Đảnh lễ Tỳ Kheo Bodhi - nhớ về Hòa thượng Minh Châu

Ngài Tỳ kheo Bodhi sống ở Mỹ và làm việc rất tinh tấn. Mỗi ngày Ngài đều dậy từ ba bốn giờ sáng, dù cho băng tuyết hay mưa gió. Ngài tự đặt mục tiêu mỗi ngày đều dịch 5.000 từ.

Tác giả: TS Nguyễn Mạnh Hùng -Chủ tịch công ty sách Thái Hà

Việt Nam đón Đại lão Hòa thượng Tỳ kheo Bodhi đến thăm và làm diễn giả chính Keynote Speaker của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20.

Một vinh dự lớn của đất nước chúng ta, nhất là đối với những người con Phật.

Ngài Tỳ kheo Bodhi sinh năm 1944 tại Hoa Kỳ. Ngài xuất gia thọ giới Sa di với thầy Giác Đức, người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Khi Hòa thượng Thích Minh Châu qua Hoa Kỳ thuyết pháp, Ngài Bodhi đã được gặp, Hòa thượng Thích Minh Châu khuyên Ngài nên tu theo Phật giáo Nguyên thủy.

Năm 1972, Tỳ kheo Bodhi, trên đường từ Mỹ đi Sri Lanka thọ đại giới và tu tập, đã đến Việt Nam đảnh lễ và thăm Hòa thượng Thích Minh Châu. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Ngài. Cùng với lá thư viết tay của HT.Thích Minh Châu, Ngài Bodhi được gặp và đã được thọ đại giới và tu tập với các vị thầy lớn của đất nước Sri Lanka và tu tập tại đó.

Năm 1984, Tỳ kheo Bodhi được bổ nhiệm làm biên tập viên tiếng Anh của Hiệp hội Xuất bản Kinh sách Phật giáo (BPS, Sri Lanka) và sau 4 năm, vào năm 1988, Ngài trở thành chủ tịch của tổ chức này.

Năm 2002, Tỳ kheo Bodhi trở về Hoa Kỳ, hiện Ngài là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Hoa Kỳ, có rất nhiều đóng góp cho Phật giáo Hoa Kỳ nói riêng và Phật giáo Thế giới nói chung.

Năm nay 2025, Tỳ kheo Bodhi đến Việt Nam. Đây là lần thứ 2, sau lần thứ nhất vào năm 1972. Ngài Đại lão Hòa thượng Bodhi đến Hà Nội, có các hoạt động phật sự tại Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Trước ngày Khai mạc VESAK, chúng tôi quá may mắn gặp, được đảnh lễ và ngồi bên Ngài.

Ảnh tác giả cung cấp.

Ảnh tác giả cung cấp.

Chúng tôi cũng xin lời đề tặng và chữ ký của Ngài vào sách “Thánh đế Thánh Đạo – Lời Phật dạy trực chỉ đến giải thoát” do Công ty sách Thái Hà vừa mới xuất bản cũng như vào toàn bộ 5 bộ Kinh Nikaya do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch ra tiếng Việt gồm Trường bộ, Trung bộ, Tương Ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ.

Chúng tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của Ngài dành cho chúng tôi nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Ngài Tỳ kheo Bodhi sống ở Mỹ và làm việc rất tinh tấn. Mỗi ngày Ngài đều dậy từ ba bốn giờ sáng, dù cho băng tuyết hay mưa gió. Ngài tự đặt mục tiêu mỗi ngày đều dịch 5.000 từ, không thể dễ dui, vì theo Ngài nếu dễ dui sẽ mất hết cơ hội phụng sự Phật Pháp.

Ngài ở trong tịnh thất rất giản dị giữa rừng, không tiếp khách, không nhận cúng dường, chỉ một mình tại nơi tĩnh lặng để tu tập và dịch Kinh, viết sách.

Ngài phát nguyện dịch làm thật lưu loát, văn phong chuẩn nhưng phải đảm bảo chính xác nội dung, đảm bảo nguyên ý lời Phật dạy.

Thật may mắn, hàng tuần Ngài vẫn dành thời gian giảng Pháp. Nhiều bài giảng của Ngài vẫn được thu lại và các phật tử có thể nghe để hiểu, để nhớ, để thực hành theo.

Ảnh tác giả cung cấp.

Ảnh tác giả cung cấp.

Nếu như tại Việt Nam chúng ta có Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công dịch 5 bộ Kinh Nikaya từ Pali ra tiếng Việt thì tại Hoa Kỳ, công ơn vô cùng to lớn này thuộc về Ngài Đại lão Tỳ Kheo Bodhi. Ngài đã kiên trì và miệt mài dày công dịch Kinh Phật gốc Nikaya từ Pali ra tiếng Anh. Những tác phẩm do chính Ngài dịch như Tăng Chi Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh,… và viết khá nhiều sách.

Xin điểm lại một số tác phẩm mà Ngài Tỳ kheo Bodhi đã dịch và viết: Tăng Chi Bộ Kinh (Numerical Discourses of the Buddha: A New Translation of the Anguttara Nikaya ), Trung Bộ Kinh (The Middle Length Discourses of the Buddha: A translation from the Majjhima Nikāya), Tương Ưng Bộ Kinh (The Connected Discourses of the Buddha: A Translation from the Samyutta Nikāya), Tăng Chi Bộ Kinh, (Numerical Discourses of the Buddha: An Anthology of Suttas from the Anguttara Nikāya),..

Ngoài ra còn có 2 cuốn sách của Ngài Bodhi do Thái Hà Books xuất bản tiếng Việt là “Những lời Phật dạy” và “Thánh đế Thánh đạo”. Những tác phẩm khác cũng được phật tử trên toàn thế giới quan tâm như: Giáo lý Như Thật của đức Phật (The Buddhda’s Teachings as It Is”, Kinh Tập Nipata (Sutta Nipata), Nghiên Cứu có Hệ Thống Kinh Trung Bộ (A Systematic Study of the Majjhima Nikaya), Nghiên Cứu các Hạnh Ba-la-mật ( A Study of the Paramis), Hợp Tuyển Lời Phật Dạy tử Kinh Tạng Pali (In the Buddha’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon).

Ảnh tác giả cung cấp.

Ảnh tác giả cung cấp.

Chúng tôi may mắn có mặt trong Đại lễ VESAK 2025, được nghe bài tham luận của Ngài ngay sau lễ khai mạc ấn tượng, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đọc, học và thực hành lời Phật dạy, đến tình hình ứng dụng Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca trong cuộc sống hiện tại, đến vai trò của Ni sư và phái nữ trong Phật giáo.

Hôm nay, đúng Rằm tháng Tư trăng tròn, chúng tôi đến Thiền Vạn Hạnh Tp.HCM để đảnh lễ trước tháp Pháp Lạc và tôn tượng của Hòa thượng Thích Minh Châu. Chúng tôi xin ngồi xem và đọc lại các bộ Kinh Nikaya do Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch ra tiếng Việt và Tỳ kheo Bodhi đã dịch ra tiếng Anh mà chúng tôi đang để ngay trước mặt. Chúng tôi thấy mình quá hạnh phúc, quá may mắn khi được trực tiếp gặp, đảnh lễ và nghe giảng từ cả 2 bậc thầy lớn, rất lớn này.

Xin cùng phát nguyện tu tập theo đúng Chính Pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Xin Phát nguyện lan tỏa 2 bộ Kinh lớn là Nikaya và A Hàm. Chúng tôi cũng đã in hơn chục ngàn bản “Kinh Pháp Cú” bỏ túi và “12 bản Kinh tuyển chọn trong Nikaya” và xin phát nguyện cúng dường, tặng đến thật nhiều phật tử.

Hy vọng 100.000 bản đầu tiên sẽ sớm đến với quý phật tử khắp nơi, trong và ngoài nước. Và cuốn tiếp theo, xin phát nguyện xuất bản chỉ để tặng là “Kinh Pháp Cú” bỏ túi bản tiếng Anh để gieo duyên Chính Pháp đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là châu Âu.

Tác giả: Ts Nguyễn Mạnh Hùng -Chủ tịch công ty sách Thái Hà

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/danh-le-ty-kheo-bodhi-nho-ve-hoa-thuong-minh-chau.html