Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hậu Lộc
Phấn khởi về những thành tựu của quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc đón xuân với sức sống mới, niềm vui mới, nhiệt huyết, quyết tâm cao. Các công trình kết cấu hạ tầng mới khang trang, hiện đại; nhà xưởng của doanh nghiệp được nâng cấp, mở rộng sản xuất, kinh doanh; những ngôi nhà xây mới, khuôn viên của Nhân dân được chỉnh trang sạch, đẹp... Phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững góp phần để huyện hoàn thành XDNTM vào cuối năm 2023.
Thị trấn huyện Hậu Lộc. Ảnh: Ngọc Toản
Năm 2023, UBND huyện Hậu Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư và triển khai nhiều công trình, dự án (DA), tạo đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hậu Lộc phát triển nhanh, bền vững. Giai đoạn 2021-2023, tổng các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn tỉnh hỗ trợ và ngân sách huyện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Hậu Lộc ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng.
Giao thông đi trước mở đường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Rút ngắn khoảng cách là cạnh tranh về thời gian, năng lực phát triển, thu hút đầu tư đồng nghĩa với mở rộng, kết nối tương lai,... Huyện đã chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, tranh thủ thời điểm thuận lợi, huy động mọi nguồn lực lên công trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, đặc biệt là DA giao thông trọng điểm. Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu “then chốt”, có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA, huyện đã thành lập, kiện toàn 38 hội đồng GPMB và giao cho Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng huyện Hậu Lộc làm cơ quan thường trực của các hội đồng. Chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường GPMB; chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác bồi thường GPMB, xác định nguồn gốc đất đai, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu triển khai thi công. Làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để Nhân dân đồng lòng, ủng hộ. Riêng năm 2023, huyện Hậu Lộc đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB 23 DA với diện tích 62,23 ha, tổng kinh phí đã giải ngân cho công tác GPMB ước đạt hơn 110 tỷ đồng. Đặc biệt, đã hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng các DA trọng điểm trên địa bàn như dự án KeXim 1; khu dân cư (KDC) Diêm Phố,... Các DA giao thông như: tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa; tuyến đường giao thông nối Quốc lộ10 (tại Km218+245) với đường Phạm Bành, thị trấn Hậu Lộc; tuyến đường từ xã Quang Lộc nối đường ven biển tại xã Hưng Lộc; đường từ Cảng cá Hòa Lộc đi đường ven biển; đường từ xã Thành Lộc đi xã Đồng Lộc... với tổng chiều dài hơn 24 km cho các nhà thầu thi công. Theo tiến độ, các DA này sẽ hoàn thành trong năm 2024. Đây là các DA giao thông trọng điểm trên địa bàn, kết nối các vùng của huyện, khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và mở ra không gian phát triển mới, tăng tính liên kết vùng, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư...
Hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được quan tâm đầu tư. Trong giai đoạn này từ nguồn vốn ngân sách huyện và tỉnh hỗ trợ, huyện đã tiến hành đầu tư cứng hóa, xử lý kè chống sạt lở hơn 19 km đê; 23 km kênh mương nội đồng; 146 phòng học, phòng chức năng của các trường học và 5 trạm y tế trên địa bàn. Ngoài ra, hạ tầng năng lượng điện cũng đã được ngành điện quan tâm đầu tư như DA đường dây 500 KV; đường dây110 KV và các tuyến đường 35 KV... chống quá tải trên địa bàn góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung triển khai đầu tư các DA mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật dân cư mới trên địa bàn với diện tích hơn 45 ha. Sau một thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, trong năm 2023 đã được hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ các hạng mục để đưa vào đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách như: DA hạ tầng kỹ thuật KDC đồng cồn Ve, cồn Ngang, thị trấn Hậu Lộc; KDC cồn Mèo, xã Quang Lộc; KDC khu Mảng Vị; Củ Lác xã Phú Lộc; KDC Thành Tây xã Thành Lộc; KDC Liên Lộc ; KDC Minh Hải xã Minh Lộc; Hoa Phú xã Hoa Lộc ...
Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên địa bàn Hậu Lộc vẫn đang có quy mô nhỏ, việc nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn ở một số xã chưa được chú trọng do vướng mắc trong GPMB nên vẫn có một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Một số tuyến đường mang tính kết nối vùng theo quy hoạch do khó khăn về nguồn vốn, về chỉ tiêu đất lúa nên vẫn chưa được triển khai nghiên cứu đầu tư như: đường nối đường tỉnh 526 (Quán Dốc) đến Quốc lộ 217; đường nối Quốc lộ 10 đến đường ven biển; đường nối đường tỉnh 526B (xã Tiến Lộc) đến đường tỉnh 526 (xã Hoa Lộc); đường nối trung tâm xã Cầu Lộc, Đồng Lộc, Phong Lộc; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 10 đoạn qua xã Hoa Lộc, Liên Lộc...
Đường giao thông nối tỉnh lộ 526 với Quốc lộ 10 (tại xã Hoa Lộc - Hậu Lộc) đang được nhà thầu gấp rút thi công. Ảnh: Thùy Dương
Xác định XDNTM, là các nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã tập trung chỉ đạo. Đến tháng 12-2023, huyện Hậu Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; toàn huyện có 21/21 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Phú Lộc, Hoa Lộc, Hưng Lộc); 111/132 thôn đạt chuẩn NTM, đạt 84,09%; có 14 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân toàn huyện từng bước nâng lên, ước đạt 59,27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2011. Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân gắn với XDNTM đã góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo trên quê hương Hậu Lộc.
Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên cùng với nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, huyện Hậu Lộc đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Tự hào tiếp nối truyền thống, động lực sức mạnh nội sinh của văn hóa, lịch sử, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc không ngừng nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm với tất cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm cao nhất theo tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”, đưa Hậu Lộc sớm trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2025.
Những ngày đầu năm 2024, cùng với hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền công nhận huyện Hậu Lộc đạt chuẩn NTM, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn lực, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các DA, nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, theo hướng hiện đại. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng 2030 gắn với XDNTM theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trên cơ sở quy hoạch từng xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi tập trung, công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn bảo vệ môi trường... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm cho NTM trên quê hương Hậu Lộc văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.