160.000 tấn
Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 590/QĐ-BXD quyết định Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 205.
Theo đó, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Mục tiêu đến năm 2030, về hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa từ 30,7 triệu tấn đến 41,2 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,97 triệu TEU đến 1,36 triệu TEU); hành khách từ 522,1 nghìn lượt khách đến 566,3 nghìn lượt khách.

Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng.
Về kết cấu hạ tầng, Sóc Trăng có tổng số 6 bến cảng gồm từ 16 cầu cảng đến 18 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.693 m đến 3.493 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Tầm nhìn đến năm 2050, về hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 %/năm đến 6,1 %/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 %/năm đến 1,25 %/năm.Trong khi đó, về kết cấu hạ tầng sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, trong đó hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng về bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề quy hoạch hàng hóa thông qua từ 24,6 - 32,5 triệu tấn, có 1 bến cảng gồm từ 2 - 4 cầu cảng với tổng chiều dài từ 800 - 1.600m, chưa bao gồm cầu cảng chuyển tiếp phía bờ tại cửa Trần Đề.
Cụ thể, gồm bến cảng phục vụ Khu công nghiệp Trần Đề, có 2 cầu cảng tổng hợp, hàng rời với tổng chiều dài 260m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn, cỡ sà lan, phương tiện thủy trọng tải đến 5.000 tấn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa từ 1 - 1,1 triệu tấn.
Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng có 2 cầu cảng hành khách với tổng chiều dài 83m, tiếp nhận tàu cao tốc trọng tải 200 tấn.
Bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề gồm từ 2 cầu cảng đến 4 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời với tổng chiều dài từ 800 m đến 1.600 m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 24,6 triệu tấn đến 32,5 triệu tấn. Đầu tư các cầu cảng tiếp chuyển phía bờ tại Trần Đề có quy mô và tiến trình đầu tư phù hợp với quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề theo quy hoạch nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác cảng.
Ngoài ra còn đầu tư các cầu cảng tiếp chuyển phía bờ tại Trần Đề có quy mô và tiến trình đầu tư phù hợp với quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi theo quy hoạch, nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác cảng.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.331ha, chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics gắn liền với cảng và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 148.486ha. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỉ đồng, gồm vốn đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 19.607 tỉ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỉ đồng.
Theo quyết định của Bộ Xây dựng, các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư bao gồm kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và bến cảng biển.
Riêng với dự án kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, ưu tiên đầu tư hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi cửa biển Trần Đề, gồm luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển; khu neo đậu tránh, trú bão; đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải…
Tin mừng cho ĐBSCL
Ngày 14/5, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thực sự đây là tin rất vui cho khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Bởi các tỉnh ĐBSCL rất cần một cảng biển lớn để phục vụ phát triển kinh tế. Hơn nữa, việc xây dựng cảng biển Trần Đề còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trong vùng. Từ đó, thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất các ngành hàng phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống cho người dân”.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo Thủ tướng về dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh: H.X/Báo Dân Việt.
Ông Trần Văn Lâu nói thêm, Bộ Xây dựng cũng đã có yêu cầu tỉnh Sóc Trăng chỉ chỉ đạo việc cập nhật các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng.
Sóc Trăng sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch cảng biển và các định hướng phát triển giao thông kết nối cảng biển trong quy hoạch.
Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Cảng Trần Đề sẽ có vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL. Đây là mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Khi cảng biển Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho cả vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.Châu Đốc đến cảng Trần Đề từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất”.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng được biết đến là người rất tâm huyết với dự án cảng biển Trần Đề. Trước đó, ngày 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự án cảng biển Trần Đề tại Cần Thơ. Ông Trần Văn Lâu cho rằng, ĐBSCL rất cần có 1 cảng đầu mối như cảng biển Trần Đề để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng. Qua đó, giúp giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Cảng biển Trần Đề cũng nằm trong quy hoạch của cảng biển Việt Nam, trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị cũng xác định đây là cảng biển cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem quy hoạch chi tiết dự kiến đang trình phê duyệt Cảng biển Sóc Trăng.
Trả lời Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu về dự án cảng biển Trần Đề, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sóc Trăng rà soát lại để làm rõ chức năng, nhiệm vụ cảng; xem xét mối tương quan giữa cảng Trần Đề với các cảng biển khác trong vùng và cả nước, để có báo cáo, đề xuất trình Chính phủ xem xét.
Sau đó không lâu, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 203/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Trong đó, dự án cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng được lưu ý, yêu cầu rà soát. Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng rà soát lại đề xuất phương án đầu tư và nguồn vốn đầu tư cảng Trần Đề, gửi Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2025; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, công năng của cảng Trần Đề trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cần cơ chế đặc thù để huy động đầu tư
Trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường, dưới góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ: “Trước hết cá nhân tôi hết sức ủng hộ chủ trương đầu tư cảng biển Trần Đề. Với tài liệu cơ quan chức năng trình bày tại hội thảo hôm nay, chúng ta thấy rằng đây là dự án có triển vọng rất lớn, không chỉ có ý nghĩa đối với Sóc Trăng mà có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, cảng Trần Đề có thể trở thành con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng từ Campuchia qua Việt Nam ra biển”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc cũng lưu ý rằng, dự án chỉ có thể thành công khi được áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội. Cho dù cảng có tiềm năng lớn, nhưng với cơ chế hiện nay thì chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận đầu tư vào cảng thường không lớn, thu hồi vốn lâu. Hơn nữa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chưa phát triển được sản xuất công nghiệp lớn nên dư địa phát triển cảng còn ở tương lai. Chính vì vậy, qua cuộc hội thảo hôm nay, điều tôi trông đợi nhất là các khuyến nghị về chính sách đặc thù, vượt trội để dự án mang tính khả thi.
Ông Tâm khẳng định: “Tôi tin rằng, với khát vọng phát triển và sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, chúng ta sẽ dần thấy hình hài của cảng Trần Đề - một cảng biển lớn tầm cỡ quốc tế. Đầu tư từ hôm nay là đầu tư cho tương lai con cháu chúng ta”.
Dưới góc nhìn chuyên gia, trả vời VOV, Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Nguyên Chủ Tịch –Tổng thư kí Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định: Thị trường của cảng Trần Đề cực kì lớn, ta nhớ rằng ĐBSCL vận tải chính là đường sông, mà vận tải bằng đường sông thì giá cực kì rẻ. Đồng thời thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà lên tận Phôm – Pênh của Campuchia. Từ trước năm 1975 thì chúng ta đã có tàu 2 ngàn tấn từ ĐBSCL lên được Phôm Pênh mà. Cho nên khi cảng Trần Đề hình thành thì thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà có cả thị trường Đông Bắc Campuchia.
Đa dạng các nguồn lực đầu tư
Về giải pháp huy động vốn đầu tư, Quyết định 590 của Bộ Xây dựng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp