Chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy các động lực mới

Tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy các động lực mới để đạt tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Đó chính là mục tiêu trong năm nay khiến các doanh nghiệp có vốn của SCIC đứng trước một năm 2025 bận rộn.

Nhà máy sản xuất của Traphaco.

Nhà máy sản xuất của Traphaco.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Ngành dược phẩm Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với sự cạnh tranh giữa các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Bên cạnh đó thách thức từ các biến động môi trường kinh doanh, thu nhập và chi tiêu của người dân, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp không nhỏ.

Với CTCP Traphaco, 2 trụ cột chiến lược tiếp tục được làm mới.

Trong mảng đông dược, hàng cao cấp đạt mức tăng trưởng ấn tượng 47% cho năm 2024 là động lực để công ty đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng 60% doanh số nhóm Premium trong năm 2025.

Nếu đông dược là bản sắc thì tân dược chất lượng cao chính là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ và năng lực nghiên cứu của Traphaco. Nhóm sản phẩm này bao gồm các thuốc đạt tương đương sinh học (BE), thuốc chuyển giao công nghệ từ những đối tác hàng đầu như Daewoong (Hàn Quốc), thuốc first generic. Năm 2024, doanh số nhóm tân dược tăng 14%, trong đó tân dược chất lượng cao tăng trưởng 33%.

Bước sang năm nay, Traphaco đặt ra mục tiêu tăng trưởng gần 50% cho nhóm này, trên cơ sở mở rộng danh mục với số lượng các thuốc đạt tương đương sinh học được nâng lên 10, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất 12 sản phẩm mới với Deawoong.

Bên cạnh đó, Traphaco đã thành lập Ban dự án EU-GMP, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và vật lực để triển khai dự án, với mục tiêu sau 4 năm nữa, công ty chính thức gia nhập “sân chơi” đẳng cấp này.

Với TCT Dược Việt Nam (Vinapharm), mục tiêu doanh thu công ty mẹ năm 2025 dự kiến là 327 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 273 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 11% so với thực hiện năm 2024 đòi hỏi nỗ lực lớn. Nếu tính kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu 5.970 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 465 tỷ đồng, tính hiệu quả phải được đề cao gắt gao hơn.

Và chìa khóa để cải thiện lợi nhuận của Vinapharm nằm ở tiến độ nâng tỷ lệ sở hữu của TCT từ 15% lên 30% tại CTCP Sanofi Việt Nam (SVN), đơn vị đóng góp lợi nhuận chủ lực cho Vinapharm.

Theo bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc Vinapharm, TCT đã và đang nỗ lực phối hợp với đối tác để hoàn thành việc này trong quý II-2025, qua đó SVN sẽ trở thành công ty liên kết của Vinapharm.

Song song đó, Vinapharm tích cực tìm kiếm cơ hội nhận chuyển giao công nghệ, triển khai xây dựng nhà máy dược sinh học tại Việt Nam và phân phối các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường Việt Nam.

“Vinapharm và Tập đoàn Dược phẩm Celltrion Hàn Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực dược sinh học. Trước mắt, 2 bên sẽ thúc đẩy hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm của Celltrion tại thị trường Việt Nam” - bà Vinh cho biết thêm.

Hoạt động ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, TCT Bảo Minh sẽ phải giải bài toán thị trường đang có thêm các tân binh được hậu thuẫn từ các ngân hàng tư nhân lớn.

“Việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn bổ sung doanh nghiệp bảo hiểm vào hệ sinh thái của mình, và ưu tiên triển khai các sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ là thách thức lớn đối với Bảo Minh. Từ đó chúng tôi cần rất nhiều nỗ lực để có thể cạnh tranh và giữ vững vị thế trên thị trường” - ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Bảo Minh, chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, việc Bảo Minh đặt kế hoạch doanh thu năm 2025 là 7.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, tăng trưởng 5% và 10% so với thực hiện năm 2024, là quyết định bản lĩnh.

So sánh với một số doanh nghiệp khác trên thị trường, ví như PJICO đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gần bằng năm 2024, lợi nhuận tăng trưởng 5%; PTI đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tăng 13%, lợi nhuận sau thuế giảm 20%, kế hoạch của Bảo Minh đòi hỏi loạt giải pháp quyết liệt để đạt được kết quả tốt nhất.

Giải pháp đến từ việc khai thác cơ hội từ chính sách mới chặt chẽ hơn liên quan tới hoạt động bảo hiểm (Luật Bảo hiểm) chính thức có hiệu lực vào năm 2025, từ đó có môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, để các công ty bảo hiểm có thực lực và uy tín như Bảo Minh tiếp tục khẳng định mình trên thị trường.

 Bảo Minh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, kinh doanh giúp tăng hiệu quả.

Bảo Minh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, kinh doanh giúp tăng hiệu quả.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Trao đổi về kế hoạch trong năm 2025, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, Bảo Minh không thể nằm ngoài xu hướng thời cuộc. Dự kiến, công ty sẽ triển khai việc tinh giảm từ 22 Ban/phòng trên Trụ sở chính xuống còn 16 Ban, tương đương với mức giảm 27%, với số lượng nhân sự trên Trụ sở chính giảm khoảng 15%, kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm các chi phí liên quan tới nhân sự và nâng cao hiệu quả hoạt động. Giải pháp này cùng với việc áp dụng đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, kinh doanh, tăng cường phân cấp phân quyền sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả và năng suất lao động trong doanh nghiệp.

Tại đại hội đồng cổ đông của Traphaco, HĐQT công ty cũng đưa ra đề xuất giải thể hệ thống chi nhánh cấp 2. Trong gần hai thập niên qua, hệ thống 25 chi nhánh cấp 2 đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối của Traphaco trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì hệ thống này không còn phù hợp, dẫn đến chi phí vận hành lớn mà hiệu quả không tương xứng.

Việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là tuyển mới hoặc cắt giảm, đội ngũ nhân sự được công ty sắp xếp lại với phương châm “Người phù hợp nhất là người hiểu hệ thống”. Trong đó, cán bộ nhân viên được điều chuyển sang các vai trò mới phù hợp hơn, phát huy đúng năng lực và kinh nghiệm… Điều này không chỉ giúp giữ lại nhân sự có kinh nghiệm, mà còn giảm chi phí tuyển mới, rút ngắn thời gian làm quen công việc.

Đồng thời với tinh gọn bộ máy, Traphaco áp dụng chuyển đổi số toàn diện, trung tâm đơn hàng và hệ thống logistics chuyên biệt được đưa vào triển khai, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu mua hàng, chốt đơn hàng tự động, tinh giảm vị trí kế toán bán hàng.

Hệ thống logistics chuyên trách chuẩn hóa quy trình giao hàng, giảm thiểu các khâu trung gian không cần thiết và tăng cường khả năng kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo sản phẩm đến tay đối tác một cách nhanh chóng và an toàn.

Traphaco đã triển khai ký hợp đồng điện tử với hơn 24.000 khách hàng, ứng dụng AI trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu thị trường, chăm sóc khách hàng và đặc biệt là kiểm nghiệm dược liệu. “Năm 2025 là năm bản lề cho 2 sáng kiến lớn: tự động hóa toàn bộ quy trình xử lý đơn hàng và chuẩn bị nền tảng triển khai hệ thống ERP từ năm 2026” - bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc Traphaco cho biết.

Dứt khoát cắt giảm những bộ phận không hiệu quả cũng là thông điệp được bà Hàn Thị Khánh Vinh trả lời cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2025 mới đây. Vinapharm mới giải thể Trung tâm kinh doanh dược mỹ phẩm với vài chục người, sau nhiều năm hoạt động thua lỗ. Việc này tiết kiệm cho Vinapharm cả chục tỷ đồng.

Bà Vinh chia sẻ, với cổ đông lớn là SCIC, nguyên tắc mà các doanh nghiệp đều phải nhất quán thực hiện, đó là tập trung vào hiệu quả thay cho hình thức, dữ liệu thay cho cảm tính.

Thế giới đang chuyển biến không ngừng và khó đoán định, việc các cổ đông lớn của doanh nghiệp cùng thống nhất và đồng thuận vì mục tiêu hiệu quả, sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái minh bạch và phát triển bền vững. Đây cũng là bệ đỡ vững chắc để gia tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Ngọc Quang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chuyen-doi-so-toan-dien-thuc-day-cac-dong-luc-moi-post122621.html