Chè chốt 468 – Một tách trà, một lát cắt lịch sử
Khi sương sớm còn đọng trên những lá chè Shan tuyết phủ lông trắng ở thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy, tỉnh Tuyên Quang, không khí đồi chè đã rộn rã tiếng cười nói của bà con lên nương từ sớm. Trong khung cảnh thanh bình ấy, ông Lý Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã trồng và chế biến chè Thanh Thủy lặng lẽ đi giữa nương chè, quan sát từng búp non được hái xuống. Với ông, đây không chỉ là công việc mà còn là hành trình gìn giữ một ký ức.
K
hi sương sớm còn đọng trên những lá chè Shan tuyết phủ lông trắng ở thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy, tỉnh Tuyên Quang, không khí đồi chè đã rộn rã tiếng cười nói của bà con lên nương từ sớm. Trong khung cảnh thanh bình ấy, ông Lý Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã trồng và chế biến chè Thanh Thủy lặng lẽ đi giữa nương chè, quan sát từng búp non được hái xuống. Với ông, đây không chỉ là công việc mà còn là hành trình gìn giữ một ký ức.

Đồi chè Nà Toong lúc sương sớm.
Những gốc chè Shan tuyết nơi đây có tuổi đời 100 năm, mọc tự nhiên ở độ cao gần 1.000m. Thân cây sù sì, bám vào sườn núi đá vôi, tán lá rộng và búp phủ lông trắng, tất cả như kết tinh khí trời biên cương. Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng đất này từng tan hoang, không một bóng người. Nhưng thật lạ kỳ, những gốc chè vẫn bám trụ, bật mầm, như chính tinh thần của người lính từng chiến đấu ở đây.

Cận cảnh búp chè Shan tuyết phủ lông trắng.
Ông Phúc kể: “Hồi trở lại sau chiến tranh, tôi thấy rừng im phăng phắc, đất vẫn còn hằn dấu hầm hào, nhưng những cây chè thì vẫn sống. Tôi nghĩ, nếu thiên nhiên không chịu lùi bước, thì mình cũng không được phép bỏ cuộc.”

Không phải ngẫu nhiên mà cái tên “Chè Chốt 468” ra đời. Nó là kết tinh của một vùng đất, một dòng máu và một tấm lòng. Nơi mà những cây chè trăm tuổi đang vươn lên hôm nay, từng là chiến trường sinh tử quanh Điểm cao 468 - một địa danh quân sự ghi dấu bao mất mát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 -1989.

Trong suốt một thập kỷ, các điểm chốt quanh Điểm cao 468 là nơi bộ đội ta bám trụ, chiến đấu, hy sinh để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng. Bom đạn cày xới, có những nơi đạn pháo nung đá tai mèo chảy thành “lò vôi thế kỷ”, nhưng những cây chè bị đạn pháo phạt đứt ngang vẫn đâm chồi, nảy lộc. Những người lính sống giữa thiếu thốn, hiểm nguy vẫn giữ tinh thần lạc quan: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Trong khoảng lặng hiếm hoi giữa các trận pháo kích, họ hái búp chè còn đọng sương, phơi trên đá, sao bằng vung nồi, mũ sắt; pha với nước núi mát lạnh. Giữa chiến hào khét mùi thuốc súng, một ấm chè giản dị trở thành biểu tượng của tình đồng đội và sự sống còn.

Năm 2017, ông Phúc bắt tay xây dựng Hợp tác xã trồng và chế biến chè Thanh Thủy. Đến 2018, ông quyết định đặt tên cho dòng sản phẩm đặc biệt nhất là “Chè Chốt 468”. Một cái tên không cầu kỳ, không thương mại, nhưng gói trọn ký ức, tri ân và lòng biết ơn.

Sản phẩm chè mang theo tâm nguyện ấy không chỉ chạm đến vị giác, mà còn chạm đến trái tim của người thưởng trà những ai từng khoác áo lính, hoặc đơn giản là những người yêu vùng đất thiêng liêng mang dáng hình Tổ quốc.
Không chỉ làm chè, ông Phúc còn dành tâm huyết truyền nghề cho thế hệ sau. Con trai ông giờ tiếp quản quy trình sao chè. Những đứa cháu nhỏ trong nhà mới 6, 7 tuổi đã biết chọn búp non, gói chè đúng cách. Cả gia đình như một dây chuyền tự nhiên, kết nối từ đồi chè đến gian bếp, từ bàn tay thô ráp đến tách trà thơm mát.


HTX hiện đã có 13 thành viên, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài sản xuất, HTX còn phát triển du lịch cộng đồng: Mở tour hái chè, sao chè, thưởng trà để du khách không chỉ được trải nghiệm công việc hái chè, sao chè và thưởng trà, mà đến đây họ còn được nghe những câu chuyện năm xưa và được chạm vào một phần lịch sử bằng những cảm xúc chân thật nhất. Giữa làn sương mỏng bao phủ đỉnh đồi, tiếng kể chuyện của người già vang lên chậm rãi nhắc lại một thời khói lửa, nơi từng là chiến hào năm xưa, giờ hóa thành đồi chè bình yên.


Giữa thị trường trà đầy cạnh tranh, “Chè Chốt 468” không ồn ào quảng bá, không rực rỡ bao bì, nhưng lại khiến người uống nhớ mãi. Vì trong mỗi tách trà, người ta tìm thấy câu chuyện của đất, của người, của ký ức.
Chè không chỉ mang vị ngọt thanh, chát nhẹ hay hương sâu khó quên. Đó là một lát cắt của lịch sử, một cách tưởng nhớ người đã khuất, một cách kể chuyện bằng hương vị. Trong mỗi giọt trà vàng óng ấy là mồ hôi của người làm đất, máu của người lính năm xưa, và tâm huyết của một gia đình Hà Giang luôn hướng về cội nguồn.

Giữa một thị trường nhiều lựa chọn, “Chè Chốt 468” không cần lời hoa mỹ. Chính ký ức lịch sử và bàn tay cần mẫn của người dân nơi đây đã tạo nên sức sống riêng, khiến ai từng uống qua đều nhớ mãi
Thực hiện: Mai Ánh - Viên Sự