Cây xanh đô thị

Anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti có một câu nói được nhiều người biết đến: 'Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, sinh một đứa con và viết một cuốn sách'. Sinh con là để nối dài sự sống, để duy trì sự tồn tại của con người trên Trái đất. Còn viết sách, không gì khác, là để trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà mỗi người tích lũy được cho thế hệ mai sau. Cả 2 việc làm này đều rất ý nghĩa với cuộc sống con người. Còn tại sao lại nên trồng một cái cây? Vì cây không chỉ cho hoa để ngắm, quả để ăn, gỗ làm nhà cửa, đồ dùng mà còn cho bóng mát để nương nhờ khi nắng nóng và quan trọng hơn hết là cho oxy để hít thở. Không có oxy, con người không thể tồn tại để sinh con, viết sách. Bởi vậy mà Jose Marti mới đặt cái việc trồng cây lên đầu tiên trong số những việc mà mỗi người cần làm trong đời.

Cây xanh quan trọng thế nào với đời sống con người thì ai cũng đã rõ. Ở đô thị, nơi con người tập trung đông đúc, lượng phương tiện phát thải khí nhà kính ngày càng nhiều, tốc độ xây dựng diễn ra phi mã, các khu/cụm công nghiệp thi nhau nhả khói, cây xanh càng cần thiết và có ý nghĩa hơn bất cứ nơi nào. Nó không chỉ điều hòa không khí, giảm bớt sự ô nhiễm mà còn giúp con người có nơi để thả hồn thư giãn, vơi đi phần nào sự bức bối, mệt nhọc do áp lực công việc, cuộc sống gây nên. Minh chứng là những ngày cuối tuần hay lễ, Tết, các công viên, vườn hoa ở đô thị luôn rất đông người tìm đến vui chơi. Những người không muốn ở lại đô thị dịp này thì thường chọn vùng ngoại thành, nông thôn lân cận, nơi có nhiều cây xanh, mặt nước để nghỉ ngơi, thư giãn.

Ngoài ý nghĩa vật chất như đã nói ở trên, cây xanh còn được coi là một phần hồn của đô thị, gắn bó với đời sống tình cảm của bao lớp cư dân. Những danh xưng “thành phố hoa phượng đỏ” (Hải Phòng), “xứ ngàn thông” (Đà Lạt)… phần nào đã nói lên điều đó. Người ta tự hào, nhung nhớ về một đô thị, một góc phố nào đó đôi khi bắt đầu từ những hàng cây thân quen, lưu dấu bao kỷ niệm. Ví như khi nhớ về Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhớ ngay đến “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” (Nhớ mùa thu Hà Nội), còn với nhà thơ Phan Vũ thì đó là “mùi hoàng lan”, là “hoa sữa” (Hà Nội phố). Hay như nhớ về TP. Hồ Chí Minh, trong bài thơ “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nghĩ ngay đến “hàng me xanh ngắt”. Còn với nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi nhắc đến Pleiku, ngay sau ấn tượng về Biển Hồ, được ví như “đôi mắt” của thành phố, ông liền nói tới “hàng thông xanh” (Đôi mắt Pleiku)… Còn với tuổi học trò, ký ức đến trường nếu không phải là “chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám” (bài hát Phượng hồng, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng) thì cũng là “một chiều đi trên con đường này/hoa điệp vàng trải dưới chân tôi” (bài hát Con đường đến trường-Phạm Đăng Khương).

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Bởi những ý nghĩa lớn lao cả về vật chất và tinh thần như vậy, cây xanh đô thị luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Trồng cây gì, trồng ở đâu, chăm sóc, quản lý thế nào đều đã được quy định rất rõ trong các văn bản của Nhà nước và chính quyền địa phương. Thế nhưng, chuyện trồng rồi chặt, chặt rồi trồng cây xanh vẫn diễn ra xoành xoạch ở nhiều đô thị trong những năm qua. Hệ quả là dù tốn kém ngân sách khá lớn song nhiều đô thị vẫn thiếu vắng những mảng xanh, chưa định hình được loại cây trồng phù hợp, có giá trị ổn định. Bên cạnh đó, công tác quản lý cây xanh đô thị cũng phơi bày nhiều bất cập khi để xảy ra nhiều vụ cây xanh bật gốc, gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Cách đây hơn 1 tuần, khi một cây phượng ở sân Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ bật gốc ngã xuống khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương, câu chuyện cây xanh đô thị lại được dấy lên. Chính quyền nhiều địa phương đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý cây xanh đô thị nhằm xử lý những cây có nguy cơ mất an toàn. Thế nhưng, trong sự vội vàng, tại một số nơi đã xuất hiện tình trạng “chặt nhầm hơn bỏ sót” cây xanh khiến dư luận phải đặt câu hỏi về những người có trách nhiệm ở đó.

Sân trường nói riêng, đô thị nói chung cần có cây xanh. Nó không chỉ đem lại bóng mát, điều hòa không khí mà còn là một phần hồn của mỗi ngôi trường, góc phố. Quản lý cây xanh đô thị là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Tuy nhiên, không thể chỉ vì chuyện sợ cây đổ, sợ trách nhiệm mà ra tay chặt bỏ cả những cây còn xanh tốt, khỏe mạnh. Bởi nếu làm vậy là lấy cái sai này để sửa chữa một cái sai khác. Cần coi cây xanh như một thực thể sống hữu ích để chăm sóc, bảo vệ chứ không phải một bóng ma để loại trừ.

VĨNH PHÚC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202006/cay-xanh-do-thi-5685462/