Cây đại thụ của bản
HNN - Với người Pa Cô ở bản Ra Loóc - A Sốc, xã A Lưới 2 (sáp nhập từ các xã: Hồng Bắc, Quảng Nhâm, A Ngo và thị trấn A Lưới), già làng Nguyễn Văn Trình như cây đại thụ. Từng gùi đạn, tải thương vượt Trường Sơn trong kháng chiến, rồi 'gùi' con chữ đến các bản làng sau ngày hòa bình, nay ở tuổi xế chiều, già vẫn lặng thầm 'gùi' yêu thương, 'gùi' khát vọng về một bản làng no ấm, yên vui.

Tuổi cao nhưng già Trình và vợ vẫn miệt mài lao động
Tấm lòng trao lại bản làng
Mặt trời đã lên đến đỉnh ngọn cây. Dọc con đường rộng rãi từ bản Ra Loóc - A Sốc nối lên nương rẫy, thỉnh thoảng một chiếc xe tải chạy ngược về, chở keo vừa khai thác, nhựa cây tỏa mùi thơm. Trên triền đồi mênh mông bắp, sắn, có đôi vợ chồng già cũng vừa thu dọn mấy chiếc cuốc. Mồ hôi ướt áo, chảy ròng ròng trên mặt, nhưng già Nguyễn Văn Trình và vợ vẫn vui vẻ hướng ánh mắt ra phía con đường, ngắm khung cảnh yên bình, nhẹ nhõm.
Trong căn nhà sàn dựng bên ao cá, giữa rẫy, tiếng cười của đôi vợ chồng già hồn hậu như mạch nước suối nơi đầu nguồn, kể những năm về trước, khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất biên cương xa xôi. Vợ chồng già Trình hiến mấy ha đất, đứng “đầu bảng” về số lượng đất hiến cho cộng đồng. Đường chạy ngang đến đâu, mở rộng đến đâu, già Trình không ngại ngần, hiến đất sản xuất và đất vườn nhà đến đó.

Vợ chồng già Trình nghỉ ngơi sau buổi lao động
“Khi chính quyền vận động hiến đất, nhiều người do dự, tiếc nuối. Lúc đó, già Trình là già làng, người có uy tín của bản, không chỉ đi đầu mà còn là người mở lối. Đó không chỉ là đất vườn, đất đồi, mà là tấm lòng già trao cho bản làng. Khi già lặn lội đi từng nhà phân tích, thuyết phục, bà con tin tưởng, không hẳn chỉ vì lời nói già thấm chân tình, mà họ nhìn vào cách sống, sự cho đi của già, rồi noi theo. Những người “khó tính” nhất cũng được khai thông nhận thức, rồi tự nguyện đồng lòng. Dần dần, nhà nào bị ảnh hưởng cũng vui vẻ hiến đất, hiến cây, để những con đường được khai phá, mở rộng thênh thang đón nắng. Lòng người cũng rộng mở đón niềm vui chung”, ông Nguyễn Văn Đẽo, Trưởng thôn Ra Loóc - A Sốc chia sẻ.
Ánh mắt lại hướng ra phía con đường nối từ thôn Ra Loóc - A Sốc lên nương, rẫy, nơi thỉnh thoảng những chiếc xe tải chở keo tràm về bản, xuôi xuống phố, già Trình nói những lời mộc mạc: “Đường này đi qua đất của già dài 2km, rộng 4 mét. Cây keo, cây tràm trên đất chưa đến kỳ thu hoạch, già đều chặt hết để hiến đất cho Nhà nước mở đường. Có đường thì bà con đi lại dễ hơn, xe lên tới tận rẫy keo tràm, bà con cũng không cần phải vất vả gùi sắn, gùi ngô xuống núi nữa”.
Ao cá rộng trong vườn nhà của già Trình cũng nhường chỗ cho con đường mới rải nhựa rộng thênh thang ngang qua, cùng bao nhiêu cây trái đang mùa cho quả. Nhưng vợ chồng già Trình chưa từng tiếc. “Giữ lại đất mà mọi người không có đường đi, lòng già không chịu được. Phải có đường to, đường rộng, khang trang thì bản làng mới khá lên được”, bà Hồ Thị Hương, vợ già Trình nói khi tay đang gọt quả dưa ngọt mới hái từ rẫy mời khách đường xa.
Gắn kết cộng đồng
Có lẽ nghe được thắc mắc trong lòng người đối diện, rằng làm sao có thể hiến vài ha đất và cây cối, tài sản trên đất một cách “nhẹ tênh” như thế, vị già làng Pa Cô cười hiền: “Thời chống Mỹ cứu nước, già là dân công hỏa tuyến, lặn lội gùi đạn, tải thương, mở đường cho bộ đội hành quân qua núi. Bộ đội đánh giặc, mình tiếp sức. Bộ đội ngã xuống, mình cõng về. Biết bao người con ưu tú đã không tiếc máu xương, ngã xuống nơi núi rừng này, vì bản làng nơi đây, vì độc lập, tự do và cuộc sống bình yên hôm nay. Hòa bình rồi, sao mình có thể tiếc đất, tiếc tài sản, không vì lợi ích chung cho được”.

Già làng Nguyễn Văn Trình
Sinh ra, lớn lên trong thở hơi thở của núi rừng, già Trình dành cho mảnh đất đại ngàn biên cương một tình yêu máu thịt. “Đời sống của đồng bào Pa Cô hòa vào đời sống của núi rừng, làng bản nơi đây. Chính vì vậy, trong chiến tranh, già đi gùi đạn, tải thương góp một chút sức giành độc lập. Hòa bình, nghe theo tiếng gọi của Đảng, già băng rừng “cõng” chữ đến các bản xa, đánh “giặc dốt”.
Hồi ấy đường sá khó khăn vô cùng. Từ A Đớt vào Hương Nguyên, già phải lặn lội cả ngày trời mới đến nơi. Vài tháng mới về nhà một bữa. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, đều do một tay bà ấy gánh vác. Đây cũng là một trong những lý do khiến vợ chồng già tuyệt đối ủng hộ chủ trương mở đường để phát triển”, già Trình nói cùng ánh mắt dịu dàng dành cho vợ - người phụ nữ thấu hiểu, cùng chồng cống hiến cho xã hội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã A Lưới 2, già Trình như sợi dây gắn kết cộng đồng. Bà con dân bản tin yêu; chính quyền địa phương yên tâm khi có những già làng, người có uy tín như già Trình đồng hành. Hết tuổi công tác, già Trình rời bục giảng, nhưng chưa một ngày nghỉ ngơi. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hồng Bắc cũ, gần 15 năm qua, già Trình mải miết kết nối những tấm lòng nhân ái, mạnh thường quân, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho những phận đời kém may.
Thông qua già Trình, nhiều người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống. Điển hình là anh Lê Văn Ngân (thôn Lê Ninh) đã mua được máy xay xát, heo, cá, bò giống, phát triển chăn nuôi, vươn lên làm giàu. Kể những câu chuyện vượt khó của người khuyết tật cùng yêu thương chân chất, già Trình chia sẻ, thành công của bà con, cũng là niềm vui trong lòng mình.
Già Trình bảo, mình sống cuộc đời bình lặng như cây rừng. Nhưng hôm ấy, chúng tôi đến vạt rẫy của già Trình trong buổi trưa mênh mông nắng, trước mắt là tít tắp màu xanh của keo, tràm, sắn, bắp… Dưa leo đang cho quả; đậu đũa, đậu cove lủng lẳng trên giàn; bầu bí đang đơm bông; dưới ao cá chép, cá trắm cỏ quẫy nước… Khung cảnh ấy, chúng tôi càng hiểu lời nhận xét của Trưởng thôn Ra Loóc - A Sốc: Già Trình là cây đại thụ trong niềm tin yêu của bản làng, không chỉ có nhiều cống hiến cho cộng đồng mà ở tuổi xưa nay hiếm vẫn là tấm gương sáng, để người dân nơi đây thêm động lực thực hiện khát vọng vươn lên.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/cay-dai-thu-cua-ban-155530.html