Chiều trên dòng Nhiêu Lộc hay là kỷ niệm của một 'người trong cuộc'

LTS: Tác giả Anh Vũ là người đã có những ký ức thời thơ ấu gắn bó với dòng kênh Nhiêu Lộc từ thập niên 50 của thế kỷ trước và sau đó, ông cũng có cơ duyên tham gia công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời giữa thập niên 90. Nhân kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước 30.4, tác giả Anh Vũ chia sẻ những kỷ niệm về dòng kênh với tư cách một 'người trong cuộc'. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

* * *

Người ta gọi đó là một con kênh (kinh). Nhưng không ít người gọi là rạch Nhiêu Lộc. Trên các bản đồ từ thời Pháp có mặt ở Sài Gòn, thì ghi đó là kênh - rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo những gì tôi còn nhớ được (do tuổi tác đã cao) từ các tư liệu hơn ba mươi năm trước, đây là một con rạch tự nhiên, uốn lượn qua 5 quận, huyện của thành phố, thượng nguồn ở quận Tân Bình và hạ nguồn ở quận 1.

Qua nhiều thời gian, con rạch dần được chính quyền và người dân nạo vét, khơi rộng thêm trở thành một dòng chảy: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Và mọi người quen gọi đó là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chiều dài khoảng 9-10 cây số, bề ngang chừng 20 mét.

Chạy dọc theo suốt chiều dài con kênh sau khi được cải tạo, ngày nay đây là địa điểm lý tưởng để người dân đến tập thể dục, đi dạo, hóng gió...

Chạy dọc theo suốt chiều dài con kênh sau khi được cải tạo, ngày nay đây là địa điểm lý tưởng để người dân đến tập thể dục, đi dạo, hóng gió...

Một dòng sông xanh xanh…

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước (khoảng 1955), tôi còn là cậu học sinh tiểu học và bắt đầu học đệ thất (lớp 6 - hệ 12 năm). Hàng ngày đi học từ Phú Nhuận qua cầu Kiệu đến trường ở quận 3 (gần chợ Tân Định) bằng xe ngựa, điều mà tôi thích thú nhất là nhìn thấy “dòng sông” ở hai bên cầu. Người ta gọi đó là sông cầu Kiệu, sông cầu Công Lý, hoặc sông cầu Trương Minh Giảng, nếu đi qua các hướng ấy. Dòng nước trong xanh, gờn gợn sóng, cảm thấy dễ chịu trong buổi trưa oi ả. Tôi rất yêu thích “dòng sông” ấy và ý tưởng này đeo đuổi tôi suốt quãng tuổi thanh xuân thời trung học.

Năm 1956-1957, có lần tôi được một anh bạn học rủ cùng vài bạn nữa đến nhà chơi. Ngôi nhà trong xóm Bến Tắm Ngựa và Xóm Lách rộng rãi, tuy đơn sơ nhưng rất đẹp trong mắt chúng tôi. Anh bạn Tuấn dắt chúng tôi đi theo một lối mòn chừng năm mươi mét xuống bờ sông.

Bến sông có một giải rau muống xanh mướt, một chiếc thuyền gỗ nhỏ neo đậu sát bờ. Bốn cậu học trò có một buổi chiều vui đùa thỏa thích: Chèo thuyền hái rau muống non để gia đình Tuấn bỏ mối cho lái buôn. Dòng nước trong xanh, mát rượi quyến rũ chúng tôi quá, chẳng cần rủ nhau cả bốn đứa trần truồng nhảy ùm xuống nước bơi lội đến chiều mới chịu leo lên thuyền (ghe) mặc lại áo quần.

Đây là kỷ niệm không thể quên trong đời tôi!

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời trước 1993 khi chưa tiến hành cải tạo.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời trước 1993 khi chưa tiến hành cải tạo.

Áp lực công việc và nỗi niềm chia sẻ với người dân

Sau 1975, tôi được tuyển dụng vào ngành quản lý nhà đất của thành phố và 1980 được thuyên chuyển về quận 3. Do tính chất của công việc, tôi được phân công là đội phó đội quản lý nhà, được cử đi học những khóa học ngắn hạn của ngành xây dựng và ngành quản lý nhà đất.

Khoảng năm 1993, thành phố bắt đầu khởi động thực hiện dự án “cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” nằm trên địa bàn 5 quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Quận 3 là trọng điểm của dự án vì số lượng nhà dân bị ảnh hưởng cao nhất (hơn 6.000 căn) trên khoảng hơn 4 cây số ở hai bên bờ kênh.

Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ tham gia công tác lớn này của quận. Bộ máy điều hành và thực hiện được thành lập: Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng công trình với đại diện 14 phường cùng mặt trận tổ quốc, quận đội, công an, nhà đất…

Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc với số cán bộ nhân viên kỹ thuật - nghiệp vụ chính thức là 25 người, tuyển dụng thêm khoảng 70 người hầu hết là sinh viên đại học để điều tra xã hội học về các vùng giải tỏa hai bên bờ kênh. Công việc này kéo dài gần 8 tháng, diễn ra mỗi ngày từ 7 đến 21 giờ, không nghỉ ngày chủ nhật. Trung bình mỗi ngày tôi tham gia từ 2 đến 4 buổi họp từ cấp phường, quận lên đến thành phố.

Thời gian bệnh thấp khớp hành, tôi phải mua thuốc Bắc, nhờ cô Th. tạp vụ sắc giúp ngày hai lần uống, cả năm trời. Công việc thật vất vả, ngoài việc điều tra cơ bản, lập hồ sơ trình duyệt các cấp, tiếp dân, chúng tôi còn phải lập thủ tục đền bù tiền, cho mượn nhà hoặc trợ cấp tiền thuê nhà ở tạm cho dân…

Lắng nghe và chia sẻ nỗi niềm của người dân là công việc của chúng tôi. Mỗi nhà mỗi cảnh, có cả la mắng, quát tháo, nước mắt cả hai phía có lúc cùng rơi.

Những người làm trực tiếp như chúng tôi chịu áp lực từ mọi phía: Thanh tra - kiểm tra - tái kiểm tra - giải trình cho các cấp thẩm quyền… có lúc tưởng chừng không chịu đựng nổi!
Năm 1998, tôi xin từ chức khi kết quả thực hiện đạt 80%. Cũng phải mất mấy năm sau dự án mới tạm thời khép lại, nhường chỗ cho việc thực hiện một số hạng mục khác.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong quá trình thi công.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong quá trình thi công.

Những gì còn đọng lại

- Từ một dòng sông nước trong xanh, con kênh đã bị chiếm dụng quá nhiều. Hai bên bờ, cạnh các cây cầu là những khu nhà ổ chuột, là những mảnh đời cơ cực, lầm than.

- Dòng kênh từ bề ngang 20 mét, nhiều nơi thu hẹp lại chỉ còn 4 mét. Rau muống, cỏ, rác tràn lấp mặt nước.

- Tệ nạn tràn lan trên mỗi khu, các gia đình cơ nhỡ sống chung với nhau trong hoàn cảnh đó một cách cam chịu.

Cho đến nay hầu như các hình ảnh ấy đã biến mất. Dòng nước chưa trong xanh được như xa xưa, nhưng cũng không còn đen ngòm, đặc quánh. Đã có thể thả cá. Đã có thể ra bờ kênh mỗi sáng, mỗi chiều để tập thể dục, đi bộ, hóng gió…

Kết quả đạt được thực sự là một điều đáng tự hào.

Và ước mơ về một dòng kênh không ô nhiễm

Đây là mơ ước của người dân, không phải ước mơ của riêng tôi. Ai cũng muốn bày tỏ sự cương quyết bảo vệ dòng nước của con kênh, không rác và không ô nhiễm. Ai cũng mong chính quyền sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào việc mở rộng hai con đường ven kênh, nâng cao tất cả các cầu ngang dòng nước.

Riêng tôi, đứng trên tầng cao nhất của ngôi chùa Pháp Hoa, một buổi chiều nắng vàng, nhìn về phía cầu Lê Văn Sỹ, dòng chảy lăn tăn gợn sóng phản chiếu bầu trời, tôi thấy lòng mình êm ả biết bao!

(Chiều tháng Ba, 2024)

Bài: Anh Vũ - Ảnh: TL KT&ĐS

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chieu-tren-dong-nhieu-loc-hay-la-ky-niem-cua-mot-nguoi-trong-cuoc-43423.html