Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tính khả thi khi thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay đang tồn tại nhiều loại quỹ ngoài công lập song chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do đó, việc đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa cần được đánh giá, làm rõ về sự cần thiết, tính khả thi. Đồng thời, có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu - chi nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 26/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Liên quan đến việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá sự cần thiết hình thành quỹ để đảm bảo tính khả thi.

GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

Tán thành với việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa cho biết trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn có nhiều khó khăn, hạn hẹp, thì việc thành lập Quỹ này là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu, thực tiễn vừa qua, khi thực hiện giám sát tại các địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023, cũng cho thấy ngay trong cơ chế, chính sách bảo đảm cho các đơn vị thuộc ngành văn hóa là hết sức khó khăn.

“Dự thảo Luật quy định việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, để huy động nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra”, đại biểu Thức nói.

Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.

Đối với các nội dung quy định cụ thể về việc thành lập quỹ, đại biểu cho rằng dự thảo luật xác định đây là loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với đầy đủ địa vị pháp lý để nhận diện một cách độc lập so với các loại quỹ khác; các nội dung liên quan đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu Nghị quyết số 23 của Quốc hội và Nghị quyết số 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, ông đề nghị cần xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quỹ mà luật giao Chính phủ quy định, vì hiện dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa thể hiện được nội dung này.

Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai, nêu dự thảo luật quy định Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Quỹ ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập, Quỹ ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị định 163 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai. Ảnh: Quochoi.

Do đó, đại biểu đoàn Lào Cai đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý, và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, cũng như các quy định khác có liên quan

Cũng băn khoăn với quy định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đoàn Yên Bái nêu thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều loại quỹ ngoài công lập. Tuy nhiên quá trình hoạt động của những loại quỹ này chưa thực sự phát huy hiệu quả như mục tiêu, mục đích được xác định.

Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích, đánh giá, làm rõ về sự cần thiết phải hình thành Quỹ và hiệu quả hoạt động trong thời gian qua. Trên cơ sở đó để Quốc hội có đánh giá quyết định về việc thành lập Quỹ này.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc, cũng đề nghị cần đánh giá, làm rõ về tính khả thi của việc thành lập Quỹ. “Tôi đề nghị cần có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu, chi nhằm phục hồi, trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa”, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc góp ý.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ, BIẾN DI SẢN THÀNH TÀI SẢN

Bên cạnh cơ chế về nguồn lực để bảo tồn di sản văn hóa, nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến vấn đề phát huy giá trị di sản, biến thành tài sản trong quá trình phát triển.

Đại biểu Lê Văn Khảm, đoàn Bình Dương, cho rằng nội dung phát huy giá trị của di sản là rất quan trọng và xuyên suốt trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, phát huy giá trị có nghĩa là làm tăng cường, nâng tầm, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản.

Đại biểu Lê Văn Khảm, đoàn Bình Dương. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Lê Văn Khảm, đoàn Bình Dương. Ảnh: Quochoi.

Đồng thời, với việc tạo ra giá trị về kinh tế, nguồn thu về tài chính, tạo cơ hội lao động, việc làm, thu nhập cho cộng đồng chủ thể di sản thông qua hoạt động kinh doanh du lịch tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học và truyền thông.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện cụ thể nội dung, nội hàm, thiếu các quy phạm pháp luật và các quy phạm kỹ thuật liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết phải có quy định cụ thể về phát huy giá trị di sản, phát huy như thế nào, mức độ khai thác giá trị đến đâu là hợp lý để vừa bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản, nâng tầm giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử của di sản, đồng thời tăng nguồn thu từ hoạt động di sản.

“Ví dụ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều di tích, bảo tàng đều khống chế số người đến thăm trong một ngày, và quy định số người đến trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây là một trong những cách để bảo tồn di sản về mặt vật lý. Nghĩa là tránh tác động vật lý, do chính con người trong quá trình khai thác di sản gây ra. Đồng thời giữ gìn về mặt giá trị, đảm bảo cho người đến thăm thấy rõ, hiểu rõ sự xuất hiện, ý nghĩa của di sản”, đại biểu Lê Văn Khảm dẫn chứng.

Trong báo cáo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa hiện hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhận định rằng "còn hiện tượng lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí làm biến dạng giá trị của di sản".

Vì thế, đại biểu nhấn mạnh việc đặt ra các nguyên tắc, hay các quy định liên quan đến phát huy di sản cũng là cơ sở để Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản triển khai thực hiện luật.

Nhất là việc quy định cụ thể, thực hiện các yêu cầu đã được quy định trong luật này, như quy định về điều kiện và khả năng bảo đảm hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Quy định về thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, những hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản hay quy định về phát huy giá trị di sản văn hóa theo thỏa thuận.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng, cũng đề nghị việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh một cách có hiệu quả cần phải được quan tâm và quy định cụ thể trong Luật.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.

Từ đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu là vừa bảo tồn, vừa phát huy được một cách có hiệu quả các giá trị trong khai thác, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, để tạo nên những sản phẩm du lịch, thu hút và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo Điều 90 dự thảo Luật Di sản văn hóa, quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ…

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-lam-ro-tinh-kha-thi-khi-thanh-lap-quy-bao-ton-di-san-van-hoa.htm