Chạy đua đơn hàng vào thị trường Mỹ
Sau những quan ngại ban đầu về mức thuế đối ứng của Mỹ, doanh nghiệp Việt đang tập trung hoàn thành các đơn hàng cũ để nhanh chóng xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị phương án cho mức thuế mới.

Doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để ổn định xuất khẩu. Ảnh: U.P.
Tăng tốc hoàn thành các đơn hàng
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trong tháng 4/2025, ngành dịch vụ của thành phố đã tăng trưởng đột biến nhờ hàng loạt hoạt động kích cầu văn hóa, du lịch và thương mại được tổ chức thành công. Song song đó, các lĩnh vực công nghiệp và xuất nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý rằng, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn khi các doanh nghiệp (DN) tranh thủ gia tăng sản lượng và xuất khẩu trong thời gian Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để phục vụ cho đàm phán thương mại. Do vậy, các tín hiệu tích cực cần được nhìn nhận một cách thận trọng.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngành dệt may đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,6% trong quý I/2025. Thế nhưng, ngay sau đó, các DN đã bắt đầu cảm nhận rõ áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ - thị trường chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành. “Chúng tôi đang hoạt động hết công suất, đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng trước thời điểm ngày 9/7, thời hạn tạm hoãn áp thuế đối ứng kết thúc”, ông Việt chia sẻ đồng thời nhìn nhận, trong dài hạn, nếu Mỹ áp mức thuế mới đồng đều cho các quốc gia (ví dụ 25% cho cả Việt Nam và Mexico) thì dệt may Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng hơn, bởi hiện nay Mexico được hưởng thuế suất 0%, trong khi Việt Nam đang phải chịu tới 15,2%. Nhận định xu hướng thị trường xuất khẩu ông Việt khẳng định, bước vào quý III, khi thuế mới được áp dụng chính thức, cuộc chơi sẽ khốc liệt hơn. Để ứng phó, ngành đã chủ động chia sẻ đơn hàng nội bộ, đa dạng nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới. Về lâu dài, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chủ động nguồn cung là yếu tố sống còn.
Đối với ngành gỗ và nội thất, tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ cũng không hề nhỏ. Ông Phùng Quốc Mẫn - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ TPHCM khẳng định, khi Mỹ áp thuế bổ sung, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tái tính toán chiến lược. Riêng các DN xuất khẩu trong nước, về ngắn hạn đang gấp rút hoàn thiện các đơn hàng hiện có. Phương án mang tính dài hạn, các bên đã bàn về cơ chế chia sẻ chi phí thuế với đối tác (theo hình thức 50:50 hoặc ba bên cùng gánh). Ông Mẫn cho biết thêm, năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ hơn 16 tỷ USD, trong đó xuất vào Mỹ là 9 tỷ USD, chiếm khoảng 55%. Sau những quan ngại ban đầu, DN cũng đang tập trung giải quyết hết hàng hóa, đồng thời chuẩn bị phương án cho mức thuế mới. Hiệp hội cũng đã có những khảo sát để lắng nghe ý kiến cũng như đề xuất của 50 hội viên lớn và tổ chức gặp 20 DN FDI có doanh số xuất khẩu lớn; gặp 20 nhà mua hàng của Mỹ để chia sẻ thông tin, giải pháp ứng phó. Trong đó, minh bạch xuất xứ nguyên liệu được xem là “lá chắn” quan trọng để duy trì uy tín và giảm thiểu rủi ro.
Tái cơ cấu chuỗi cung ứng
Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế lần này nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn trong việc đánh giá tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm nhằm giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường có nguy cơ rủi ro cao. Đơn cử, ngành dệt may cần thiết phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, từ khâu đầu vào đến đầu ra, để tránh phụ thuộc vào những thị trường có nguy cơ rủi ro cao. Một trong những chiến lược trọng tâm là đẩy mạnh nội địa hóa, từ mức khoảng 20 – 30% hiện nay lên ít nhất 60% trong thời gian tới, bao gồm cả việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước. “Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ nguyên liệu là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải thực hiện bằng được tiêu chuẩn về xuất xứ, tránh để tình trạng DN trong nước bị động hoặc trở thành điểm trung chuyển cho các nguồn nguyên liệu không minh bạch, như một số ý kiến đã từng cảnh báo. Nếu không làm tốt, hệ lụy sẽ rất lớn đối với toàn ngành” - ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, DN nên tái định hướng đầu tư cho thị trường nội địa, vốn được xem là điểm tựa chiến lược trong giai đoạn nhiều biến động. Theo ông An, DN Việt Nam cần hướng tới việc làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất từ A - Z. Đây là một thách thức không nhỏ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được với quyết tâm và chính sách hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, nhà nước cần lựa chọn những ngành hàng, sản phẩm cụ thể để tập trung phát triển, đồng thời có chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho một số DN đầu tàu, có tâm huyết và năng lực để tiên phong triển khai. Tránh tình trạng chỉ hô hào chung chung mà không có hành động cụ thể sẽ rất khó thành công.
Định hướng phát triển, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, trong bối cảnh chính sách thuế mới của Mỹ, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội về thu hút đầu tư, mở rộng thị phần có thể mở ra nếu đàm phán hiệu quả. Tuy nhiên, thách thức cũng sẽ rất lớn nếu thuế quan bị áp ở mức cao. “Chính phủ cần tận dụng tốt cơ hội đàm phán, đưa ra các cam kết và giải pháp cụ thể để đạt được thuế suất hợp lý. Đồng thời, phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực tự chủ, tự lực và tự cường”- ông Lực khuyến nghị. Đối với cộng đồng DN, ông Lực chia sẻ, đây là thời điểm để đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như tối ưu hóa các chính sách hỗ trợ hiện hành như giảm phí, giảm thuế VAT… Đặc biệt, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và thông tin với đối tác sẽ là yếu tố quan trọng để tăng niềm tin và giảm rủi ro trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chay-dua-don-hang-vao-thi-truong-my-10305815.html