Chuyên gia giật mình trước đề ôn tập học kỳ môn Lịch sử lớp 4
PGS.TS Lâm Bá Nam chia sẻ, nhiều người có chuyên môn về lịch sử đều cảm thấy giật mình trước đề ôn tập môn Lịch sử lớp 4, không hiểu sao các em đã phải học nhữngnhư vậy.
Giật mình trước đề ôn tập học kỳ môn Lịch sử lớp 4
Theo phản ánh mà PV Tri thức & Cuộc sống nhận được, đề ôn tập học kỳ môn Lịch sử lớp 4 của một trường tiểu học của Hà Nội đã có một số câu hỏi được cho là “không phù hợp”, quá khó với học sinh lớp 4.
Cụ thể, nội dung của các đề gồm nhiều các câu hỏi về Bộ Luật Hồng Đức, trong đó, học sinh phải nắm được: Thời gian Bộ Luật Hồng Đức ra đời, Vị trí Bộ Luật Hồng Đức trong lịch sử, Nội dung của Bộ luật Hồng Đức, Việc tổ chức quản lý đất nước thời Bộ Luật Hồng Đức, mục đích của việc ra đời của Bộ Luật Hồng Đức.
Cũng trong số các đề ôn tập này, học sinh phải nắm được các kiến thức về nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lý đất nước, trong đó có các nội dung trắc nghiệm: Gọi nhà Hậu Lê để phân biệt với Tiền Lê thời Lê Hoàn, Tập trung quyền hành tuyệt đối vào tay vua, Khôi phục lại tên nước Đại Việt như trước…Ngoài ra, đề còn những câu hỏi về thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống, PGS.TS.NGƯT Lâm Bá Nam, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, ông cảm thấy “sốc” trước đề ôn tập này.
“Tôi cho rằng, học sinh cấp 3 cũng không làm được, sao lại đi dạy cho học sinh tiểu học? Ở độ tuổi của các em chưa cần biết những kiến thức như vậy, hoàn toàn không phù hợp. Cách đây 60 năm chúng tôi có học thế này đâu”, ông Nam nói.
Tạo cho học sinh thói quen học vẹt, chán ghét môn Lịch sử
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, cái nguy hiểm của việc dạy những kiến thức không phù hợp như thế này là học trò sẽ học theo kiểu học vẹt, học thuộc, không nhớ, không biết gì, cô giáo bảo sao nghe vậy. Đặc biệt, sẽ tạo cho học trò suy nghĩ coi môn Lịch sử chỉ như môn học thuộc lòng. Trong khi đó, Lịch sử hoàn toàn không phải là môn học thuộc lòng.
“Nếu học theo kiểu nhồi nhét, tôi đảm bảo rằng, thi xong học trò sẽ quên hết. Tôi không rõ chương trình mới sẽ biên soạn như thế nào, nhưng nếu vẫn theo cách như thế này sẽ vô ích đối với nền giáo dục trẻ em, và rộng hơn là đối với sự nghiệp giáo dục của chúng ta”, PGS.TS Lâm Bá Nam khẳng định.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, học Sử là để nhận biết về đất nước, dân tộc mình, rồi sau đó là lịch sử nhân loại. Từng cấp, từng lứa tuổi nên được tiếp nhận thông tin phù hợp. Chúng ta không thể nhồi nhét cho trẻ con tất cả những tri thức mà chúng ta cảm thấy cần. Tri thức phải phù hợp với lứa tuổi.
Theo đó, bậc phổ thông chỉ cần cung cấp những kiến thức cơ bản, đặc biệt là tiểu học môn Lịch sử phải là môn hấp dẫn với trẻ em. Ví dụ, có thể dạy trẻ về thời kỳ Hùng Vương, giới thiệu những câu chuyện thú vị liên quan tới giai đoạn này, chứ không phải nhồi nhét tri thức của lịch sử mấy ngàn năm, về Luật Hồng Đức, bộ máy nhà nước...
Như vậy, là bắt các em phải làm những việc vượt quá sức của mình. Những kiến thức đó, sau này lớn lên, nếu cần, các em sẽ tự tìm hiểu.
“Không biết chương trình mới biên soạn thế nào, nhưng từ đề ôn tập này, tôi cảm thấy đã khiến môn Sử trở thành khô cứng, thành môn nhồi nhét vào đầu óc học trò”, ông Nam cho hay.
Cần đổi mới phương pháp dạy và biên soạn môn Lịch sử
PGS.TS Lâm Bá Nam chia sẻ, khi ông kể những câu chuyện lịch sử cho các cháu ông nghe thì các cháu rất thích. Tiểu học chỉ nên học những câu chuyện như vậy. Ông chưa có thời gian xem toàn bộ chương trình môn Sử ở bậc phổ thông, nhưng từ những đề ôn tập thế này, ông thấy, có lẽ cần phải giảm tải kiến thức bộ môn này.
Để làm được điều đó, thì cần phải giảm tải từ tư duy biên soạn sách giáo khoa, cần có sự sáng tạo trong quá trình biên soạn.
“Chúng ta chỉ nên dạy cho học trò những yếu tố căn bản nhất, gợi mở những vấn đề về lịch sử dân tộc và nhân loại chứ không thể nhồi nhét. Chúng ta đừng biến Lịch sử thành môn của "trận đồ bát quái". Tôi có cảm giác ngày nay chúng ta đã nhồi nhét vào đầu trẻ em những kiến thức thuộc khoa học lịch sử. Điều đó không đúng. Bởi lịch sử là gợi mở để mỗi người tiếp tục tìm hiểu và khám phá”, PGS.TS Lâm Bá Nam cho hay.
Cùng với đó, theo PGS.TS Lâm Bá Nam, các thầy cô giáo cũng cần đổi mới về phương pháp dạy, để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn, sống động, chứ không phải chỉ “nhồi” vào đầu học sinh những con số, sự kiện, sau này, các em có thể tra trên nhiều tài liệu. Tất nhiên, có những sự kiện lịch sử lớn thì cần phải nhớ chính xác. Chẳng hạn, chiều 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập (chứ không phải sáng 2/9). Hoặc 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi... cũng giống như học Toán thì cần phải nhớ công thức.
“Tuy nhiên, lịch sử sống động, là quá trình con người sinh sống, tác động vào tự nhiên; ở trong mối quan hệ giữa con người với con người tạo dựng nên diện mạo văn hóa. Cuộc sống và sự vận động của đời sống con người, nhân loại, đây mới là thứ cần phải tìm hiểu. Và Lịch sử lẽ ra phải là một môn học hấp dẫn mới đúng”, ông Nam nói.