Đại biểu Quốc hội: Mạnh tay hơn với ô nhiễm nhựa bằng thuế tiêu thụ đặc biệt

Tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng đang là mối đe dọa với môi trường, do đó nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã được cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. (Ảnh: Vietnam+)

Tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã được cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. (Ảnh: Vietnam+)

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức môi trường lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt. Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để giảm thiểu ô nhiễm nhựa đang được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất.

Tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã được cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, thực tế sử dụng vẫn còn rất phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung đối tượng là túi nilon vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông cho biết thêm tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Tâm cũng nhấn mạnh năm 2025 là mốc thời gian quan trọng để Việt Nam hoàn thành một số mục tiêu về bảo vệ môi trường theo các nghị quyết, nghị định của Trung ương và Chính phủ. Sau năm 2025 sẽ không được lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch… Để đạt được mục tiêu này, ông cho rằng cần có những chế tài đủ mạnh. Ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm việc sử dụng túi nilon, thay thế bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường, thì cần biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này nhằm thay đổi thói quen sử dụng của người dân, từ đó góp phần giảm thải, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Thái Bình) cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng cần xây dựng một lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi và người dân thích ứng với sự thay đổi hành vi sử dụng.

Đưa ra những dẫn chứng cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) chỉ ra mỗi ngày, một người nội trợ đi chợ và mang về khoảng 10 bao nilon kết hợp, trong khi công nghệ xử lý chất thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp với 100 năm sau những sản phầm này mới được phân hủy. Hiện nay, các địa phương đang đối mặt với vấn nạn xử lý chất thải rắn, trong đó có bao bì nhựa. Theo đó, địa phương sẽ phải cấp nguồn ngân sách cho việc xử lý loại hình rác này. Điều này đi ngược với quan điểm xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường, đó là người gây ô nhiễm phải trả tiền và việc áp dụng thuế tiêu thụ thuộc đặc biệt đối với bao bì nhựa vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa điều chỉnh được hành vi tiêu dùng đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển bình vững. Trên cơ sở đó, Đại biểu Thủy đề nghị mở rộng cơ sở thuế và áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm là bao bì lượng khó phân hủy./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-manh-tay-hon-voi-o-nhiem-nhua-bang-thue-tieu-thu-dac-biet-post1037589.vnp