Chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những ưu tiên chiến lược của Thủ đô Hà Nội. Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo cơ hội để Hà Nội có chính sách đặc thù, chủ động hơn trong lĩnh vực này.
Đây là ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT khi trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị về thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Chất lượng giáo dục phổ thông là xương sống
Ông có thể cho biết, để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội thì cần thực hiện những giải pháp gì?
- Hiện nay khái niệm nhân lực chất lượng cao chưa được định nghĩa minh bạch. Có những ý kiến cho rằng, nhân lực chất lượng cao là người học đại học, tiến sĩ. Nhưng, theo tôi nghĩ, đào tạo trình độ cao, ví dụ như đại học mà không gắn với thực tiễn, không làm tăng năng suất, không biết học suốt đời thì không thể gọi là nhân lực chất lượng cao.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT.
Hà Nội có định hướng song song với đào tạo nhân lực có trình độ cao, chất lượng cao thì đào tạo nghề trình độ cao đẳng cũng là bước đi rất đúng hướng. Để Hà Nội đào tạo nhân lực cao, thứ nhất là các trường cao đẳng, đại học có nguyên liệu đầu vào tốt, thứ hai là giảng viên, thứ ba là cơ sở vật chất, tiếp nữa là cách chính sách, cơ chế ưu đãi. Đó là các điều kiện bảo đảm cho Hà Nội có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nhưng Hà Nội không nên đặt ra việc phân luồng theo tỷ lệ cứng, mà phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Hà Nội cần coi chất lượng giáo dục phổ thông là xương sống của nhân lực chất lượng cao. Bởi trong thời đại công nghệ số, nền tảng giáo dục phổ thông vô cùng quan trọng để mỗi người cập nhật nhanh được tri thức, kỹ năng... như vậy mới tăng được năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hà Nội là một trong hai TP lớn có rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn. Do đó, Hà Nội nên có những đặt hàng, đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu để giải quyết những vấn đề thực tiễn của Thủ đô trong 5 năm và 10 năm nữa. Luật Thủ đô cho phép Hà Nội có chính sách đặc thù, chủ động hơn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành lập mô hình liên minh các trường cao đẳng
Hiện nay một số trường cao đẳng được UBND TP Hà Nội đầu tư đào tạo những ngành nghề trọng điểm. Ông theo dõi thì việc đầu tư này mang đến kết quả ra sao?
- Tới đây, khi sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp thì phải tính đến câu chuyện phân luồng. Hà Nội nên xem Thủ đô có cái gì riêng, thế mạnh là gì để phát huy, xác định nhu cầu. Đặc biệt, Hà Nội có chất lượng giáo dục bảo đảm nhưng vẫn có chênh lệch giữa nội thành và ngoại thành, phải sớm khắc phục. Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông khá tốt nhưng đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp thì không đồng đều. Giảng viên và cán bộ quản lý là yếu tố mang tính sống còn đối với các trường đào tạo nhân lực. Khi nhà trường có cán bộ quản lý tốt thì sẽ đào tạo nhân lực tốt và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Bên cạnh cán bộ quản lý, giảng viên, thiết bị là yếu tố quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Do đó, các trường cao đẳng phải tăng cường hợp tác với DN, mời chuyên gia DN về giảng dạy. Về nội dung này, tôi thấy các trường làm tốt có thể kể đến như: Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Về chính sách hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP, ngoài những ngành nghề Nhà nước đang quan tâm đầu tư, Hà Nội thấy cần nhân lực ngành nghề nào cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới thì bổ sung, ví dụ như vi mạch bán dẫn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, du lịch – văn hóa... Bên cạnh quy định chung của Nhà nước, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù riêng, người học có cam kết phục vụ cho Thủ đô.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT
Tuy nhiên, Hà Nội muốn phát triển mạnh hơn thì nên có mô hình liên minh các trường cao đẳng (gồm 3 – 4 trường), như mô hình của Singapore thành lập viện giáo dục kỹ thuật hay viện giáo dục công nghệ. Mô hình này tận dụng thế mạnh của từng trường trong quan hệ DN, nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất; không bị chồng chéo các ngành/nghề chất lượng cao.
Khi Hà Nội thành lập liên minh các trường cao đẳng thì cho phép họ thành lập hội đồng viện để có tầm ảnh hưởng lớn hơn, hợp tác với DN mạnh hơn. Tất nhiên, các trường trong viện đó được tự chủ nhiều hơn, trách nhiệm giải trình rõ hơn
Hình thành những trung tâm đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao
Thưa ông, trong Luật Thủ đô năm 2024 nói đến việc Hà Nội có chính sách hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Theo ông, Hà Nội nên đầu tư mấy trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao?
- Nếu Hà Nội có tổ hợp các trường cao đẳng thì thành lập những trung tâm về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, để phát huy sức mạnh của nhau. Hà Nội cũng có thể thành lập trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao ở trường đại học công nghệ để chuyển giao công nghệ mới nhất. Những trường đại học công nghệ này sẽ đào tạo giáo viên dạy nghề công nghệ cao.

Giờ thực hành nghề của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Hiện nay, Hà Nội chỉ nên thành lập 1 – 2 trung tâm đào tạo kỹ năng để làm nhiệm vụ đào tạo lại cho những người đã tốt nghiệp trường nghề và đào tạo cho công nhân nâng cấp kỹ năng nghề, kỹ năng số... Những trung tâm đào tạo kỹ năng này nằm trong các trường cao đẳng nào thì Hà Nội lựa chọn.
Cũng cần có dự án đầu tư cho trường cao đẳng có thế mạnh để hình thành trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao hoặc là trung tâm đào tạo chất lượng cao và chuyển giao công nghệ. Những trung tâm này không chỉ đào tạo nhân lực cho Hà Nội và các tỉnh khác có thu phí để dần tự chủ trong hoạt động.
Về phía các trường cao đẳng cần thực hiện những giải pháp gì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội?
- Thứ nhất, các trường cao đẳng, cao đẳng nghề phải hoàn thiện bộ máy, chọn đội ngũ kế cận trong 5 – 10 năm tới. Thứ hai, các trường cao đẳng, cao đẳng nghề tăng cường quảng bá hình ảnh của mình để hợp tác với DN, mời DN tham gia tư vấn, xây dựng chương trình đào tạo.
TP Hà Nội nên có những chương trình đào tạo cán bộ quản lý cho hiệu trưởng các trường nghề theo hướng hiện đại, vì hiện nay họ quản lý theo kinh nghiệm là chính. Đồng thời tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp sở, các trường và cấp xã, phường.
Luật Thủ đô năm 2024 tạo cơ hội để Hà Nội có chính sách đặc thù, chủ động hơn trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tăng cường hợp tác giữa các trường, DN để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.