Chưa 'ngã ngũ'?
Dù đã đặt ra từ lâu, song dường như các quy định về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa 'ngã ngũ'.
Hiện, cả nước có hơn 154.200 cán bộ quản lý giáo dục. Hầu hết được chuyển từ giáo viên sang làm công tác quản lý nên kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản trị trường học còn hạn chế. Khi xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, các chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những bất cập về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; trong đó có quy định Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục; công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, coi trọng nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục. Do vậy, cần thiết xây dựng quy định Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục nhằm hiện thực hóa chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói chung và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nói riêng.
Ai cũng hiểu, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là người được bổ nhiệm hoặc công nhận giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong cơ sở giáo dục và được hưởng lương theo chức vụ quản lý. Nói cách khác, đây là những nhà giáo được giao chức trách lãnh đạo nhà trường.
Theo Luật Giáo dục 2019, nếu nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, thì cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục. Nói một cách ẩn dụ, nếu chìa khóa mở cánh cửa chất lượng giáo dục nằm trong tay nhà giáo, nhưng chìa khóa đó có tra được vào ổ khóa hay không, ổ khóa đó có vận hành trơn tru lại phụ thuộc vào cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Do đó, cần đồng bộ và nhất quán về thể chế, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Thực tế, thể chế và chính sách về chế độ cũng xoay quanh khung pháp lý liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, khen thưởng, kỷ luật cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Khung pháp lý này hiện còn nhiều bất cập trong việc tạo động lực và năng lực của đội ngũ, thiếu sức thu hút người giỏi tham gia công tác quản lý cơ sở giáo dục; đặc biệt là kém hiệu nghiệm, hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Nói cách khác, đổi mới căn bản quản lý giáo dục Việt Nam đòi hỏi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cũng cần đổi mới tương ứng.
Từ nghiên cứu của The Wallace Foundation (2013), TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, phần lớn các biến tố trong nhà trường, nếu tách riêng thì chỉ tác động nhỏ tới việc dạy, học. Chỉ khi các yếu tố độc lập phối hợp với nhau và đạt trạng thái cộng hưởng thì mới thu được kết quả thực sự. Xét đến cùng, công việc của hiệu trưởng là phối hợp với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện để trạng thái cộng hưởng đó xảy ra.
Muốn vậy, cần đồng bộ trong chính sách để năng lực, động lực của nhà giáo cộng hưởng với năng lực và động lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhất là hiệu trưởng. Vì thế, trong suốt tiến trình đổi mới giáo dục, chủ trương của Đảng và Nhà nước là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Do đó, khi xây dựng Luật Nhà giáo phải trả lời câu hỏi: Nhà giáo sẽ được gì và cơ hội phát triển nghề nghiệp thế nào?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chua-nga-ngu-post687996.html