CEO Phuc Khang Corporation Lưu Thị Thanh Mẫu: Việt Nam đang rộng cửa phát triển thị trường carbon

Theo CEO Lưu Thị Thanh Mẫu, việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới có rất nhiều mặt thuận lợi, mở ra một thị trường carbon lớn trên bản đồ thế giới.

Ngày 24/1/2025, Thủ tướng ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đề án nhằm phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp.

Tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Sự quan tâm và tham gia của các doanh nghiệp (đặc biệt trong ngành xây dựng) vào Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu (thứ hai từ trái) là chuyên gia tâm huyết tại nhiều hội thảo về các giải pháp hướng đến phát triển công trình xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức trong nhiều năm qua.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu (thứ hai từ trái) là chuyên gia tâm huyết tại nhiều hội thảo về các giải pháp hướng đến phát triển công trình xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức trong nhiều năm qua.

Sớm tiếp cận được xu hướng xanh cùng sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt về tín chỉ carbon, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation cũng bày tỏ nhiều quan điểm thiết thực về thị trường này.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu là một trong những doanh nhân tiên phong kiến tạo những công trình xanh, khu đô thị xanh chuẩn mực, thúc đẩy xu hướng và lối sống bền vững tại Việt Nam.

Xoay quanh câu chuyện phát triển thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã có cuộc trò chuyện với bà Lưu Thị Thanh Mẫu về chủ đề thời sự này.

Thưa bà, để có thể phát triển thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới, về mặt thể chế cần tập trung những nhóm quy định pháp luật nào?

Theo tôi, để có thể phát triển thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào các nhóm quy phạm pháp luật sau: thứ nhất là hàng hóa thị trường carbon; thứ hai là chủ thể tham gia thị trường carbon; thứ ba là hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon và cuối cùng là hệ thống giao dịch.

Cụ thể, đối với nhóm quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon, chúng ta cần quan tâm đến hai loại hàng hóa sau: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và Tín chỉ carbon. Đến nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định về hai loại hàng hóa này.

“Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương (Khoản 33 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020); Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương (Khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020)”.

Tuy nhiên, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon với tính chất là một loại tài sản và hàng hóa, chúng ta cần có những quy định cụ thể và chi tiết hơn trong luật dân sự và Luật bảo vệ môi trường cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Về nhóm quy định pháp luật liên quan đến chủ thể tham gia thị trường carbon, chủ thể tham gia là các tổ chức, cá nhân tham gia vào các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, và các giao dịch tín chỉ carbon.

Các tổ chức tham gia giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính phải là các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/08/2024).

Riêng chủ thể tham gia các giao dịch tín chỉ carbon có thể chia làm ba nhóm, nhóm một là các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/08/2024).

Nhóm hai là tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhóm ba sẽ là tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon. Ngoài ra, nhóm ba có thể còn có chủ thể là các tổ chức hỗ trợ giao dịch trên thị trường.

Để thị trường carbon có thể vận hành, một nhóm vấn đề khác cần được pháp luật quy định, đó là, hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thiết lập để phục vụ việc quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon; xử lý các hoạt động vay mượn, nộp trả, chuyển giao, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, pháp luật cũng cần có các quy định liên quan đến về hệ thống giao dịch như sàn giao dịch carbon, phương thức giao dịch và đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch.

Đối với từng nhóm quy định pháp luật trên, theo bà, cần tập trung vào những nội dung cụ thể nào?

Mỗi nhóm cần quan tâm đến những quy định cụ thể khác nhau, nhưng về cơ bản, theo tôi, pháp luật cần tập trung vào những nội dung cụ thể như sau.

Đối với nhóm quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon cần quy định các vấn đề như: Xây dựng quy định về quản lý tín chỉ carbon; Xây dựng quy định và tổ chức đánh giá, công nhận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế; Quy định về chủ thể có thẩm quyền xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon của thị trường carbon trong nước; Cuối cùng là xây dựng các quy định về đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Về nhóm quy định pháp luật liên quan đến chủ thể tham gia thị trường carbon, pháp luật cần tập trung các vấn đề. Thứ nhất là Quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Thứ hai là Quy định về các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; cuối cùng là Quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon, các tổ chức hỗ trợ giao dịch trên thị trường carbon.

Đối với nhóm quy định pháp luật liên quan đến hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon và sàn giao dịch, pháp luật cần quy định như, Các quy định liên quan đến thiết lập, quản lý và vận hành hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các quy định về sàn giao dịch carbon trong nước.

Các quy định về hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon. Cuối cùng là các quy định liên quan đến kết nối sàn giao dịch carbon trong nước với thị trường tín chỉ carbon khu vực và thế giới, chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế trong giai đoạn vận hành chính thức thị trường carbon.

Ngoài ra, theo tôi, pháp luật cũng cần có thêm các nhóm quy định liên quan đến các vấn đề như công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo liên quan đến thị trường carbon.

Các quy định về kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính trong các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Các quy định về mua bán, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Các quy định về thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ có liên quan đến thị trường carbon và nghiên cứu về quản lý, sử dụng nguồn thu từ đấu giá hạn ngạch.

Quy định bổ sung hành vi vi phạm, biện pháp xử lý hành chính liên quan đến thị trường carbon.

Việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới, theo bà, có những thuận lợi và khó khăn nào?

Theo tôi, việc xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới có rất nhiều mặt thuận lợi.

Cụ thể, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển thị trường carbon làm tiền đề xây dựng các quy định từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án quản lý phát thải khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ carbon, tạo nền tảng cho phát triển thị trường carbon ở Việt Nam (Quyết định số 1775/QĐ - TTg ngày 21/11/2012).

Phát triển thị trường carbon tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 24-NQ/TW 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị (2019), và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị (2020), khẳng định vai trò quan trọng của thị trường carbon trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Gần nhất đây là Quyết định số 232/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, bước đầu đã có những quy định điều chỉnh nội dung cụ thể của thị trường carbon như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong hầu hết các lĩnh vực: giao thông vận tải (Thông tư số 63/2024/TT-BGTVT), xây dựng (Thông tư số 13/2024/TT-BXD); chất thải (Thông tư số 28/2023/TT-BTNMT), một phần trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất là chăn nuôi (Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT) và lâm nghiệp (Thông tư số 23/2023/TT-BNNPTNT); năng lượng, các quá trình công nghiệp (Thông tư số 38/2023/TT-BCT).

Lợi thế nữa đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi để tạo tín chỉ carbon, một loại hàng hóa trên thị trường carbon. Chẳng hạn, theo tính toán của Cục Lâm nghiệp, với diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hơn 42%, thì nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Bên cạnh những thuận lợi, theo tôi, cũng có rất nhiều khó khăn, vì đây là thị trường mới nên cần xây dựng mới các quy định có liên quan. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ mới có các quy định ban đầu, các quy định chi tiết như về quyền sở hữu, trình tự, thủ tục giao dịch, định giá, xử lý vi phạm thì cần được cụ thể hóa.

Vẫn còn hạn chế về nhận thức của cán bộ công chức nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Do đây là một thị trường mới nên số lượng và chất lượng nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án carbon và thẩm định tín chỉ hiện này còn thiếu.

Cuối cùng là việc phát triển thị trường carbon cần phải thực hiện theo lộ trình mà chưa thể áp dụng được ngay. Tại Quyết định số 232/QĐ-TTg chia thành các giai đoạn phát triển thị trường carbon trong nước xác định từ năm 2025 mới chỉ thực hiện thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước, dần dần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến năm 2029 mới chính thức vận hành.

Với tư cách là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bất động sản xanh ở Việt Nam, bà có những định hướng chiến lược nào của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính nói chung và góp phần phát triển vào thị trường carbon ở Việt Nam nói riêng trong thời gian tới?

Ngay từ ngày đầu thành lập, Phuc Khang Corporation đã xác định một sứ mệnh, đó là “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”. Chúng tôi đã đầu tư xây dựng Dự án chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside được thiết kế, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED (USGBC) và LOTUS (VGBC).

Theo đó, công trình xanh (Green Building) là công trình được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình. Do đó, công trình xanh là một trong những công cụ giúp giảm khí nhà kính.

Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các dự án công trình xanh để góp một phần vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chiến lược này được áp dụng theo các loại hình và phân khúc dự án phù hợp, hướng đến việc áp dụng tiêu chuẩn xanh cho các khu đô thị mới Phuc Khang Corporation sẽ phát triển.

Trong quá trình triển khai dự án, ưu tiên hàng đầu của Phuc Khang Corporation là sử dụng vật liệu xây dựng địa phương, nhằm giảm sự tiêu thụ năng lượng gây phát thải khí nhà kính trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến dự án. Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên lựa chọn các vật liệu như gạch không nung nhằm giảm phát thải khí nhà kính so với các loại gạch nung hiện nay.

Gia Huy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ceo-phuc-khang-corporation-luu-thi-thanh-mau-viet-nam-dang-rong-cua-phat-trien-thi-truong-carbon-d248722.html