Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Nhà giáo thực hiện bài trình giảng tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 (Ảnh tư liệu)
Quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin
Trường cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên đang đào tạo trên 2 nghìn học sinh, sinh viên. Để công tác quản lý và giảng dạy bảo đảm chất lượng, những năm qua, nhà trường không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 26.4.2022 chuyển đổi số trong GDNN tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch số 80), trường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án chuyển đổi số của nhà trường. Đến nay, nhà trường đã trang bị gần 300 bộ máy tính để phục vụ công tác giảng dạy và làm việc của cán bộ, giáo viên. Việc quản lý cán bộ, viên chức, người lao động; quản lý đào tạo; tài chính... đang được số hóa và quản lý bằng phần mềm. Trong hoạt động giảng dạy, nhà trường trang bị phần mềm quản lý dạy học trực tuyến E-learning, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến, sử dụng các phần mềm, ứng dụng để dạy học trực tuyến như: Zoom, Google Meet... Các nhà giáo quan tâm xây dựng giáo án điện tử; sử dụng máy chiếu trong giảng dạy… để tạo sức hấp dẫn, nhiều góc nhìn, tiếp cận kiến thức đa chiều cho người học.
Sinh viên Bùi Thị Lan Anh, Khoa Công nghệ may và Thời trang, Trường cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cho biết: Thày, cô sử dụng bài giảng điện tử trong quá trình giảng dạy với nhiều hình ảnh, video minh họa sinh động đã giúp chúng em tiếp thu bài tốt hơn, hứng thú hơn trong quá trình học tập.
Đồng chí Nguyễn Khắc Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cho biết: Để chuyển đổi số trong GDNN đạt hiệu quả cao, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số bảo đảm để triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong đó tập trung vào các ngành, nghề trọng điểm.
Tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên, từ năm 2019, nhà trường đã chủ động tham mưu được cấp kinh phí để đầu tư hệ thống máy chủ, phần mềm; phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng phương án đào tạo từ xa, vừa làm vừa học, tự học có hướng dẫn. Năm 2020, trường đã đầu tư hệ thống máy chủ với giá trị khoảng 500 triệu đồng, chạy thử phần mềm học online, hướng dẫn nhà giáo xây dựng bài giảng điện tử… Thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã tổ chức tốt công tác giảng dạy và học tập online thông qua phòng dạy trực tuyến và các phần mềm. Đây cũng là cơ hội để nhà trường đẩy mạnh, phát triển đào tạo trực tuyến, phát triển mô hình đào tạo E-learning trên cơ sở phát triển "trường học thông minh”.
Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, hướng nghiệp cho học sinh, tuyển sinh và xét tuyển bằng các kênh trực tuyến. Website của trường hoạt động hiệu quả, cung cấp kịp thời các thông tin về công tác tuyển sinh, đào tạo…
Đồng chí Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên cho biết: Chuyển đổi số trong GDNN là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhà trường còn gặp một số khó khăn như trang bị hạ tầng mạng Internet và cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo còn hạn chế… Để việc chuyển đổi số trong GDNN được đồng bộ, toàn diện, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, trường rất cần sự hỗ trợ của tỉnh, các đơn vị có liên quan…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Căn cứ Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tình hình thực tiễn tại tỉnh, Kế hoạch số 80 đã xác định việc chuyển đổi số trong GDNN cần xây dựng thống nhất hệ sinh thái chuyển đổi số bao gồm 5 hợp phần, giúp định hình cấu trúc xây dựng và thống nhất trong quá trình chuyển đổi số GDNN, đồng thời hình thành hướng tiếp cận chung cho mọi cấp về chuyển đổi số trong GDNN. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh liên quan đến lĩnh vực GDNN để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, cơ sở GDNN trong chuyển đổi số GDNN trên địa bàn tỉnh; xây dựng trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế hỗn hợp trong hoạt động GDNN phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu GDNN bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu theo quy định; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh về việc xã hội hóa hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động GDNN. Cùng với đó là các giải pháp cụ thể trong triển khai chương trình, nội dung đào tạo; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường…
Giờ thực hành tại Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi
Để đạt mục tiêu Kế hoạch số 80 đề ra, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy và học… từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế…