Cục Thống kê: Năm giải pháp kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động cùng những áp lực nội tại đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua nửa đầu năm 2025 với những điểm sáng ấn tượng về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động cùng những áp lực nội tại đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.
Để làm rõ những vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Dịch vụ và Giá, Cục Thống kê.
Hành vi tiêu dùng từ “lượng” sang “chất”
- Thưa bà, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước vẫn duy trì đà phục hồi tích cực. Bà có thể phân tích sâu hơn về những xu hướng đang định hình sức mua của thị trường nội địa không?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Trong 6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nếu chúng ta loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực chất vẫn đạt 7,2%.
Dù tốc độ này chưa thể so sánh với mức tăng trưởng hai con số của giai đoạn trước đại dịch COVID-19, nhưng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy yếu, lạm phát toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, đây là kết quả tích cực, khẳng định vai trò trụ đỡ của thị trường nội địa.
Phân tích sâu hơn, chúng ta có thể thấy hai xu hướng chủ đạo. Thứ nhất là có sự dịch chuyển trong cơ cấu tiêu dùng hàng hóa. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa, chiếm tỷ trọng lớn nhất (76,5%) trong tổng mức, ghi nhận mức tăng 7,9%. Con số này cho thấy người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn đối với các mặt hàng không thiết yếu, ưu tiên các sản phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng từ “lượng” sang “chất”. Đặc biệt, sau những đợt cao điểm của Chính phủ trong việc siết chặt quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, dù có thể phải chi trả cao hơn. Đây là một sự thay đổi tích cực, hướng tới một thị trường minh bạch và bền vững hơn.

Bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ xuất khẩu thực sự là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: Vietnam+)
Thứ hai là tiêu dùng dịch vụ đang bùng nổ mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng chính. Trái ngược với sự tiết chế trong chi tiêu hàng hóa, người dân lại tỏ ra sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn cho các trải nghiệm và dịch vụ. Các dịp nghỉ Lễ, Tết trong nửa đầu năm đã chứng kiến sự sôi động của ngành du lịch. Điều này được thúc đẩy bởi cả nhu cầu nội địa và sự phục hồi ấn tượng của du lịch quốc tế. Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế và tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Dòng khách này ngoài việc chi tiêu cho lưu trú và đi lại còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực trong các hoạt động dịch vụ ăn uống, mua sắm… Số liệu đã phản ánh rõ nét xu hướng này, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành có mức tăng trưởng đột phá 23,2% so với cùng kỳ.
- Bên cạnh sức bật từ thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được xem là điểm sáng rực rỡ của nền kinh tế. Đâu là những yếu tố chính tạo nên thành công này và chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Xuất khẩu thực sự là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tiến lên trong 6 tháng đầu năm. Những con số cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,8 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, chúng ta tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức 7,63 tỷ USD. Thặng dư thương mại góp phần quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán tổng thể, củng cố dự trữ ngoại hối và giúp ổn định tỷ giá, từ đó hỗ trợ gián tiếp cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thành công này cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Về cơ cấu mặt hàng, nền kinh tế đã thể hiện sự vững chắc khi có tới 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm đến 91,7% tổng kim ngạch. Các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là nhóm hàng gia công, lắp ráp, đã có sự bứt phá mạnh mẽ: điện tử, máy tính và linh kiện tăng tới 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%.
Bên cạnh đó là vai trò của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các tập đoàn lớn không ngừng mở rộng hoạt động và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam đang hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như EVFTA, CPTPP, RCEP…). Các hiệp định này đã mở ra những thị trường rộng lớn với ưu đãi thuế quan, giúp hàng hóa Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quyết liệt trong việc xúc tiến thương mại, đàm phán gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, phát triển logistics, giúp rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn khi “cuộc chơi” thương mại toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn. Thỏa thuận thuế quan gần đây với Mỹ tuy là tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Do đó, để hoạt động xuất nhập khẩu phát triển bền vững, chúng ta cần tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động và thích ứng nhanh.
Cục Thống kê đề xuất một số giải pháp trọng tâm, cụ thể cần chủ động nguồn cung và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, phải đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh rủi ro về gian lận thương mại. Song song đó, cần đẩy mạnh nhập khẩu có chọn lọc máy móc, công nghệ nguồn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực. Mục tiêu cuối cùng là tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp nội địa có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các tập đoàn FDI lớn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc, có nghĩa là không thể "bỏ tất cả trứng vào một giỏ." Hơn nữa, cần khai thác triệt để các thị trường mà chúng ta đã có FTA đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi... Chính sách tăng cường khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng và tận dụng sức mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu.
Mặt khác, chúng ta cần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Cụ thể là tăng cường đối thoại song phương với các đối tác lớn (như Mỹ, EU, Trung Quốc) để giải quyết sớm các vướng mắc. Quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, hướng dẫn họ cách làm việc với luật sư quốc tế, chuẩn bị hồ sơ ứng phó với các vụ kiện. Quan trọng hơn nữa là việc xây dựng một cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường, mặt hàng tiềm ẩn rủi ro phòng vệ thương mại.
Về hỗ trợ từ chính sách vĩ mô, việc điều hành tỷ giá, lãi suất cần ổn định và linh hoạt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao sức cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Để hoạt động xuất nhập khẩu phát triển bền vững, Việt Nam cần tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động và thích ứng nhanh. (Ảnh: Vietnam+)
Áp lực lạm phát hiện hữu
- Dù bức tranh kinh tế nửa đầu năm có nhiều “gam màu sáng,” nhưng những lo ngại về lạm phát trong các tháng cuối năm vẫn hiện hữu. Từ góc độ của Cục Thống kê, đâu là những thách thức và áp lực lớn nhất đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đã đề ra cho năm nay và làm gì để ứng phó, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Đây là vấn đề trọng tâm mà Chính phủ và các cơ quan điều hành đang hết sức quan tâm. Trên thực tế, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm đến từ cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Về yếu tố bên ngoài, rủi ro vẫn ở mức cao khi giá hàng hóa thế giới biến động khó lường. Dù lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt so với giai đoạn đỉnh điểm 2022-2023, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Giá dầu thô có xu hướng tăng do bất ổn địa chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ (liên minh gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài tổ chức OPEC). Giá cước vận tải biển đang tăng cao do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột cùng với giá lương thực toàn cầu cũng có thể chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Trong khi, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, các chính sách bảo hộ, khuyến khích sản xuất tại chỗ (reshoring) của nhiều quốc gia đang làm tăng chi phí sản xuất trên phạm vi toàn cầu.
Đối với yếu tố trong nước, áp lực cũng không hề nhỏ. Về chi phí đẩy, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất. Do đó, mọi biến động của giá thế giới sẽ nhanh chóng thẩm thấu vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá thành sản phẩm và giá tiêu dùng trong nước tăng lên. Thêm vào đó, việc USD duy trì ở mức giá cao cũng làm tăng chi phí nhập khẩu, gây thêm sức ép lên mặt bằng giá trong nước.
Áp lực từ cầu kéo, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cùng với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ du lịch đang kích thích tổng cầu của nền kinh tế, điều này có thể gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nếu tín dụng tăng trưởng mạnh trở lại, có thể kích thích cả cầu tiêu dùng và đầu tư, tạo ra áp lực lạm phát từ phía cầu.
Để chủ động kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra, Cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung đồng bộ vào các nhóm giải pháp. Một là chủ động theo dõi, dự báo và xây dựng kịch bản ứng phó. Phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả và lạm phát trên thế giới, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược. Từ đó, kịp thời cảnh báo các nguy cơ và xây dựng các kịch bản điều hành giá trong nước một cách linh hoạt, phù hợp với từng tình huống.
Hai là đảm bảo nguồn cung và lưu thông hàng hóa thông suốt. Đây là giải pháp gốc rễ để bình ổn giá, theo đó cần có các phương án đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng…, tránh xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ hay gián đoạn lưu thông, phân phối hàng hóa.
Ba là quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và bình ổn thị trường. Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, xăng dầu, gas... để có phương án điều hành phù hợp. Các cấp quản lý cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho các dịp Lễ, Tết cuối năm để hạn chế tăng giá đột biến. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, minh bạch trong việc điều chỉnh giá các dịch vụ công.
Bốn là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất, tỷ giá một cách linh hoạt, đồng bộ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Năm là đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông. Việc cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch về các quyết sách điều hành giá của Chính phủ sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, qua đó ổn định tâm lý và kỳ vọng lạm phát, tránh các phản ứng thái quá gây bất ổn thị trường.
- Xin cảm ơn bà!