Chuyển đổi số Thanh Hóa: Người dân thụ hưởng, kinh tế đột phá

Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại Thanh Hóa đã và đang đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Cú hích từ một Nghị quyết

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS), Thanh Hóa đã và đang bứt phá toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc và trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh xác định CĐS sẽ phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để thực hiện những mục tiêu mang tầm chiến lược này.

Đoàn viên thanh niên Thanh Hóa là lực lượng tiên phong, đi đầu trong tiếp thu, ứng dụng chuyển đổi số.

Đoàn viên thanh niên Thanh Hóa là lực lượng tiên phong, đi đầu trong tiếp thu, ứng dụng chuyển đổi số.

Theo Nghị quyết 06, mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Đến năm 2030, tiếp tục giữ vững kết quả này, đồng thời phải nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo báo cáo của Sở TT-TT, hiên nay, 100% các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã kiện toàn, bổ sung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch CĐS, xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của từng đơn vị. Theo đó, 100% cán bộ, công chức đã được trang bị thiết bị, kiến thức công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn. Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 114/558 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành CĐS.

Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Nghị quyết 06 đã tạo ra một cú hích lớn, giúp công tác CĐS trên địa bàn được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả.

Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Nghị quyết 06 đã tạo ra một cú hích lớn, giúp công tác CĐS trên địa bàn được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả.

Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã cung cấp 1.680 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 974 dịch vụ công toàn trình và 706 dịch vụ công một phần; đã được tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Thanh Hóa đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,51%; xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng giữa các cơ quan, chính quyền, đoàn thể đạt trên 3,3 triệu lượt; tỷ lệ ký số cơ quan đạt hơn 98%.

Ngoài ra, tỉnh còn duy trì hoạt động hơn 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm phổ cập chủ trương, chính sách, kiến thức mới đến đông đảo cán bộ, viên chức, đảng viên, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, điều hành hiệu quả. Nền tảng chia sẻ, tích hợp hiện cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài; trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng được duy trì ở cả ba cấp, thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Nhiều mặt hàng nông sản ở Thanh Hóa bán rất chạy trên các sàn thương mại điện tử nhờ ứng dụng tốt chuyển đổi số

Nhiều mặt hàng nông sản ở Thanh Hóa bán rất chạy trên các sàn thương mại điện tử nhờ ứng dụng tốt chuyển đổi số

Cùng với đó, tỉnh đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; có 615 doanh nghiệp công nghệ số trên địa; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Lấy người dân làm trung tâm

Khi ứng dụng CĐS vào cuộc sống, tỉnh Thanh Hóa xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải phát huy được sự tiện ích, thuận lợi cho người dân. Tất cả điều này, đã được cụ thể qua những con số biết nói như sau: Tỷ lệ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội trong tỉnh có tài khoản, được chi trả khoản thụ hưởng theo chế độ, chính sách hiện hành qua tài khoản đạt tỷ lệ 65,2%; bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang phối hợp với các sở, ban ngành vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Mô hình 'khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VneID' đã tạo ra bước đột phá, giúp người dân thuận tiện hơn khi đi khám chữa bệnh.

Mô hình 'khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VneID' đã tạo ra bước đột phá, giúp người dân thuận tiện hơn khi đi khám chữa bệnh.

Các cơ sở y tế quan tâm đầu thiết bị, công nghệ, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, kết nối giữa các bệnh viện từ cơ sở tới trung ương để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đến thời điểm này, toàn tỉnh có 676 cơ sở y tế đã triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 100%; trong 9 tháng qua, các cơ sở khám chữa bệnh ở Thanh Hóa đã thực hiện liên thông 78.262 giấy khám sức khỏe cho người lái xe, 57 cơ sở y tế thực hiện liên thông 31.121 giấy chứng sinh, 17 cơ sở y tế thực hiện liên thông 256 giấy chứng tử.

Toàn tỉnh hiên có hơn 3.18 triệu CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng; 671 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế cấp mã liên thông cơ sở, 4.038 bác sỹ được cấp mã liên thông bác sỹ, 524 cơ sở đã tiến hành liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Cơ quan Công an triển khai nền tảng quản lý lưu trú đến các cơ sở y tế và toàn tỉnh có 201 cơ sở khám chữa bệnh được tạo tài khoản, 29 cơ sở đã thực hiện khai báo lưu trú, phát sinh 42.137 lượt thông báo lưu trú.

Các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn Thanh Hóa tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công.

Các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn Thanh Hóa tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công.

Động lực thu hút FDI

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Để có được kết quả trên, tỉnh đã chuẩn bị và sắp xếp lộ trình về CĐS rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên (lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện); thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.

Theo ông Liêm, CĐS hiện nay là xu thế tất yếu, then chốt để giúp các địa phương cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với mục tiêu phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa hiện nay cung cấp rất nhiều công cụ số để khách hàng tiếp cận các dịch vụ số. Sự thay đổi này mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (có 17 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.433 tỷ đồng và 367,8 triệu USD. Trong kết quả ấn tượng này, có dấu ấn từ việc CĐS đã giúp các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư sớm hơn, bỏ ra chi phí thấp hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-thanh-hoa-nguoi-dan-thu-huong-kinh-te-dot-pha-10295693.html