Chùa Đán - Đại bản doanh quân chủ lực giải phóng Thái Nguyên

Năm 2011, chùa Đán, ngự ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng, chùa Đán còn là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trong ngôi nhà sàn cạnh chùa Đán, bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quanh năm ấm khói hương.

Trong ngôi nhà sàn cạnh chùa Đán, bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quanh năm ấm khói hương.

Những ngày tháng Tám lịch sử, cờ hoa rợp khắp phố phường càng thôi thúc lòng người phấn chấn thi đua, lập thành tích chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Trong không khí ấy, nhiều người nhắc nhớ đến chùa Đán - Đại bản doanh quân chủ lực tập kết, bàn phương án tác chiến tiến vào giải phóng TX. Thái Nguyên.

Ngược dòng lịch sử, ngày 16/8/1945, từ Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang), một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam tiến về giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước. Trên đường “Thái Nguyên tiến”, Quân giải phóng đã tập kết tại xóm Đình, xã Cù Vân (Đại Từ). Ngay sáng ngày hôm sau (17-8), thay mặt Ủy ban Giải phóng toàn quốc, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng công bố thành lập Ủy ban Giải phóng; Hội Thanh niên cứu quốc; Hội Phụ nữ cứu quốc xã Cù Vân, thông báo lệnh tổng khởi nghĩa giành độc lập, rồi tiếp tục dẫn đoàn quân về lập đại bản doanh tại chùa Đán.

Một khí thế ngút trời, những nông dân nón lá, áo tơi với vũ khí thô sơ hăng hái hưởng ứng Quân giải phóng. Những nam, nữ đăng tên vào đoàn quân, những người cao niên hơn tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm. Đoàn quân lớn nhanh, lớn mạnh với “Trùng trùng quân đi như sóng”, vừa tiến quân, vừa tập hợp bổ sung lực lượng, sẵn sàng tổ chức chiến đấu.

Theo lời kể của các cao niên: Trước ngày kháng chiến bùng nổ, vùng đất Thái Nguyên đã có nhiều hội, nhóm yêu nước được cán bộ của Đảng bí mật xây dựng chuẩn bị cho ngày giành lại chính quyền. Thành viên các nhóm đến từng nhà vận động bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến. Tất cả diễn ra trong bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chính vì thế, trong nhân dân đã có sự chuẩn bị về lương thực, thực phẩm, sẵn sàng tiếp tế cho đội quân cách mạng.

Bao năm lầm than, sống đời nô lệ của người dân mất nước, nên việc Quân giải phóng về giành lại chính quyền từ tay thực dân xâm lược được các tầng lớp nhân dân hào hứng ủng hộ. Tại chùa, ngày 19-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn bạc, thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lỵ Thái Nguyên.

Tối 19-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời, gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư.

Từ sáng sớm ngày 20-8, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến đánh phát xít Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên. Cũng ngay chiều hôm ấy, Sân vận động TX. Thái Nguyên diễn ra một sự kiện trọng đại: Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn do phát xít Nhật dựng lên, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.

Những ngày “đất nước đứng lên”, giành chính quyền từ tay thực dân đã được tạc khắc vào sử xanh. Và còn đó tên đất, tên người dưới mái chùa Đán linh nghiêm. Một mái chùa từng là nơi chốn đi về an toàn của bao cán bộ, đảng viên trong thời kỳ nước mất, nhân dân sống cảnh lầm than nô lệ. Cũng bởi sự an toàn giữa lòng dân, nên chùa được Quân giải phóng lựa chọn làm đại bản doanh chỉ huy các trận công đồn làm giặc Nhật và quân tay sai khiếp đảm…

Dưới hiên chùa, nghe tiếng mõ rơi về miền hư không như dìu lòng người về miền quá khứ. Xưa kia chùa Đán cổ kính ẩn mình dưới tán rừng thông. Công trình lớn nhất có nhà Tam bảo gồm 5 gian rộng rãi bày trí nhiều tượng Phật. Vì đất nước có chiến tranh, các vị sư trụ trì và nhân dân trong vùng đã chấp hành thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ chùa.

Nhằm thỏa nguyện nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, năm 1993, được chính quyền địa phương cho phép, nhà chùa, phật tử cùng nhân dân thập phương đã cùng nhau công đức dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói. Đến năm 2002, các tăng ni, phật tử và nhân dân góp tiền, góp công cùng xây dựng lại ngôi chùa mới.

Chùa gồm một số hạng mục: Nhà Tam bảo với những cột đá, mái vút cong cổ kính. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; sau nhà Tam bảo là nhà thờ Tổ, bên trái là Cung mẫu, liền kề sân chùa phía bên phải là ngôi nhà sàn 4 gian, 2 trái mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc được nhân dân dựng lên để tri ân người chỉ huy Quân giải phỏng tài ba, đồng thời nhắc nhớ cháu con muôn đời: Đây chính là một đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời khắc “dầu sôi, lửa bỏng” của lịch sử đất nước. Trong nhà, trên ban thờ có tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những đài sen...

Tháng 8-1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chùa; trò chuyện thân mật với các tăng ni, phật tử và những người dân có mặt, trồng bên góc trái sân chùa một cây đa làm kỷ niệm.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202408/chua-dan-dai-ban-doanh-quan-chu-luc-giai-phong-thai-nguyen-06a1684/