Chuyện Vua Lê Hiến Tông và Trạng nguyên Lê Ích Mộc

Tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên, khi đó ông 44 tuổi.

Vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504) tên húy là Tăng, lại có húy là Huy, là con trưởng của Lê Thánh Tông, sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tỵ (1461), mẹ là Trường Lạc Thánh từ Hoàng Thái hậu, họ Nguyễn, húy là Hằng, người ở hương Gia Mưu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Lê Tăng là con cầu tự ở am Từ Công (Từ Đạo Hạnh) trên núi Phật Tích, sinh ra đã có dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, vẻ người đứng đắn, đẹp đẽ khác thường, được Thánh Tông yêu quý lắm. Năm Quang Thuận thứ 3 - năm Nhâm Ngọ (1462) Lê Tăng được lập làm Hoàng Thái tử.

Vua cha ở ngôi tới 38 năm nên Thái tử ở ngôi Đông cung rất lâu (36 năm), vì thế khi được lên nối ngôi, ông đã ở tuổi chín chắn và từng trải (36 tuổi). Trong thời gian 7 năm cầm quyền chính, ông không có gì sáng tạo so với triều vua trước. Trước một ngôi sao sáng chói như vua cha là Lê Thánh Tông thì vị vua con này như bị che khuất. Vả chăng chính vua Hiến Tông đã từng nói: "Thánh tổ gây dựng trung châu, hoàng phụ ta trong trị ngoài dẹp. Ta tuân giữ phép cũ... chẳng qua chỉ là người làm rộng thêm cho sáng tỏ ra... mà thôi".

Sử gia Vũ Quỳnh, người gần cùng thời thì nhận xét: Vua thông minh, trí tuệ hơn người mà nhân từ ôn hòa, không làm nghiêm trọng sự việc lâu. Thường khi tan chầu lui vào, lại đem các sĩ đại phu hỏi về chính sự hay dở, lấy lời nói dịu dàng, nét mặt vui tươi, dỗ cho nói ra, cho nên biết hết người dưới, phá hết sự che lấp. Kẻ thần hạ có lầm gì chỉ răn quả qua loa, không nỡ đánh roi làm nhục. Cách cai trị nhàn hạ ung dung, chưa từng lộ ra lời nói sắc mặt tức giận mà thiên hạ răm rắp theo lệnh.

Lê Hiến Tông là người chú trọng đặc biệt đến việc làm thủy lợi, chăm sóc bảo vệ đê điều. Mỗi xã cho đặt một xã trưởng chuyên trông coi việc nông tang, làm ruộng, trồng dâu chăn tằm. Cũng dưới thời vua Hiến Tông cho phép quân đội và công tượng thay phiên nhau tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng.

Lê Hiến Tông trị vì 7 năm nhưng là ông vua cuối cùng của triều Lê Sơ còn giữ được những thành tựu từ thời Lê Thái Tổ gây dựng.

Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòngđược công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh sưu tầm

Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòngđược công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh sưu tầm

Có một vài mẩu chuyện đặc sắc về vua Lê Hiến Tông được nhân dân truyền tụng, như chuyện nhà vua về thăm thầy học cũ ở làng Trị Lai (nay là xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Làng đó có một vị quan già nổi danh là một bậc tôn sư. Ông tên là Nguyễn Bảo, hiệu Châu Khê, đỗ Tiến sĩ năm 1472, lúc đầu làm quan ở một tỉnh. Vua Lê Thánh Tông thấy ông là người học thức rộng, thơ văn xuất sắc, lại có đức độ, nên mời về triều, giao cho việc giảng dạy cho Thái tử Lê Tăng. Ông đã làm tròn nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhà vua. Nơi ông giảng sách được gọi là Tả Xuân Đường. Ngày ngày, Thái tử Lê Tăng đến đó để nghe thầy dạy bảo từ văn chương cho đến đạo lý làm người.

Ban thờ trạng nguyên Lê Ích Mộc tại Hải Phòng. Ảnh sưu tầm

Ban thờ trạng nguyên Lê Ích Mộc tại Hải Phòng. Ảnh sưu tầm

Lê Thánh Tông qua đời, truyền ngôi cho Thái tử Lê Tăng. Trở thành vua Hiến Tông, nhà vua vẫn rất trọng dụng người thầy học của mình. Nguyễn Bảo được thăng thưởng, từ chức Thị lang lên đến Thượng thư Bộ Lễ, mà vẫn tiếp tục giảng học cho nhà vua, với tư cách là một vị Thị độc học sĩ Viện Hàn lâm. Ông giúp Hiến Tông điều hành việc nước chu đáo. Nhà vua và các triều thần đều công nhận ông là người "Văn chương điển nhã, lễ nhạc ung dung". Vào tuổi 60, ông nhận chức Thượng thư Bộ Lễ vài năm thì xin về nghỉ. Hiến Tông chuẩn y để đáp ứng nguyện vọng của thầy, nhưng vẫn luôn cho người về quê thăm hỏi hoặc xin ý kiến của ông những khi cần thiết. Lần này về thăm đền thờ bà nội (đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao ở xã và huyện bên), nhà vua dành thời giờ đến thăm thầy cũ của mình.

Sắc phong trạng nguyên Lê Ích Mộc. Ảnh sưu tầm

Sắc phong trạng nguyên Lê Ích Mộc. Ảnh sưu tầm

Khi về làng Trị Lại, kiệu rồng mới đến đầu ngõ, vua Hiến Tông đã vội vàng bước xuống, ngài cho các cận thần, các tướng sĩ tản vào những nhà quán dịch mà quan sở tại đã dựng nên, treo dàn kết hoa để đón tiếp vua. Vua chỉ gọi vài người tả hữu đi theo mình, cùng với viên quan trấn đi bộ vào nhà cụ Châu Khê. Vị thượng thư già cùng các con cháu đều mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn, bày hương án nghênh tiếp. Hiến Tông vội vàng bước nhanh đến gần cụ, hai tay đỡ lấy vai cụ Châu Khê đứng dậy,rồi nhà vua bước theo sau, vừa đi vừa giơ tay ra lệnh cho đám đông đang quỳ rạp ở hai bên vệ đường:

- Cho tất cả các ngươi đứng dậy, cùng trẫm về nhà tôn sư. Hôm nay, trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải là thiên tử đi kinh lý. Trẫm không muốn có những nghi lễ ở chốn triều đường.

Được lời vua, đám đông lục tục đứng dậy, cùng đi theo hai thầy trò vào nhà cụ Châu Khê. Hiến Tông nhẹ nhàng bước lên thềm, liếc qua mấy gian nhà bình dị mộc mạc của vị quan trí sĩ, rồi mời cụ ngồi lên trên phản kê ở gian giữa, để nhà vua được đứng vấn an thầy. Cụ Châu Khê giật mình:

- Đâu lại có thể như thế được! Đạo thầy là trọng, nhưng phép nước còn trọng hơn. Kính xin Hoàng thượng ngự lên để lão phu này đứng hầu. Hãy còn các đại thần, các vệ sĩ ở kia, người ta trông vào sao tiện?

Hiến Tông cười, nhẹ nhàng nói:

- Thưa tôn sư, đệ tử này đã nói với họ từ lúc nãy. Hôm nay là trò đến nhà thầy, chứ có phải là cuộc tiếp kiến vua tôi đâu. Xin tôn sư cho phép đệ tử cùng ngồi chung. Thế cũng đã là quá rồi.

Nhà vua đỡ cụ Châu Khê ngồi xuống phản, đối diện với mình. Hai thầy trò cùng đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khỏe của thầy, xin thầy cho xem những bài mới làm, trong thời gian nhàn rỗi ở nơi thôn dã. Người nhà của cụ Châu Khê dâng trầu nước, họ chỉ dám đứng dưới thềm, chuyền khay nước cho những người thị vệ đưa lên nhà vua. Hiến Tông lại khoát tay:

- Thôi, để họ mang thẳng lên đây. Chắc họ cũng muốn được gần vua một chút, âu cũng là cái lộc nhờ có lão tiên sinh đây.

Nhấp chén trà có mùi thơm ngát, đượm phong vị đồng quê, vua cảm thấy có phần khoan khoái. Ông ra hiệu cho những cận thần tả hữu:

- Trẫm cho các ngươi lui. Các quan địa phương cho họ nghỉ tạm và ăn uống chu đáo nhé. Chiều nay, trẫm không "ngự thiện" đâu. Trẫm sẽ xin với lão tiên sinh đây được cùng gia đình ăn một bữa cơm nhà quê chung mâm với thầy học cũ cho thỏa tình sư đệ. Chắc lão tiên sinh sẵn sàng cho phép.

Tất cả mọi người, quân quan cũng như các gia nhân nhà cụ Châu Khê đều ngạc nhiên. Vua muốn ăn cơm "nhà quê" với thầy học, chứ không chịu tham dự tiệc tùng mà các quan địa phương đã chuẩn bị đầy đủ sơn hào hải vị. Cụ Châu Khê vô cùng cảm động, chắp tay tâu với nhà vua:

- Xin bái tạ đức vua. Thánh chỉ đã truyền, lão thần xin vâng mệnh.

Bữa cơm chiều hôm đó, mặc dầu được nhà vua cho phép, vợ con cụ Châu Khê vẫn không dám ngồi vào mâm. Trên phản, chỉ có hai thầy trò vua Hiến Tông ngồi với nhau, say sưa kèo chuốc. Cụ Châu Khê cảm thấy rất vui, vô cùng cảm động trước tấm lòng của người học trò, mặc dầu đã ở ngôi tôn quý, vẫn còn giữ được phẩm chất tốt đẹp, điều mà cụ vẫn thường nhắc nhở khi giảng sách bình thơ hàng chục năm trước đây. Ngự trên ngai vàng, nắm quyền tối thượng mà còn biết giữ đạo thầy trò là một điều đáng quý.

Hình ảnh trạng nguyên Lê Ích Mộc áo gấm về làng được khắc họa tại Khu nhà tưởng niệm tại Hải Phòng. Ảnh sưu tầm

Hình ảnh trạng nguyên Lê Ích Mộc áo gấm về làng được khắc họa tại Khu nhà tưởng niệm tại Hải Phòng. Ảnh sưu tầm

Điều đáng quý nữa là con người quen với cao lương mỹ vị kia mà vẫn còn biết thích thú với những món ăn quê mùa. Nhà vua xin được ăn bữa cơm rau dưa ở nơi thôn dã, như thế là chưa quên gốc. Hào hứng với suy tư đó, cụ Châu Khê đã khẽ dặn người nhà sửa soạn bữa cơm tiếp đón nhà vua. Làng Trị Lai vẫn có loại cua đồng. Hàng ngày, phụ nữ, trẻ em thường xuống ruộng bắt loại cua này đưa về nấu canh, ăn với cơm và cà mắm. Cụ đã cho con cháu nấu cho kịp món canh này. Tất nhiên, mâm cơm dâng lên cũng phải kèm thêm các đĩa thức ăn khác nữa. Không biết vì lạ miệng hay vì thật lòng, Hiến Tông đã đặc biệt chú ý đến canh cua đồng, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon.

Vua thành thật nói với cụ Châu Khê:

- Thầy cho đệ tử bát canh này như ban cho đệ tử một niềm hạnh phúc. Canh cua đồng có vị bùi, vị ngọt, rất đậm đà hương vị đồng quê, quả là ngon thực!

Liền ngay đó, trước khi từ biệt cụ Châu Khê, vua Hiến Tông xin với cụ cho thêm một giỏ cua đồng, giao thị vệ phóng ngựa đi nhanh về đưa cho đầu bếp. Thế là liên tiếp những năm sau đó, làng Trị Lai có lệ mang cua đồng tiến lên vua. Sau đó, không biết ai sáng tác nên câu ca dao, lưu truyền đến tận bây giờ:

"Canh cua nấu cải thêm gừng

Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon."

Lăng mộ của trạng nguyên Lê Ích Mộc được xây trên núi. Ảnh sưu tầm

Lăng mộ của trạng nguyên Lê Ích Mộc được xây trên núi. Ảnh sưu tầm

Lê Hiến Tông cũng là ông vua đầu tiên của triều Lê lại có hướng trở về với đạo Phật. Bởi vì trước đó, dưới triều Lê ở thế kỷ XV, phạm vi ảnh hưởng của Phật giáo đối với vua, quan bị hạn chế và thu hẹp nhều so với triều Lý - Trần. Tuy vậy về đời sống tâm linh, tôn giáo thì vua, quan vẫn hướng theo đạo Phật, vẫn tìm đến chốn thiền môn niệm cầu, mong muốn được Phật độ trì với tất cả lòng thành kính.

Vua Lê Hiến Tông cho xây dựng các điện Thượng Dương, Giám Trị, Đỗ Trị, Trường Sinh làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách và ăn chay.

Dưới triều đại của Lê Hiến Tông, một số nhân tài cũng đã xuất hiện. Nhà vua tổ chức kỳ thi Hội, thi Đình, đã lấy đỗ Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm, bảng nhãn Lương Đắc Bằng (khoa Kỷ Mùi - năm 1499).

Trong kỳ thi Đình khoa Nhâm Tuất (1502), vua Lê Hiến Tông thân ra đầu bài văn sách, hỏi về Phật pháp, khiến tất cả các vị Hội nguyên đều phải bỡ ngỡ, và Lê Ích Mộc, một người vốn là đạo sĩ, đã làm một bài văn Đình đối bàn về Phật học rất xuất sắc, được Lê Hiến Tông lấy đỗ Trạng nguyên.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là đầu bài văn sách của vua Lê Hiến Tông ra, gồm hơn 100 câu hỏi, hết sức cụ thể về các tri thức Phật học, qua đó thể hiện vua Lê Hiến Tông là một ông vua Nho học song Phật học vô cùng uyên bác.

Về Trạng nguyên Lê Ích Mộc: Ông người làng Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Trước khi đỗ đạt, Lê Ích Mộc là đạo sĩ tu theo đạo Lão, nhưng ông cũng rất thông hiểu kinh Phật, thường đến chùa Diên Phúc ở làng để học hỏi với sư trụ trì.

Lê Ích Mộc thuở nhỏ mồ côi cha, ở với mẹ. Nhà nghèo không có tiền đi học, thường lân la đến chùa Ráng học lỏm kinh sách của tăng ni. Không có giấy bút ông đã lấy cát để lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ lên đó, ghi nhớ rồi xóa đi, rồi lại viết. Đó là cách học nhập tâm giúp người ta nhớ lâu, hiểu kỹ. Lê Ích Mộc đã có một thời gian theo học ở chùa Yên Lãng (nay là chùa Láng, Hà Nội). Ông cũng là người đứng ra tu sửa chùa Ráng đã đổ nát thành chùa Diên Phúc Thọ.

Ngày ngày ăn chay niệm Phật, Lê Ích Mộc vẫn dành thời gian cho đèn sách. Đêm đêm, lúc dưới ánh sáng lập lòe của đom đóm, khi dưới ánh sáng mờ nhạt của ánh trăng, lấy mâm cát làm sách học, Lê Ích Mộc chăm chỉ dùi mài kinh sử. Bởi thế, ông đã lừng danh trong vùng là người nhớ lâu, hiểu rộng. Lê Ích Mộc thường gần gũi dân làng, dạy cách làm ăn, khuyến khích siêng năng học tập, hướng dẫn từ công việc cày cấy, đồng áng đến cắm đăng, đan lưới đánh bắt tôm cá.

Sau mấy lần thi không đỗ, ông trở lại quê hương tiếp tục việc học hành. Bằng nghị lực, lòng kiên trì và trí thông minh, tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên, khi đó ông 44 tuổi.

Như trên đã nói, kỳ thi Đình năm đó toàn hỏi về Phật học, Lê Ích Mộc văn phong dồi dào, ý tứ sâu sắc; đề bài ra chín hàng chữ ông viết thành 25 trang. Vua Lê Hiến Tông duyệt bài của ông rất ngạc nhiên và khen ngợi: "Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa, trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng bậc khôi nguyên".

Cũng kỳ thi này, nhiều thư tịch ca ngợi Trạng nguyên Lê Ích Mộc là người chăm học, có sức đọc "Thiên kinh, vạn quyển". Bài thi của ông được đánh giá cao, khúc triết, mạch văn chặt chẽ, ý tứ sâu sắc, không hề sai sót.

Ông làm quan đến chức Tả thị lang. Vốn là người có học vấn sâu rộng, đạo đức mẫu mực, khi về trí sĩ tại quê nhà, Lê Ích Mộc đã có nhiều công lao đóng góp cho quê hương như mở trường dạy học, xây dựng chùa chiền, làm đường, trồng rừng, dấu tích đến nay vẫn còn như cánh đồng ở Quảng Cư, rừng lim "Quan Trạng" ở Thanh Lãng.

Để ghi nhớ công lao của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ tưởng niệm ông, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

Tạ Ngọc Liễn (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, Tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2017.

Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, 54 vị Hoàng đế Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.

Đặng Việt Thủy (Chủ biên) - Giang Tuyết Minh, 46 vị Trạng nguyên Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.

Tác giả: Đặng Việt Thủy

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chuyen-vua-le-hien-tong-va-trang-nguyen-le-ich-moc.html