Còn nhiều dư địa cho thương mại với Mỹ

Những khó khăn về thuế quan sẽ không làm giảm dư địa trong trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ, các ngành hàng dồn lực cho tái cấu trúc, tăng nhập hàng Mỹ, tăng nguồn cung nguyên liệu nội địa...

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu Vietgo nói về dư địa thương mại Việt-Mỹ.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu Vietgo nói về dư địa thương mại Việt-Mỹ.

Trao đổi tại tọa đàm: “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững”, sáng 11/7, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại, với đặc thù thương mại bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu Vietgo cho rằng, thế mạnh của sản xuất trong nước là các nhóm hàng hóa như: hàng dệt may, nông, lâm, thủy sản, da giày… , đây cũng là những mặt hàng được xuất nhiều sang Mỹ. Dù chưa chính thức về mức thuế nhưng doanh nghiệp nên chủ động sản xuất các mặt hàng lợi thế, chú ý xuất xứ.

Ở chiều ngược lại, theo ông Việt, doanh nghiệp Việt cần chủ động đón làn sóng đầu tư từ Mỹ về Việt Nam.

Bởi điều này không chỉ mang lại công nghệ mà còn hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chuỗi giá trị xuất khẩu ngay từ bên trong lãnh thổ.

"Nền kinh tế Việt Nam chưa hấp thụ hết được làn sóng đầu tư từ Mỹ bởi làn sóng này rất lớn nếu thuế quan của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Đồng thời, chúng ta nên tiếp cận hàng Mỹ đưa vào thị trường trong nước để cân bằng thương mại bởi Việt Nam là cửa ngõ để hàng Mỹ vào châu Á", ông Việt nói.

Vietgo xúc tiến xuất khẩu cho hơn 10.000 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 1.500 đối tác Mỹ. Doanh nghiệp này nhận định, xuất khẩu của Việt Nam có thể vượt 500 tỷ USD sau hai năm, với sự đóng góp của khoảng 15 nhóm ngành sản phẩm có mức tăng trưởng cao bao gồm gỗ, cà phê, thủy sản, IT, hàng tiêu dùng….

Công ty cổ phần tập đoàn INVET, một trong những doanh nghiệp nằm trong chuỗi nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam, có sản lượng hàng xuất đều sang Mỹ cho biết, xuất khẩu nông nghiệp nói chung, đặc biệt là thủy sản Việt Nam ra thế giới, trong đó có Mỹ không ngừng tăng trưởng. Đây là một điểm cộng, tạo sinh kế hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Năm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn INVET cho rằng, trong bối cảnh chính sách thương mại như hiện tại, Việt Nam cần có những cải cách nhất định để thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, tiếp nhận những công nghệ mới…

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ, nên mọi thay đổi về chính sách thương mại, thuế quan dù là nhỏ đều có tác động tới ngành hàng này. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết vừa cùng phái đoàn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sang Mỹ, với rất nhiều bản ghi nhớ cam kết, trong đó có sự tăng cường nhập khẩu từ Mỹ

6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 8,1 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt chi hơn 1 tỷ USD để nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ, tăng gần 27%. Các doanh nghiệp gỗ đã có kế hoạch tăng nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ cho nửa cuối năm.

“Các doanh nghiệp gỗ cũng kỳ vọng tăng nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất hàng xuất sang Mỹ sẽ được hưởng ưu đãi nhất định về thuế. Điều này thể hiện thiện chí của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại”, ông Hoài nói.

Cùng đó, ngành gỗ cố gắng duy trì chuỗi cung ứng đã hình thành như thị trường Mỹ, tiếp tục tái cấu trúc ngành gỗ về năng suất, hiệu suất, tuân thủ tăng trưởng xanh, thương mại xanh, đảm bảo yêu cầu về gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững.

TS. Vũ Hoàng Linh, Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chiến lược để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, Samsung, HP đã và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một chỉ dấu rõ ràng cho xu thế này.

Riêng trong năm 2024, xuất khẩu điện tử và máy móc của Việt Nam đã vượt 100 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, và phần lớn đi vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thêm vào đó, việc Việt Nam đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... không chỉ giúp giảm rào cản thuế quan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất kết nối Việt Nam vào các chuỗi cung ứng liên khu vực.

Dẫn số liệu từ Bộ Công thương, TS. Vũ Hoàng Linh nói, khoảng 67% tổng vốn FDI vào Việt Nam đang chảy vào lĩnh vực chế biến - chế tạo, chủ yếu là các ngành liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, giày dép, thiết bị cơ khí chính xác. Đáng chú ý, số vốn FDI giải ngân trong năm đạt kỷ lục 25,35 tỷ USD, với hơn 81% tập trung vào các ngành sản xuất có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ thu hút vốn đầu tư, mà còn đang từng bước củng cố vị thế là trung tâm sản xuất trong khu vực.

Tuy nhiên, yêu cầu với Việt Nam là kiểm soát tốt hơn để tránh gian lận xuất xứ, duy trì vị thế và tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đẩy nhanh quá trình số hóa hải quan, cải thiện năng lực thực thi pháp luật, và phối hợp chặt với các đối tác thương mại về tiêu chuẩn kỹ thuật và minh bạch thị trường.

Theo TS. Vũ Hoàng Linh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư vào năng lực số hóa quản lý chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong quy trình sản xuất, và liên kết chặt hơn với các đối tác nước ngoài để tham gia các tầng giá trị cao hơn (R&D, thiết kế, phân phối, thay đổi tư duy từ "thụ động gia công" sang "chủ động kiến tạo giá trị".

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/con-nhieu-du-dia-cho-thuong-mai-voi-my-d328361.html