Đại tiện ra máu người phụ nữ bất ngờ phát hiện ung thư trực tràng

Nữ bệnh nhân đau bụng dưới âm ỉ khoảng 3 tuần nay, nghĩ là vấn đề tiêu hóa thông thường nên không đi khám.

Triệu chứng nguy hiểm cảnh báo ung thư trực tràng

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bệnh viện vừa tiếp nhận thăm khám cho nữ bệnh nhân với triệu chứng đại tiện ra máu.

Suốt 3 năm nay, bà B.T.H.C. (63 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng rối loạn đại tiện, phân có lúc táo, có lúc lỏng. Nghĩ là vấn đề tiêu hóa thông thường nên bà C. không đi khám.

Khoảng 3 tuần nay, bệnh nhân đau bụng dưới âm ỉ, kèm theo đại tiện phân lỏng, phân lẫn nhầy máu. Tại bệnh viện, bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán.

Người phụ nữ phát hiện ung thư trực tràng.

Người phụ nữ phát hiện ung thư trực tràng.

Đáng chú ý, trên kết quả nội soi đại trực tràng phát hiện bất thường. Tại vị trí trực tràng cách hậu môn khoảng 10cm có khối u chiếm 2/3 chu vi lòng trực tràng (kích thước khoảng 4cm), bề mặt cứng chắc, chạm vào dễ chảy máu.

Bác sĩ chỉ định thực hiện sinh thiết làm mô bệnh học để đánh giá bản chất khối u. Kết quả là carcinoma tuyến biệt hóa vừa - một dạng ung thư tuyến ở trực tràng.

Chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc ung thư trực tràng, được bác sĩ tư vấn chi tiết về tình trạng bệnh và các phương án điều trị phù hợp.

Ung thư đại trực tràng (CRC) là bệnh ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới, chiếm gần 10% tổng số ca mắc mới và đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong do ung thư toàn cầu.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, thế giới ghi nhận khoảng 1,93 triệu ca mới và gần 940 000 ca tử vong. Dự báo đến năm 2040, số ca mắc sẽ tăng lên khoảng 3,2 triệu và hơn 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 16.835 ca mắc mới và 8.454 ca tử vong mỗi năm, đưa ung thư đại trực tràng vào nhóm ung thư phổ biến thứ tư và tử vong thứ năm ở cả nước. Một thực trạng đáng lo ngại là bệnh lý nguy hiểm này đang có xu hướng trẻ hóa.

Phòng tránh ung thư đại trực tràng thế nào?

Theo BS.Nguyễn Thị Thanh Ngát - Trung tâm Tiêu hóa MEDLATEC, ung thư đại trực tràng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau bao gồm:

Yếu tố dinh dưỡng: Ung thư đại - trực tràng liên quan chặt chẽ với chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E, thiếu canxi.

Ngoài ra, thực phẩm có chứa benzopyren, nitrosamin... có khả năng gây ung thư.

Các tổn thương tiền ung thư: Viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại trực tràng;

Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có vai trò quan trọng trong sinh bệnh ung thư đại trực tràng, với gen sinh ung thư.

Các hội chứng di truyền: Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner…

Cần duy trì lối sống lành mạnh để phòng bệnh.

Cần duy trì lối sống lành mạnh để phòng bệnh.

Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện giai đoạn sớm có thể cắt bỏ hoàn toàn qua nội soi hoặc có thể khỏi sau phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Vì vậy, khám chuyên khoa tiêu hóa định kỳ ngay cả khi chưa có dấu hiệu là giải pháp giúp phòng tránh nguy cơ ung thư hoặc điều trị sớm bệnh lý nếu có, từ đó giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Ngát khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người từ 40 tuổi trở lên hoặc có yếu tố nguy cơ (tiền sử gia đình, mắc polyp, viêm đại tràng mạn tính...) cần chủ động thực hiện tầm soát định kỳ bằng nội soi đại trực tràng và xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.

Song song với đó, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh để phòng bệnh: Ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn; tránh rượu bia, thuốc lá, kiểm soát cân nặng; tăng cường vận động thể chất.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-tien-ra-mau-nguoi-phu-nu-bat-ngo-phat-hien-ung-thu-truc-trang-204250723092920406.htm