Chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết

Trước khi quyết định phun thuốc, hãy tự hỏi: Liệu có nhất thiết phải sử dụng không? Nếu có biện pháp khác như cắt tỉa, vệ sinh đồng ruộng hoặc sử dụng thiên địch mà vẫn hiệu quả thì nên ưu tiên áp dụng trước.

Đó là ý kiến của ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại chuỗi Tọa đàm “Hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức.

Ưu tiên giải pháp tự nhiên trước khi dùng thuốc

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng. Tuy nhiên trong thực tế sản xuất của người dân, hiện tượng lợi bất cập hại vẫn còn thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất, sản lượng, thu nhập, bản thân, xã hội, môi trường...

Ông Phong cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật chỉ nên được sử dụng khi sâu bệnh đã vượt ngưỡng gây hại kinh tế và các biện pháp sinh học hoặc canh tác khác không còn hiệu quả. Khi sử dụng, cần lựa chọn những loại thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng để đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" bao gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp yêu cầu tính bền vững và hiệu quả cao hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát triển chương trình "Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng" (IPHM), một bước tiến mới từ mô hình IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) vốn đã quen thuộc từ năm 1992.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phong giải thích, IPM tập trung trực tiếp vào việc kiểm soát sinh vật gây hại thông qua các biện pháp giảm thiểu sự phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, IPHM mang tính toàn diện hơn, bắt đầu từ giai đoạn trước khi làm đất, gieo cấy, nhằm chuẩn bị toàn diện cho cả mùa vụ.

Chương trình IPHM đề cao việc tối ưu hóa các yếu tố như giống khỏe, đất khỏe, quản lý nước và dinh dưỡng hiệu quả. Điểm nổi bật của IPHM là sự phối hợp giữa việc bảo vệ thiên địch, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học ở giai đoạn đầu để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ sớm.

"IPHM chính là giải pháp lâu dài và bền vững, nó giúp giảm phát sinh dịch hại, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao năng suất trong dài hạn.”, ông Phong khẳng định.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Văn Thành, chuyên gia về thuốc bảo vệ thực vật chia sẻ rằng việc kết hợp sử dụng thuốc sinh học với thuốc hóa học là chìa khóa quan trọng trong mô hình IPHM. Ông đưa ra ví dụ, trong 40 ngày đầu của cây lúa, không nên sử dụng thuốc hóa học. Thay vào đó, ưu tiên dùng thuốc sinh học để bảo vệ thiên địch có ích và giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Bởi thuốc sinh học giúp bảo vệ môi trường, hỗ trợ sức khỏe cây trồng và hạn chế phát thải khí nhà kính.

TS. Thành cũng nhấn mạnh vai trò của phân bón hữu cơ trong việc tăng khả năng kháng sâu bệnh. Sử dụng nhiều phân bón hữu cơ làm cây trồng bền vững hơn và giảm nhu cầu dùng thuốc hóa học ở giai đoạn sau.

Như ông Bùi Xuân Phong kết luận: "Chuyển sang IPHM không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng đây là con đường mà nông dân cần đi để đảm bảo tương lai bền vững cho nông sản Việt Nam và môi trường sống của chính chúng ta."

Không tự ý pha chế thuốc bảo vệ thực vật

Nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, TS. Đinh Văn Thành lưu ý nông dân không nên tự ý pha chế thuốc bảo vệ thực vật theo ý mình, mà cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều này rất quan trọng vì khuyến cáo liều lượng đều dựa trên cơ sở khoa học.

Ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, mỗi địa phương đều có các trạm kỹ thuật chuyên trách. Các trạm này dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương để nghiên cứu và đưa ra khuyến cáo liều lượng phù hợp cho từng loại sâu bệnh. Chẳng hạn, đối với sâu tơ, các cán bộ kỹ thuật phải tiến hành thí nghiệm nghiêm ngặt để xác định chính xác nồng độ và liều lượng thuốc sao cho đạt hiệu quả phòng trừ cao nhất mà vẫn an toàn cho cây trồng, môi trường và con người.

Ông Thành cảnh báo rằng việc nông dân tự ý điều chỉnh liều lượng hoặc pha trộn các loại thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, hành động này có thể làm giảm hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thậm chí tạo điều kiện cho dịch hại phát triển tính kháng thuốc, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Thứ hai, việc thay đổi nồng độ thuốc không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ gây hại cho cây trồng, môi trường và sức khỏe con người.

“Liều lượng mà cán bộ kỹ thuật khuyến cáo không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá kỹ lưỡng trong điều kiện thực tế,” ông Thành giải thích. Do đó, việc tự ý thay đổi liều lượng không chỉ gây lãng phí mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, TS. Thành khuyến nghị nông dân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, tránh tự ý điều chỉnh liều lượng hoặc pha trộn thuốc theo kinh nghiệm cá nhân, vì điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và hiệu quả phòng trừ dịch hại.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-chi-nen-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-khi-thuc-su-can-thiet-d235560.html