Đạo luật mới tạo hành lang xây dựng Chiến lược nghiên cứu và phát triển AI quốc gia

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thảo luận với kỳ vọng tạo hành lang pháp lý cho AI, tài sản số, thúc đẩy ngành công nghệ nền tảng.

Chiều 9/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đây là bước tiến tiếp theo sau khi Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu thống nhất về sự cần thiết và tầm quan trọng của dự thảo luật này trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Kỳ vọng cơ chế ưu đãi vượt trội thúc đẩy ngành trụ cột

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường chiều 9/5. Ảnh:QH

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường chiều 9/5. Ảnh:QH

Liên quan đến hạ tầng công nghiệp công nghệ số, có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết của việc xây dựng khu công nghệ số tập trung, đề nghị rà soát, kỳ vọng cơ chế ưu đãi vượt trội thúc đẩy ngành trụ cột.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày, trong đó nhấn mạnh vai trò nền tảng của công nghiệp công nghệ số và sự cần thiết phải có khu công nghệ số tập trung.

Ông Lê Quang Huy làm rõ: Quy định này không tạo thêm khu chức năng mới mà là sự kế thừa và chuyển tiếp từ khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung hiện nay.

Dự thảo luật đã dành nhiều nội dung để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2018 và Nghị quyết số 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, để thu hút đầu tư và tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, dự thảo quy định hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế: Tăng mức khấu trừ chi phí R&D lên 200% (khoản 5, Điều 15); chi phí đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền... được trừ 150% (khoản 3, Điều 41); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp thiết kế bán dẫn, điện tử có FDI chuyển giao công nghệ (Điều 43).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện nguyên tắc một vấn đề chỉ quy định ở một văn bản luật, các chính sách này sẽ được nghiên cứu thu hút về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tài sản số, AI: Cần khung pháp lý thống nhất

Một trong những vấn đề nóng được thảo luận là quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, hai lĩnh vực mới nhưng có tốc độ phát triển vượt trội và ảnh hưởng sâu rộng. Dự thảo luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung quy định về quản lý rủi ro AI, phân loại hệ thống theo mức độ rủi ro và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, luật cũng bổ sung nội dung về Chiến lược nghiên cứu và phát triển AI quốc gia (Điều 45), tiếp cận theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng lấy con người làm trung tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định pháp luật hiện hành chỉ công nhận quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân có thực, chưa công nhận AI là chủ thể sở hữu trí tuệ. Đây là xu hướng đang được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các nước tiếp tục nghiên cứu, chưa luật hóa. Vì vậy, quy định về AI trong dự thảo sẽ theo hướng mở, giao Chính phủ hướng dẫn sau.

Trong lĩnh vực tài sản số, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các nội dung về quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, xử lý vi phạm… đã được điều chỉnh bởi nhiều luật hiện hành, như luật dân sự, hình sự, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, nhằm đảm bảo sự linh hoạt và thích ứng với thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng.

Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể hơn về quản lý tài sản số như: tạo lập, phát hành, lưu ký, giao dịch, xác lập quyền sở hữu, xử lý tranh chấp… và các điều kiện kinh doanh dịch vụ tài sản mã hóa.

Ngoài ra, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dự thảo cũng quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số.

Ông Lê Quang Huy cho biết: Trước ý kiến cho rằng nội dung này trùng lặp với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đang được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để quy định khung thử nghiệm tại một luật và luật công nghệ số sẽ chi tiết hóa phần liên quan đến lĩnh vực của mình. Cách làm này nhằm bảo đảm tính thống nhất và không chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là bước đi chính sách quan trọng nhằm đặt nền móng pháp lý cho phát triển ngành công nghiệp nền tảng của kỷ nguyên số. Với cách tiếp cận mở, linh hoạt, phù hợp thực tiễn và xu hướng quốc tế, dự thảo kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ và định hình khung pháp lý cho những lĩnh vực mới như AI, tài sản số, công nghệ mã hóa. Từ đó, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại số hóa sâu rộng.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-luat-moi-tao-hanh-lang-xay-dung-chien-luoc-nghien-cuu-va-phat-trien-ai-quoc-gia-386825.html