Đào tạo nhân lực đảm bảo cung ứng cho doanh nghiệp

Học nghề điện tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế, đồng thời tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại cũng như tương lai.

Đó là phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Trương Anh Dũng tại chương trình tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến về Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội vừa được đơn vị này tổ chức.

Thiếu lao động sau dịch COVID-19

Thông tin tại chương trình tọa đàm này cho biết, hiện tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau COVID-19 mới chỉ đạt 60-70% so với nhu cầu doanh nghiệp. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nước ta đang là địa điểm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về công nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp phải là ngành công nghiệp điện tử thiếu lao động sau dịch, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tính tới ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60-70% lao động quay trở lại làm việc. Nguyên nhân là do tỉ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa cao. Nhìn chung tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng.

Để khôi phục lại thị trường lao động hậu COVID-19, Tổng cục GDNN đang xây dựng hai phương án cung ứng lao động qua đào tạo. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 HSSV cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 HSSV thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của GDNN. Theo đó, HSSV sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề. Hai phương án trên có thể huy động được HSSV tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho HSSV; tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ lao động cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay đợt dịch vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy thực hiện 3 tại chỗ. Sau nới lỏng giãn cách, đến ngày 22/10, 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, với 70% lao động trở lại làm việc, còn 100.000 lao động ở tỉnh xa chưa trở lại.

Hiện các tỉnh đã có chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đưa người lao động có nhu cầu quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Tại Phú Yên, nhà xe Phương Trang tiếp tục thực hiện “chuyến xe 0 đồng” đưa lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Các cơ sở đào tạo GDNN đã cho HSSV học tập trung trở lại. Cùng với đó, các trường tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung chia sẻ: “Trong thời gian qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhà trường vẫn đảm bảo kế hoạch học tập, tốt nghiệp cho HSSV. Qua đó vừa đảm bảo cho HSSV trong tìm kiếm việc làm vừa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hậu COVID-19”.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, khi dịch COVID-19 bùng phát, tỉ lệ thất nghiệp rất lớn, số lượng lao động rời thị trường nhiều. Ngược lại khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại thì tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra. Trong bối cảnh này, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề, cơ sở GDNN cần doanh nghiệp để giúp HSSV thực hành. “Chúng ta cần chung tay để tìm lời giải góp phần tránh đứt gãy nguồn cung lao động, nghiên cứu triển khai chính sách phát triển lao động nghề, tăng cường giải pháp đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Dũng nhấn mạnh.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/266869/dao-tao-nhan-luc-dam-bao-cung-ung-cho-doanh-nghiep.html